Uống rượu thường xuyên sẽ thành thói quen khó từ bỏ. Uống rượu đến mức lệ thuộc vào rượu, say xỉn, mất tự chủ và lý trí có thể khiến ai đó giết người vì rối loạn tâm thần, nhân cách.
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết ở nồng độ thấp rượu là chất kích thích tạo hưng phấn, giúp con người vui vẻ, cởi mở hơn, giảm muộn phiền.
Rượu bia sẽ có ích nếu biết uống chừng mực – Ảnh: N.C.T
Nhưng nếu lạm dụng lâu dài sẽ hủy hoại sức khỏe, tinh thần, chưa kể những trường hợp tử vong vì ngộ độc rượu và còn biết bao vụ bạo hành, tai nạn giao thông, án mạng… cũng từ rượu.
Bi kịch đau lòng
Người nghiện rượu có ba biểu hiện rõ nét thường gặp: uống rượu mà không ăn hoặc ăn rất ít do dạ dày bị teo, biểu hiện vui giận bất thường và hay kiếm cớ để nhậu.
Kế đến, thường khạc nhổ (nhất là vào buổi sáng), tê chân, yếu cơ, tay chân run nhẹ.
Đáng chú ý, trong giấc ngủ không kiểm soát được, có dấu hiệu vọp bẻ (có thể người thân trong gia đình phát hiện hoặc bản thân tự nhận biết).
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa
|
Chị Yến (ngụ xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, Bình Phước) là nạn nhân của ông chồng “bợm nhậu”. Khi còn sống chung, một tháng ở với chồng chị Yến khóc hết mười ngày, năm ngày trốn về nhà ba mẹ vì quá sợ sự vũ phu của chồng mỗi khi say rượu.
Không chịu nổi chị nộp đơn xin ly hôn. Nhắc lại chuyện cũ, chị sụt sùi: “Bình thường ổng cũng ngọt ngào, yêu chiều tôi lắm nhưng chẳng hiểu sao rượu vào là toàn nghĩ lung tung rồi ghen tuông, đánh đập tôi. Lúc tôi đang bầu bì ổng cũng không tha…”.
Mới đây tại xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) cũng xảy ra một vụ án mạng do chè chén quá đà. Ông L.V.E. hôm đó tổ chức bữa nhậu với hai người em ruột là L.B. và L.P.. Sau khi uống ba lít rượu, hai người em nảy sinh mâu thuẫn, cự cãi nhau. Ông L.V.E. can ngăn nhưng L.P. không nghe, còn hăm dọa đánh ông L.V.E. và L.B..
Vì quá nóng giận và do không làm chủ được hành vi khi sẵn hơi men, ông L.V.E. dùng ống tuýp sắt đánh vào ngực L.P. khiến P. bị gãy xương ngực, giập phổi gây tràn dịch màng phổi. Vết thương quá nặng nên P. tử vong trên đường đi cấp cứu.
Rối loạn nhân cách tiêu cực
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Hội Dược liệu TP.HCM) cho biết tác hại đầu tiên của rượu phải kể đến là sự bạc nhược. Theo đông y, bạc nhược liên quan đến thận, làm suy thận. Thận suy ở đây không chỉ tổn thương thực thể mà còn rối loạn về chức năng.
Khi rối loạn chức năng thận, con người không còn ham muốn tình dục, rối loạn cương, nên những người hay uống rượu nhiều thường bị liệt dương và khả năng tình dục sa sút thậm tệ. Ngoài ra, thận suy về chức năng còn khiến người ta làm gì cũng thấy thiếu tự tin, hay lo lắng, sợ sệt và đâm ra bỏ việc dở chừng hoặc có khi can khí uất kết (đang nói hay làm việc gì nhưng bị chê trách, thách thức, cảm thấy không vừa lòng, thoải mái, tự nhiên trong người uất lên, dẫn đến thái độ không kiềm chế được).
Uống rượu làm bùng phát nộ khí, hỏa khí, do vậy một xích mích nhỏ cũng dễ dẫn đến lời qua tiếng lại và xô xát.
Về mặt thần kinh rất khó tả, có người say, buồn và khóc như mưa, có người vui quá và cười bất thường. Trong khoảnh khắc đó, đáng sợ nhất là rối loạn nhân cách tiêu cực. Lúc này người say rượu cảm thấy buồn bã, phía trước là đường cùng ngõ hẹp, không ai chia sẻ, tất cả đều ganh ghét, đố kỵ.
Chính những cảm xúc tiêu cực này có thể dẫn đến những bi kịch xảy ra không lường trước được. Thực tế có rất nhiều trường hợp bình thường hiền lành, thậm chí có học vấn, trước đó nhân cách tốt, nhưng trong một khoảnh khắc bị ức chế, khích bác, chạm lòng tự ái có thể gây án mạng.
Nâng ly nhưng vẫn bảo toàn sức khỏe
Rượu vẫn mang lại những giá trị tích cực nếu người uống hiểu biết, uống chừng mực. Để hạn chế sa đà vào rượu, gây ảnh hưởng sức khỏe cũng như biến thái về nhân cách, mất tự chủ, dẫn đến những hậu quả nguy hại, lương y Nguyễn Đức Nghĩa khuyên:
Chúng ta có thể uống giao lưu nhưng cũng có khi phải chấp nhận giả vờ gục ngã, không quá chén vì sức khỏe và thể trạng của mình.
Không cả nể, nhưng khéo léo từ chối.
Nếu đang có bệnh cần kiêng rượu, hoặc trong người đang mệt mỏi nên báo trước để không bị ép uống.
Cần hiểu biết trong việc uống rượu, không dễ dãi (loại rượu nào cũng uống), dễ dẫn đến biến chứng xơ gan, suy kiệt càng nhanh. Hơn nữa, nếu uống quá nhiều, sẵn thể trạng yếu rất dễ xảy ra ngộ độc rượu gây hôn mê, có thể dẫn đến tử vong. Với rượu thuốc sử dụng trong chữa bệnh cũng cần uống điều độ, liều lượng theo chỉ định của thầy thuốc.
Không nên uống rượu theo kiểu nhiều người dùng chung một ly xoay vòng. Kiểu uống này đã tạo thành nếp ở một số vùng miền mà người ta đâu biết nếu một người trong số đó bị bệnh, có thể lây cho những người còn lại.
Sau khi uống rượu, dù ít hay nhiều cũng không được tự lái xe và không được tắm vì có thể gây cảm do thân nhiệt thay đổi đột ngột.
Bạn cũng nên nhớ với người say rượu luôn dùng lời nói êm dịu và giữ hòa khí theo hướng tích cực. Trong một số trường hợp cần giảm tình huống căng thẳng hoặc muốn về nhưng bị mọi người giữ lại, nên xử trí khéo bằng cách im lặng ra ngoài và rút lui.
Lạm dụng rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến gan và các cơ quan nội tạng khác mà còn gây tổn thương nặng cho não bộ, kéo theo tư duy, trí nhớ giảm sút, có thể gây hoang tưởng, ảo giác, lú lẫn, loạn thần…
Do vậy người say rượu rất dễ bùng nổ bạo lực, dễ bị kích động, không kiểm soát được ngôn ngữ, hành vi. Nhân cách, tâm tính cũng biến đổi, hay nóng nảy, ghen tuông, từ đó tìm cách hành hạ vợ con.
Uống rượu nhiều và thường xuyên sẽ thành thói quen, lệ thuộc vào rượu, lúc ấy người nghiện chỉ quan tâm đến rượu, không nghĩ đến công việc, gia đình, dạy dỗ con cái, sống bê tha…
Xu hướng bạo lực càng tăng khi người nghiện rượu bị vợ con ruồng bỏ, không tôn trọng; bị người thân, gia đình chối từ.
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng
|
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)