Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh tay chân miệng sẽ bùng phát mạnh vào tháng 9 và 10

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tuần qua, Bộ Y tế đã khẳng định như vậy, bởi tháng 9 và 10 là thời điểm "nhạy cảm” để dịch bệnh bùng phát và sẽ đạt đỉnh vì số học sinh nhập học rất đông.
 Dù chưa công bố thành dịch nhưng
 số ca mắc TCM đang tăng đồn dập
Các ca bệnh phân tán trên diện rộng
Tin từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có 60/63 tỉnh, thành có dịch bệnh tay chân miệng (TCM) với gần 37.000 ca mắc, 87 ca tử vong. Hai ca tử vong mới nhất xảy ra tại tỉnh Kon Tum và Bạc Liêu. Số ca mắc bệnh tăng 2,5 lần và số ca tử vong tăng gấp 10 lần so với năm 2010. Dẫn đầu về số ca mắc bệnh và tử vong là TP.Hồ Chí Minh với gần 7.700 ca mắc và 24 trường hợp tử vong. Hiện trung bình mỗi tuần TP. Hồ Chí Minh có 300-320 ca mắc mới. Khoa Nhiễm – Bệnh viện (BV) Nhi đồng I và II mỗi ngày tiếp nhận trên 100 trẻ bệnh TCM. 2/3 số này đến từ các tỉnh lân cận. Nhiều trẻ khi vào viện, bệnh đã quá nặng, phải thở bằng máy. Riêng trong ngày 28-8, cả 2 BV trên phải tiếp nhận và điều trị cho hơn 300 cháu, 15% số này có biến chứng phải cấp cứu và điều trị tích cực. Đến nay, TP. Hồ Chí Minh chưa công bố dịch TCM bởi lo ngại ảnh hưởng đến đầu tư và du lịch.
Cũng trong tâm trạng lo lắng đó, bà Đặng Thị Ngọc Huyền – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh này đứng thứ 5 cả nước về dịch bệnh TCM với hơn 1.300 ca mắc, 9 ca tử vong. Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng trăm ngàn lao động nhập cư, nên công tác phòng bệnh rất khó. Dù chưa công bố thành dịch, nhưng với thực tế số ca tăng dồn dập như thế này là rất đáng lo ngại.Thống kê của Sở Y tế Bình Định, đến ngày 29-8, toàn tỉnh có 125 ca mắc TCM, rải rác ở 59 xã, phường, thị trấn. Nơi có số người mắc nhiều là TP Quy Nhơn, huyện An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Hoài Ân, Phù Mỹ. Huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh chưa có người mắc bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Cang – Giám đốc Sở Y tế, mặc dù số ca mắc TCM ở Bình Định ít, nhưng các ca bệnh phân tán trên diện rộng và có xu hướng tiếp tục tăng. Điều kiện thời tiết hiện đang khá thuận lợi cho tác nhân gây bệnh tồn tại và lan truyền nhanh.
Đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai đã có 72 ca mắc bệnh TCM. Riêng tháng 8 đã có trên 30 ca vào điều trị tại BV đa khoa tỉnh. Các ca mắc không tập trung ở một nơi mà rải rác ở nhiều địa phương.
Tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Tấn Đức – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, dịch bệnh TCM đã khiến 1.300 người mắc, 2 trường hợp tử vong. Tỉnh đang có nhiều yếu tố tác động kép như người lành mắc bệnh ngày càng nhiều, thời tiết khu vực miền Trung thay đổi…
Theo thông báo của Sở Y tế Thanh Hóa, hiện bệnh TCM diễn biến khá phức tạp, không có qui luật, rải rác, khó xác định về dịch tễ học nên kiểm soát không dễ. Bệnh đã xuất hiện tại 25/27 huyện, thị, thành phố với hơn 1.160 ca mắc, 2 ca tử vong, tập trung nhiều ở huyện Triệu Sơn, Quảng Xương và TP Thanh Hóa. 92% trường hợp là trẻ dưới 5 tuổi.
Không chỉ Thanh Hóa mà hiện nay dịch bệnh TCM đã xuất hiện ở Hà Nội, lan ra Nam Định, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên… Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có trên 120 người mắc, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, rải rác ở gần 70 xã, phường của 20 quận, huyện và chưa có trường hợp tử vong.
Đến thời điểm này, Hòa Bình cũng có 381 ca mắc TCM tại 46 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành phố, trong đó có 18 ca xét nghiệm dương tính với virus EV71. Theo phản ánh của nhiều bác sĩ, trên thị trường hiện nay, G-globulin (thuốc hỗ trợ trị bệnh TCM) khan hiếm, giá rất cao. Một trẻ cân nặng 10kg mắc bệnh TCM cần dùng G-globulin liên tục trong 2 ngày với liều lượng 2 lọ/ngày, thì chi phí lên đến 44 triệu đồng, nếu phải lọc máu thì chi phí lên đến 55 triệu đồng. Trong khi đó nhiều cháu mắc TCM đang gặp khó vì không có thẻ BHYT.
Tăng cường phòng chống dịch, nhưng không lạm dụng thuốc
Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện ngành y tế và ngành GD&ĐT TP đang khẩn trương vệ sinh phòng dịch tại các trường học để chuẩn bị năm học mới. Theo kế hoạch từ ngày 5-9, lực lượng chức năng sẽ đồng loạt ra quân vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần tại các trường mầm non, nhà trẻ, mẫu giáo đóng trên địa bàn thành phố, đảm bảo 100% trường mầm non có vòi nước rửa và khăn sạch cho các bé. Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị y tế thực hiện cấp phát miễn phí và hướng dẫn cụ thể về việc pha Cloramin B cho các cơ quan, trường học trong vùng dịch. Chính việc cấp phát miễn phí đã khiến nhiều người "lạm dụng” thuốc. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, nhiều trường học và gia đình trong vùng dịch vẫn chưa biết cách pha chế Cloramin B đúng cách. Nhiều người dân đã lầm tưởng rằng, Cloramin B là hoá chất khử khuẩn vô hại, nên muốn pha thế nào cũng được. Thế nên, thời gian gần đây, đã có không ít người phải nhập viện vì ngộ độc Cloramin B. Giải thích cơ chế tác động của Cloramin B, GS-TS Nguyễn Thị Dụ – nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai khẳng định, việc sát khuẩn bằng Cloramin B phải thận trọng và thực hiện theo hướng dẫn của các đơn vị y tế. Nếu pha nồng độ vượt quá 2% có thể gây ngộ độc đường tiêu hóa, giảm thị lực, viêm da, tấy đỏ da, suy hô hấp… Nếu sau 8 giờ bị ngộ độc, không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Bình – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo, người dân không nên lạm dụng Cloramin B để khử khuẩn. Việc lạm dụng hóa chất này chắc chắn gây ngộ độc cho người sử dụng, còn virus thì nhờn thuốc, rồi kháng thuốc. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là chủ động giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay thường xuyên.
Theo suckhoe
Phú Yên:
Bệnh TCM đang diễn biến phức tạp
Tình hình bệnh TCM đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh, chủ yếu xảy ra ở các huyện Phú Hòa, Đông Hòa và TP.Tuy Hòa. Tính từ đầu năm đến nay có 200 người mắc bệnh. Nhưng trong thời gian gần đây, số ca bệnh tăng lên, chỉ trong vòng một tuần đã có 15 ca mắc bệnh trong tình trạng nặng. Nhằm khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã trích 1,5 tỷ đồng để mua vật chất, hóa chất, thuốc men và tuyên truyền, tập huấn phổ biến rộng rãi cho các cán bộ, công nhân viên và nhân dân biết, đồng thời kết hợp với bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để tổ chức học hỏi kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch có hiệu quả. Đề nghị mọi người nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước, trong và sau khi ăn.
Thanh Tâm

 

Bình luận (0)