Trong khi Bộ Nông nghiệp cho rằng, cây trồng biến đổi gene giúp tăng năng suất, thì nhiều nhà khoa học lại cảnh báo về an toàn thực phẩm và nguy cơ lệ thuộc của nền nông nghiệp Việt Nam vào các tập đoàn xuyên quốc gia.
Sáng 5/10, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm về phát triển cây trồng biến đổi gene ở Việt Nam với sự tham dự của hàng chục nhà khoa học, chuyên gia.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Bùi Bá Bổng, việc sử dụng giống cây trồng biến đổi gene (Genetically Modified Crop – GMC) trên thế giới hiện nay có hai ý kiến trái ngược nhau. Bên ủng hộ khẳng đây là tiến bộ của khoa học hiện đại, giúp tăng sản lượng nông nghiệp mà phương pháp truyền thống không đáp ứng được. Luồng ý kiến ngược lại cho rằng loại cây này có nguy cơ đem lại những hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe người, động vật và đa dạng sinh học.
Giống ngô biến đổi gen đang được trồng khảo nghiệm trên diện rộng tại Vĩnh Phúc. Ảnh: N.H. |
Thứ trưởng Bổng cho rằng, với một tiến bộ khoa học và công nghệ phức tạp như GMC thì chọn lựa tiếp thu một cách dễ dãi hay dứt khoát từ chối đều chưa phải là cách tiếp cận hay.
Hiện, Việt Nam mới chỉ cho phép khảo nghiệm 3 loại cây trồng GMC là ngô, đậu tương, bông vải. Đây cũng là 3 loại cây mà chúng ta đang phải nhập khẩu với số lượng lớn. Riêng giống ngô biến đổi gene ở Việt Nam đã hoàn tất phần khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường. Sau bước này còn các bước tiếp theo như chứng nhận an toàn sinh học, chứng nhận đủ điều kiện làm thực phẩm. Trong năm 2012, ngô biến đổi gene có thể được đưa vào sản xuất đại trà.
Đại diện cho Viện Di truyền nông nghiệp – đơn vị chủ trì khảo nghiệm đánh giá rủi ro với cây biến đổi gene, tiến sĩ – Viện trưởng Lê Huy Hàm công bố, đến năm 2010, loại cây này trên thực tế đã trồng 148 triệu ha, chưa thấy nước nào trồng rồi từ bỏ. Những nước ở châu Âu chưa chấp nhận biến đổi gene là do đang đối diện với khủng hoảng thừa hơn là thiếu, họ không lo nghĩ nhiều đến an ninh lương thực, hay đất đai như các nước đang phát triển. Ông cũng khẳng định, cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào gây ảnh hưởng cho môi trường sức khỏe.
Ông Hàm phân tích, người dân thường một vụ phun tới 14 lần thuốc trừ sâu, như thế họ sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe từ loại thuốc độc hại này, đồng thời môi trường cũng bị ảnh hưởng, như vậy là tận diệt môi trường. Nếu dùng loại cây trồng biến đổi gene kháng sâu, người trồng không phải phun thuốc trừ sâu, mà bản thân loại này sẽ tiêu diệt sâu đục thân, giảm chi phí, giảm độc hại đến môi trường, đảm bảo sức khỏe tốt hơn người trồng, giảm phát thải dư lượng thuốc trừ sâu vào môi trường, đảm bảo đa dạng sinh học.
Hầu hết các ý kiến trong buổi tọa đàm đều cho rằng VN nên thận trọng và không nên sớm áp dụng đại trà công nghệ biến đổi gene. Ảnh: N.H. |
Theo ông Hàm, về nguyên lý, công nghệ biến đổi gene không mới, có từ hàng triệu năm nay. Bản thân cây trồng vật nuôi đã là khía cạnh của biến đổi gene, nhưng nó là sản phẩm của hàng triệu năm, con người chỉ học và đẩy nhanh để đáp ứng nhu cầu. "Cây trồng biến đổi gene là kỹ thuật của tương lai, trước sau chấp nhận rộng rãi. Kết quả khảo nghiệm vừa qua ở các tỉnh như Vĩnh Phúc, Bà Rịa – Vũng Tàu, người dân rất vui mừng khi năng suất từ cây trồng biến đổi gene tăng mạnh", ông Hàm nhấn mạnh.
Ủng hộ cây trồng biến đổi gene, giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ tịch Hội vi sinh vật cho rằng nên phát triển công nghệ này. Theo ông, dân số ngày càng tăng, để đảm bảo an ninh lương thực, muốn tăng năng suất cây trồng cần tìm cách thay đổi công nghệ. "Dân số thế giới dự kiến vượt quá 12 tỷ người sau 50 năm tới, làm thế nào để cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho nhân loại là một vấn đề rất lớn. Không có lý do gì để chúng ta chậm trễ trong việc nhập khẩu các giống cây trồng biến đổi gene đã được thực hiện nhiều năm trên thế giới", ông Dũng nhấn mạnh.
Phản bác lại, giáo sư – viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch hội giống cây trồng lại cho rằng sinh vật biến đổi gene tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe cộng đồng như khả năng gây dị ứng, làm nhờn kháng sinh, có thể tạo ra độc tố và gây độc lâu dài cho cơ thể. Gene kháng sinh có thể được chuyển vào các cơ thể vi sinh vật trong ruột của người và động vật ăn thịt thành phần biến đối gene. Điều này sẽ dẫn tới việc tạo ra vi sinh vật có khả năng kháng thuốc.
Về đa dạng sinh học, theo ông Long, cây biến đổi gene có thể phát tán sang họ hàng hoang dã của chúng và các loài cây trồng khác, sang côn trùng gây hại, vi sinh vật, có nguy cơ làm tăng khả năng đề kháng của chúng đối với đặc tính chống chịu sâu bệnh, thuốc diệt cỏ và làm tăng khả năng gây độc của cây trồng biến đổi gene đối với sinh vật có ích. Từ đó làm ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn tự nhiên, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học.
Ngoài ra, cây biến đổi gene còn mang cái gene kháng thuốc trừ cỏ thụ phấn với các cây cùng loài hay có họ hàng gần gũi, làm lây gene kháng thuốc diệt cỏ trong quần thể thực vật. Việc trồng cây biến đổi gene mang tính chọn lọc như kháng sâu, bệnh, kháng thuốc trừ cỏ phát triển tràn lan sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái và làm giảm đa dạng sinh học của loài cây được chuyển gene.
"Việt Nam chưa nên phát triển cây trồng biến đổi gene trên diện rộng. Chúng ta không phản đối cây trồng biến đổi gene, nhưng tiếp cận với chúng thế nào thì cần phải thảo luận", ông Long nói. Ông Long kiến nghị, trong 10 năm tới không nên trồng cây biến đổi gene ở nước ta.
Cùng chung nhận định, bà Lê Thị Phi Vân (Viện chính sách, chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn) khẳng định, "GMC không tạo sự khác biệt đáng kể về năng suất, thực tế chứng minh, năng suất GMC sau một thời gian còn thấp hơn cây trồng thông thường và đòi hỏi lượng tương đương các hóa chất diệt cỏ độc hại".
Bà Vân cũng nêu hàng loạt dẫn chứng chứng minh, GMC không hề giúp tiết kiệm chi phí, lượng thuốc trừ sâu có giảm trong 2-3 năm đầu áp dụng GMC, nhưng sau đó tăng dần. GMC còn làm cho sâu bệnh trở nên kháng thuốc. GMC còn tiềm ẩn ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe con người và vật nuôi. Những nghiên cứu gần đây chứng minh rằng công nghệ gene vốn đã không an toàn, có nguy cơ nghiêm trọng với sức khỏe về mặt độc tố, dị ứng và chức năng miễn dịch, sức khỏe sinh sản và sức khỏe sinh lý, chuyển hóa, gene…
Hàng loạt ý kiến của các nhà khoa học tại hội thảo cũng khẳng định, đối với công nghệ biến đổi gene, Việt Nam không thể "đi tắt đón đầu" bởi lợi thì đếm được nhưng hại thì nhiều vô cùng.
Ông Trần Đắc Lợi nêu hàng loạt dẫn chứng về mối đe dọa từ cây biến đổi gene. Ảnh: N.H. |
Ngoài ra, theo bà Vân, điều nguy hiểm là phát triển cây biến đổi gene chỉ càng làm cho nông dân phụ thuộc hơn vào các công ty giống, trong khi các công ty giống sẽ có khả năng kiểm soát cả về kinh tế và chính trị mục tiêu thu hút đầu tư vào khâu giống cây trồng.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Đắc Lợi, (Phó chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam) cho rằng cần nghiên cứu kỹ về sinh vật biến đổi gene (GMO). Theo ông Lợi, lực lượng thúc đẩy biến đổi gene chủ yếu là tập đoàn xuyên quốc gia.
Trước báo cáo của Bộ Nông nghiệp cho rằng nói rằng không có bằng chứng về việc tự tử của nông dân Ấn Độ liên quan tới cây biến đổi gene, ông Lợi thẳng thắn: "Người nông dân này tự tử do không trả đủ tiền cho khoản vay nặng lãi, vì họ hoàn toàn phụ thuộc vào người cung cấp giống biến đổi gene. Khi phổ biến, nhà sản xuất tăng giá lên, và tất nhiên nông dân phá sản hàng loạt".
Theo ông Lợi, trên thế giới mới có 29 quốc gia làm, thậm chí tại các nước này đang diễn ra đấu tranh quyết liệt dưới nhiều hình thức khác nhau để không phát triển GMO như Peru quyết tâm đình chỉ không dùng cây trồng biến đổi gene trong 10 năm. Thụy Sĩ, Australia cũng không tiếp tục phát triển GMC nữa. Người dân các nước ngày càng phản đối mạnh việc đưa GMC vào nước họ trên các diễn đàn như một sự kiểm soát xâm lăng tấn công vào chủ quyền an ninh lương thực quốc gia.
Ông Lợi dẫn chứng báo cáo nghiên cứu toàn diện mới đây về nông nghiệp thế giới do Liên Hiệp quốc bảo trợ với sự tham gia của nhiều nước, nhiều tổ chức, đã kết luận: "Sinh vật biến đổi gene không đóng góp được gì cho an ninh lương thực, xóa nghèo, biến đổi sinh học, thêm vào đó sự du nhập biến đổi gene còn làm suy thoái về giống".
"Xu thế tiêu dùng của thế giới hiện nay rõ ràng là thực phẩm an toàn, ở Mỹ đang tẩy chay GMC, Liên minh châu Âu cấm bán mật ong liên quan đến nhiễm sản phẩm của GMC, Mỹ khi gạo lan tỏa lúa của Mỹ thiệt hàng trăm triệu USD. Đây mới là xu thế của thế giới", ông Lợi nói.
Đại biểu này kiến nghị, cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa cây biến đổi gene vào đời sống. Trong đó, quan trọng là cần tập trung nghiên cứu đảm bảo tính độc lập khách quan sau đó mới xem nên áp dụng hay không.
Theo Nguyễn Hưng – Hương Thu
(vnexpress)
Bình luận (0)