Hiện ở nước ta, tỷ lệ học sinh mắc cận thị khá cao. Cận thị ở học sinh được thống nhất tên gọi là "cận thị lứa tuổi học đường" vì nó mắc ở lứa tuổi đang đi học. Cận thị gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực của trẻ. Vì thế cha mẹ, người thân cần quan tâm phòng tránh cho trẻ căn bệnh này.
Cận thị phá thị lực rất mạnh. Trẻ bị cận 1 đi-ốp thì thị lực đọc bảng cũng chỉ rõ được ở dòng 1/10 mà thôi. Các cháu cận, không có kính phù hợp sẽ không học được vì nhìn bảng không rõ dù có ngồi tận bàn đầu. Mà việc đeo kính của các cháu cũng không ít phiền toái (Thử ở đâu cho đáng tin cậy? Trẻ có chấp hành việc đeo không? Vài ba năm lại lên một số, phải đổi kính và cận khoảng 1 số rưỡi, 2 số thì đeo lúc nhìn bảng, lúc đọc viết lại bỏ kính ra. Đeo đeo, bỏ bỏ, trăm điều phiền toái).
Cấu tạo mắt bình thường và mắt bị cận thị.
|
Cận thị do nhiều lý do
Di truyền, dinh dưỡng, ánh sáng thiếu hoặc không hợp lý là những nguyên nhân dẫn đến cận thị tuổi học đường và có một lý do nữa là nhìn quá gần trang sách, vở.
Vì những lý do trên mà phụ huynh, nhà trường và ngành y tế cũng như nhãn khoa đều lo lắng và có rất nhiều hành động khắc phục (nhất là về mặt dự phòng, làm sao để các cháu khỏi mắc cận thị). Những việc làm cụ thể của chúng ta đã biểu lộ sự tận tình, cố gắng, không mỏi mệt. Ví dụ như: Đóng bàn học phù hợp tuổi để các cháu khỏi cúi sát sách vở, vừa đỡ mắc cận, vừa khỏi gù vẹo cột sống; Lớp học đủ ánh sáng đèn, thêm ánh sáng tự nhiên chiếu qua cửa sổ, rồi tường sáng, trần sáng để phản xạ tốt ánh sáng; Bảng chống lóa, giấy sách vở chống lóa.
Tuy nhiên, còn một điều nữa là trách nhiệm của các cháu. Đó là việc trẻ cứ nhìn sát mắt vào trang sách, trang vở khi viết. Ở lớp đã thế, ở nhà cũng thế. Thầy, cô hoặc cha mẹ vừa nhắc xong, sau trẻ lại vẫn như thế. Lý do ở đây là khả năng điều tiết mắt của các cháu lứa tuổi học sinh tốt. Có cháu viễn đến 6 đi-ốp nhưng vẫn nhìn bình thường, thị lực nhìn xa vẫn 10/10. Khám mắt mới phát hiện. Đó là do lợi thế tuổi của trẻ. Do lợi thế tuổi "điều tiết giỏi" mà các cháu cứ hay nhìn gần. Nhìn gần quá thì thể thủy tinh càng phồng lên. Chữ hoặc nét vẽ càng to. Thử bắt nhìn ra xa, đúng 33cm, trẻ sẽ bảo "nhưng mà chữ nó bé đi". À, ra lý do là thế. Ngay cả xem vô tuyến ở nhà, các cháu cũng cứ tiến sát màn hình 1m. Vì nhìn gần, có điều tiết, hình ảnh nổi rõ từ các vạch, các nét. Đọc viết thì các cháu nhìn cách 15 – 20cm. Tóm lại là các cháu cứ có thói quen nhìn gần. Điều tiết "giỏi" mãi thì cũng có lúc mỏi điều tiết. Nhãn cầu lại tương trợ "giúp một tay" là phát triển lùi dài về phía sau để đón lấy hình ảnh. Liên quan giữa nhìn quá gần với việc nhìn thành cận thị lứa tuổi học sinh là thế.
Biện pháp khắc phục đơn giản nhất
Để giúp các cháu khi đọc viết phải nhìn cách trang sách vở 33 – 40cm, ta lấy cái thước nhựa ra đo chiếc dây (dây nilon chẳng hạn), lấy đủ 33cm rồi giao cho cháu, nhắc rằng đọc, viết phải cách trang sách vở bằng quãng dài chiếc dây này. Và rồi ta luôn kiểm tra, nhắc nhở các cháu thực hiện đúng. Ngoài ra có thể dùng thiết bị chống cận là đóng một chiếc giá tỳ cằm để đọc viết ở nhà và ở lớp.
BS. Hoàng Sinh / SK&ĐS
Bình luận (0)