Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Giúp người cao tuổi an toàn khi đi ra ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Tuổi già cũng có nhu cầu giao tiếp, tham gia các hoạt động xã hội nhưng lại dễ gặp khó khăn trong khi di chuyển, thậm chí khó khăn trong vận động. Có những trường hợp con cháu sợ ông bà, cha mẹ đi ra ngoài không an toàn, dễ gặp tai nạn nên muốn giữ các cụ ở trong nhà cho yên tâm. Tuy nhiên, cách này lại rất dễ làm cho các cụ cảm thấy cô đơn, bị khép kín, trầm cảm. Vậy làm cách nào để giúp người cao tuổi đi ra ngoài, tham gia hoạt động xã hội mà vẫn đảm bảo sự an toàn cho các bác, các cụ?
Những hoạt động người cao tuổi thường muốn tham gia
Ảnh: Thanh Tùng
Bên cạnh những sinh hoạt trong đời sống gia đình, người cao tuổi cũng muốn có thêm người giao tiếp từ môi trường bên ngoài, có thêm thông tin xã hội, cũng muốn đi đây đi đó để giải trí, nghỉ dưỡng, thư giãn, hoặc thoả nhu cầu tâm linh. Do đó các cụ thường chọn đi tập thể dục, tập dưỡng sinh ở công viên, hoặc đi hành hương, thăm viếng đền chùa, tham gia câu lạc bộ văn thơ, câu lạc bộ chăm sóc cây cảnh… Những hoạt động này có thể trở thành thời khoá biểu hàng ngày – tập thể dục, dưỡng sinh, hoặc có thể là những chuyến đi xa, đi nhiều ngày – đi hành hương, đi du lịch.
Biết rõ vấn đề về sức khoẻ để lường trước các nguy cơ
Cần quan tâm và biết rõ tình trạng sức khoẻ, các vấn đề bệnh tật của ông bà, cha mẹ để có sự chuẩn bị tốt nhất khi các cụ đi ra ngoài. Cần nhắc ông bà, cha mẹ tuân theo sự hướng dẫn của thầy thuốc trong suốt chuyến đi như uống thuốc đúng giờ, đảm bảo thời gian vận động và nghỉ ngơi hợp lý. Đối với những chuyến đi xa hoặc dài ngày, cần chia sẵn thuốc để trong hộp chia thuốc (loại hộp này đã có bán ở các siêu thị, nhà thuốc), ghi sẵn ngày giờ uống trên nắp hộp để các cụ dễ tìm. Luôn để sẵn trong ví, túi áo quần của các cụ một bản ghi những điểm quan trọng của sức khoẻ như các bệnh đang có, nhóm máu, các thuốc đang uống, số điện thoại người thân… đề phòng trường hợp khẩn cấp.
Biết trước lịch trình và lựa chọn phương tiện di chuyển
Có những trường hợp các bác, các cụ muốn đi bộ hoặc vẫn điều khiển được xe đạp, xe điện, xe máy và muốn chọn các loại xe hai bánh này để di chuyển trong phạm vi gần thì việc cần làm của người thân là kiểm tra độ an toàn của xe, nạp đủ xăng, điện, chọn mũ bảo hiểm tốt, báo trước những đoạn đường xấu. Trong trường hợp di chuyển bằng phương tiện vận chuyển công cộng như xe buýt, xe khách, tàu hoả, máy bay, tàu thuỷ… thì nên biết trước đặc điểm đường sá, độ an toàn của phương tiện, chất lượng phục vụ của chủ phương tiện để quyết định lựa chọn. Nếu các bác, các cụ đi một mình, cần ghi sẵn địa chỉ, sơ đồ của những điểm liên lạc hoặc cấp cứu như bưu điện, trụ sở các cơ quan, uỷ ban, bệnh viện, trạm y tế… Trường hợp các bác, các cụ có dùng gậy, nạng hoặc xe lăn thì cần lưu ý có chỗ đặt để những vật dụng này một cách an toàn, thuận tiện trên các phương tiện vận chuyển.
Sắp xếp hành lý
Người già vốn lo xa và ngại làm phiền nên các cụ thường có xu hướng đem theo nhiều đồ dùng khi đi ra đường. Thêm nữa, các cụ cũng sợ đi xa thiếu đồ dùng thì khó đi tìm mua do khó chủ động di chuyển, hoặc mua chỗ lạ đắt hơn, tốn kém. Tuy nhiên, đem theo nhiều đồ đạc quá thì hành lý của các cụ sẽ nặng nề, cồng kềnh, khó mang vác và khó kiểm soát. Do đó, người thân cần giúp các cụ sắp xếp hành lý gọn nhẹ nhưng vẫn đầy đủ. Cần đảm bảo những đồ dùng thường xuyên (nước uống, khăn tay), hoặc khẩn cấp (điện thoại, thuốc, tờ ghi tình trạng sức khoẻ) hoặc giấy tờ cần xuất trình (vé di chuyển, chứng minh nhân dân) được để ở nơi an toàn, dễ lấy. Trên túi xách, có thể ghi tên, thông tin để liên lạc trong trường hợp các cụ để quên hoặc bị nhầm lẫn. Đối với tiền, nên hạn chế đem theo quá nhiều so với mức ước lượng sẽ chi dùng.
Đảm bảo sự chăm sóc và liên lạc kịp thời
Có những trường hợp rất cần sự có mặt, chăm sóc kề bên của con cháu trong khi các cụ đi ra ngoài. Tuy nhiên, cũng có khi các cụ không muốn làm phiền con cháu, hoặc con cháu không thể đi cùng, thì nên chuẩn bị trước để có được sự liên lạc kịp thời trong mọi trường hợp. Một chiếc điện thoại di động dễ sử dụng cho người già là điều cần thiết, trong đó lưu sẵn phím tắt với các số trong gia đình. Người trong gia đình cũng cần biết số điện thoại của những người tổ chức chuyến đi, những người đi cùng các cụ trong chuyến đi ấy. Dù không đi cùng ông bà, cha mẹ nhưng sự thăm hỏi qua điện thoại của con cháu cũng là một hành động chăm sóc có ý nghĩa.
Những điểm tâm lý cần lưu ý
Người cao tuổi rất cần sự quan tâm chăm sóc của con cháu nhưng các cụ cũng lại rất dễ tủi thân, rất ngại mang cảm giác mình đang làm phiền con cháu. Các cụ muốn tham gia hoạt động bên ngoài nhưng cũng rất dễ lo lắng, mặc cảm về sức khoẻ. Do vậy, trong sắp xếp, hướng dẫn của những người làm con, làm cháu rất cần sự bày tỏ tình cảm, và cũng cần xử sự tinh tế, khéo léo nhằm tránh để các cụ hiểu lầm rằng đó là xét nét, theo dõi, kiểm soát hoặc cho rằng con cháu chỉ làm cho xong trách nhiệm, bổn phận. Đối với những chuyến đi chưa đảm bảo an toàn, hoặc không phù hợp tình hình sức khoẻ của các cụ, người thân cần phân tích một cách ân cần tế nhị, nếu cần thiết có thể nhờ thêm trợ giúp từ thầy thuốc hoặc những người bạn của các cụ.
Giúp người cao tuổi đi ra ngoài, tham gia các hoạt động xã hội trong các điều kiện an toàn cũng là một cách giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của các cụ. Nhờ các hoạt động tích cực và tinh thần lạc quan an vui của các cụ, quá trình lão hóa sinh học có khả năng chậm lại, mặc dù không phải “cải lão hoàn đồng” nhưng điều quan trọng là các cụ cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống.

Theo SGTT.VN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)