Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những lưu ý về an toàn thực phẩm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nếu thực phẩm không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, chế biến không cẩn thận không những làm mất đi chất dinh dưỡng mà còn gây hại cho cơ thể.
– Xốt mayonnaise: Xốt mayonaise tất nhiên không gây ngộ độc thực phẩm mà chính sự xâm nhập của vi sinh vật mới là tác nhân gây ngộ độc. Vi khuẩn phát triển trong môi trường giàu protein (xốt mayonnaise rất giàu protein). Các món trộn với mì ống, khoai tây, trứng, thịt gà… nên dùng ngay hoặc bảo quản chúng khoảng 2 ngày ở nhiệt độ lạnh dưới 4 độ C. Nếu không có sự bảo quản hợp lý, vi khuẩn xâm nhập và phát triển trong các món ăn này sẽ gây ra ngộ độc.
– Tay: Bàn tay mỗi người tập trung nhiều vi khuẩn và cũng là cơ quan hay tiếp xúc với mắt, mũi, miệng hoặc lấy thức ăn, vì thế rất dễ làm lây lan vi khuẩn từ bên ngoài môi trường vào bên trong cơ thể. Hãy rửa tay thường xuyên: trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi sử dụng phòng tắm, nhà vệ sinh, chạm vào vật nuôi… Nên rửa tay bằng nước ấm với xà phòng, cọ xát hai bàn tay và các ngón tay, kẽ móng tay, cổ tay trong khoảng 20 giây để loại bỏ tối đa vi khuẩn bám trên tay.
– Trứng: Trứng có thành phần dinh dưỡng hoàn hảo và rất giàu protein, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Ăn trứng rất tốt nhưng bạn nên hạn chế ăn món trứng trần, hãy chế biến trứng chín thật kỹ để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn. Chỉ nên chế biến lượng đủ ăn, không nên để qua đêm. Trứng tươi nên cất giữ trong tủ lạnh để sử dụng được lâu hơn.
– Các dụng cụ bếp: Thịt đỏ và một vài loại thực phẩm có chứa vi khuẩn có thể làm lây sang các thực phẩm khác nếu không được cất trữ ở các dụng cụ riêng. Các đồ tươi như thịt, cá, tôm, cua… nên để trong những dụng cụ quy định. Thớt, dao cũng được sử dụng riêng với thực phẩm chín và thực phẩm sống. Những dụng cụ này và bát đĩa nên được rửa sạch ngay sau khi sử dụng, tránh vi khuẩn có thời gian phát triển. Các miếng mút rửa bát, đĩa nếu không vệ sinh sạch cũng là môi trường ủ vi khuẩn.
– Thực phẩm trữ đông: Nhiệt độ mà vi khuẩn phát triển mạnh mẽ nhất là từ 4,5 – 60 độ C. Những thực phẩm bạn dự trữ trong ngăn đá được lâu ngày là vì chúng ở nhiệt độ rất thấp, vi khuẩn khó có thể phát triển được. Khi đó một vài loại vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt nhưng cũng có những loại sẽ tồn tại ở dạng bào tử. Những bào tử này khi gặp điều kiện nhiệt độ thích hợp sẽ phát triển trở lại. Thực phẩm trữ đông khi để ở nhiệt độ thường để rã đông sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn từ môi trường xâm nhập, cũng như các bào tử đang ẩn náu bên trong có cơ hội phát triển. Phương pháp an toàn nhất để rã đông thực phẩm là để từ ngăn đá xuống ngăn mát hoặc cách khác là bạn có thể ngâm vào nước muối. Lưu ý, chỉ nên rã đông đủ lượng thực phẩm cần dùng, thực phẩm rã đông rồi không nên trữ đông lại.
– Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thường: Các loại thực phẩm khi để ở nhiệt độ thường chỉ an toàn trong vòng 2 giờ. Nếu nhiệt độ phòng khoảng 22 độ C thì chỉ an toàn trong 1 giờ đồng hồ. Thực chất, các loại vi khuẩn khi để ở nhiệt độ thường thì luôn phát triển, nhưng trong khoảng thời gian 2 giờ (ở 32 độ C) lượng vi khuẩn phát triển chưa nhiều. Thời gian càng lâu, vi khuẩn phát triển quá nhiều, làm hư hại đến thực phẩm cũng như có thể tạo ra một số độc tố gây hại cho sức khỏe.
– Thực phẩm chế biến sẵn: Thực phẩm chế biến sẵn như gà, cá được rửa sạch tương tự như khi ta chế biến; tuy nhiên, những thực phẩm này được bảo quản lạnh, trong thời gian bảo quản chờ sử dụng không tránh khỏi có một số vi khuẩn xâm nhập. Vì vậy, nên rửa lại trước khi chế biến để làm sạch những vi sinh vật bám trên bề mặt. Chú ý hạn sử dụng. Những thực phẩm này khi hết hạn sử dụng có thể nhìn thấy vẫn tươi nhưng thực chất lượng vi khuẩn xâm nhập bên trong là tương đối lớn.
– Trái cây: Những loại trái cây bóc vỏ như chuối, quýt, bưởi…có thể an toàn hơn vì tránh được sự xâm nhập của vi khuẩn khi dùng dao hoặc qua bàn tay người cầm. Trái lại, một số loại trái cây như dưa hấu, mãng cầu, sapôchê…có nguy cơ lây lan vi khuẩn cao hơn khi gọt, cắt hoặc chế biến thành sinh tố hay nước ép. Với bất kỳ loại trái cây nào bạn cũng nên rửa sạch dưới vòi nước hoặc dùng một số loại máy khử trùng trái cây. Các dụng cụ như dao, máy ép nước… nên được vệ sinh sạch sẽ, để hạn chế đến mức thấp nhất sự lan truyền vi sinh vật gây hại.
Theo PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)