Ngày 6/10, Bộ trưởng Di sản Canada Pascale St-Onge cho biết nước này sẽ không nhượng bộ trước sự phản kháng của các công ty công nghệ lớn đối với đạo luật mới yêu cầu các công ty như Google và Meta chi trả cho các nhà xuất bản để sử dụng nội dung tin tức của họ.
Bộ trưởng Pascale St-Onge bày tỏ lạc quan rằng Google sẽ thay đổi quan điểm về vấn đề này trong khi Meta có thể tiếp tục phản kháng. Dù vậy, trong thông báo chiều 6/10, Google tiếp tục bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về đạo luật và kêu gọi Ottawa xem xét lại.
Đạo luật Tin tức Mạng của Canada được xây dựng dựa trên đạo luật tương tự ở Australia và để hỗ trợ lĩnh vực tin tức đang gặp nhiều khó khăn tại nước này khi nguồn thu từ hoạt động quảng cáo thu hẹp dần, hàng trăm nhà xuất bản đã phải đóng cửa trong 10 năm qua.
Phát biểu với lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Toronto, Bộ trưởng Pascale St-Onge cho biết Chính phủ nhận thấy có hai cách phản ứng đối với đạo luật. Google đã tham gia và phối hợp trong suốt quá trình xây dựng luật trong khi ngược lại, Meta chọn cách cấm các bản tin ở Canada dù đạo luật đến nay còn chưa được thực thi.
Meta cho rằng đạo luật Bill C-18 có thiếu sót về cơ bản và từ tháng Tám đã chặn mọi tiếp cận tin tức ở Canada trên các nền tảng Facebook và Instagram. Google cũng đã lên tiếng phản đối đạo luật được thông qua hồi tháng Sáu, nhưng đến nay chưa có động thái phản ứng mà sẽ đợi đến tháng 12 tới khi đạo luật được thực thi.
Hai công ty này chiếm khoảng 80% doanh thu từ các hoạt động quảng cáo trực tuyến ở Canada với giá trị ước đạt hàng tỷ USD.
Chính phủ Canada ước tính cả hai công ty chỉ tiêu tốn tổng cộng khoảng 230 triệu CAD (170 triệu USD) nếu đàm phán các thỏa thuận công bằng với các cơ quan báo chí Canada để khai thác tin tức và thông tin của các hãng chia sẻ trên nền tảng hoặc đưa tranh chấp ra cơ quan trọng tài.
Theo Bộ trưởng St-Onge, Google không muốn phải đưa vấn đề ra cơ quan trọng tài trong khi Facebook không muốn quản lý nội dung. Hiện các bên đang nỗ lực để dung hòa các vấn đề, các nước khác cũng đang theo dõi tình hình để có thêm kinh nghiệm ở một lĩnh vực hoàn toàn mới này.
Canada là nước thứ hai trên thế giới thông qua đạo luật này, sau Australia.
Về phần mình, Google cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề khúc mắc liên quan đạo luật chưa được giải quyết. Google đề xuất một số yêu cầu để đạo luật trở nên khả thi hơn như chỉ áp dụng với những cách sử dụng tin tức cụ thể, không tính việc dẫn các đường link bài báo hay các trích đoạn tin tức.
Google cũng đưa ra các sáng kiến để các doanh nghiệp báo chí có thiện chí tham gia đàm phán./.
Bình luận (0)