Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

67 học sinh và giáo viên nhiễm cúm A/H1N1

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua 22.7, có thêm 6 học sinh (HS) của trường Trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm (Q.9, TP.HCM) bị nhiễm cúm A/H1N1, nâng tổng số trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 tại đây lên 67 người (gồm 63 HS và 4 giáo viên).
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong số 47 HS của trường Ngô Thời Nhiệm nhiễm cúm A/H1N1 đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, có 10 HS sức khỏe đã khá hơn nên hôm nay (23.7) sẽ chuyển về lại “bệnh viện dã chiến” được thành lập ngay tại trường để tiếp tục điều trị cho đủ 7 ngày. Trong số 562 HS học nội trú ở trường Ngô Thời Nhiệm, có 242 HS ở TP.HCM (trong đó 3 HS được xác định dương tính cúm A/H1N1, gồm 2 ngụ ở Q.7 và 1 ngụ ở Q.1). Hiệu trưởng trường Trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm, bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, cho biết nhà trường tiếp tục theo dõi sát tình hình sức khỏe các HS; riêng trường Mầm non Ngô Thời Nhiệm (gần bên trường Trung học) vẫn cho HS nghỉ hết 1 tuần.
Khử khuẩn tại trường Trung học Ngô Thời Nhiệm –  ảnh: T.T
Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã phát hiện thêm 20 trường hợp khác nhiễm cúm A/H1N1, nâng tổng số nhiễm cúm TP.HCM phát hiện lên 377 người, trong đó có 269 bệnh nhân đã khỏi bệnh xuất viện. Sở Y tế cũng trình UBND TP kế hoạch thành lập 6 đội kiểm tra, giám sát dịch cúm A/H1N1 ở các trường học, ký túc xá, khu chế xuất… trên địa bàn. Ngoài ra, Sở đã họp tất cả các phòng ban để triển khai công việc cho các tiểu ban (tiểu ban khám chữa bệnh; tiểu ban dự phòng, truyền thông, hậu cần…), chuẩn bị phương án, lực lượng đối phó với tình hình dịch cúm A/H1N1 đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Ngoài việc giám sát cộng đồng (là yếu tố rất quan trọng hiện nay, vì dịch đã lan ra cộng đồng), Sở Y tế yêu cầu phải chú tâm đến truyền thông, công tác điều trị (phân cấp việc chữa trị cho phù hợp, nếu ca bệnh nào nhẹ thì để điều trị ở tuyến dưới).
Khẩn trương nghiên cứu, sản xuất vắc-xin
 Tại Hà Nội, các thành viên Hội đồng tư vấn Khoa học về nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1 của Bộ Khoa học và Công nghệ hôm qua đã thống nhất kiến nghị Bộ này phê duyệt triển khai hai đề tài độc lập cấp nhà nước về sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1. Hai đề tài nghiên cứu do Công ty vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), Viện vắc-xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) thực hiện. Trong những tuần qua, hai đơn vị này đều đã tiếp nhận chủng vi-rút H1N1 giống do WHO cung cấp, phục vụ cho nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng cúm A/H1N1.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc IVAC, từ năm 2006 viện đã nhận được sự hỗ trợ của WHO cho "Nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 trên trứng gà có phôi" với nguồn kinh phí 2,7 triệu USD. Đây là công nghệ sản xuất vắc-xin được áp dụng trên thế giới. Trên cơ sở hoàn thiện công nghệ sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1, viện sẽ bắt tay vào triển khai nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1.
Tương tự, tại Công ty sản xuất vắc-xin và sinh phẩm số 1, vắc-xin cúm A/H5N1 do công ty sản xuất đã trong giai đoạn hoàn tất thử nghiệm trên người giai đoạn hai với sự tham gia của hơn 200 người tình nguyện. Các liều dùng khác nhau đã được tiêm nhằm xác định liều dùng tối ưu. Theo giáo sư Thu Vân, Giám đốc Công ty vắc-xin và sinh phẩm số 1, việc làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 là điều kiện thuận lợi áp dụng sản xuất vắc-xin phòng cúm A/H1N1. Tiếp sau nghiên cứu sản xuất cúm A/H5N1, H1N1, công ty sẽ nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm mùa thông thường: H3N2, cúm B… 
Kinh nghiệm từ mô hình “360 độ” của Singapore
Ngày 22.7, tại diễn đàn quốc tế các thành phố lành mạnh do Liên minh các thành phố lành mạnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương (AFHC) tổ chức tại TP Huế (Thừa Thiên – Huế), các đại biểu đã tập trung thảo luận về kinh nghiệm phòng chống dịch cúm A/H1N1.
Nhiều ý kiến được đưa ra để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phòng chống cúm A/H1N1 hiện đang bùng phát nhanh ở rất nhiều nước trên thế giới. Tiến sĩ Keito Nakamura, Trưởng bộ phận Y tế quốc tế trường ĐH Y Nha Tokyo (Nhật Bản), nhìn nhận VN đã rất nhanh nhạy trong việc phát hiện và khống chế lây lan của các dịch bệnh SARS, H5N1, H1N1 cũng như xây dựng các phòng thí nghiệm chất lượng để chẩn đoán dịch bệnh chính xác… Tuy nhiên, VN vẫn còn nhiều hạn chế trong việc tuyên truyền và hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh.
Cũng tại diễn đàn, mô hình phòng chống dịch cúm A/H1N1 của Singapore được các đại biểu của nhiều nước đặc biệt quan tâm. Đó là mô hình “360 độ cơ chế truyền bá thông tin” thuộc chương trình giáo dục cộng đồng về dịch cúm A/H1N1 đang được Singapore áp dụng trong cả nước. Tiến sĩ K.Vijaya, Giám đốc Bộ phận truyền thông và marketing (Ban tuyên truyền Y tế Singapore), cho biết: “Mọi thông tin về cách phòng chống và đối phó dịch cúm A/H1N1 lây lan trong cộng đồng được Singapore tuyên truyền trên tất cả mọi phương tiện. Chính phủ Singapore đã phải chi tiền để chuyển tải nhanh nhất thông tin về dịch bệnh đến tận từng hộ gia đình thông qua báo chí, truyền hình, điện thoại di động, các trang web, blog và các mạng xã hội như YouTube, Facebook…”.
Theo tiến sĩ K.Vijaya, ngoài các pa-nô, tờ rơi quảng cáo về dịch cúm A/H1N1 được dán ở những nơi công cộng, Singapore còn triển khai việc chuyển thư đến tận từng hộp thư gia đình, đồng thời lập các số điện thoại đường dây nóng để giải đáp những thông tin và hướng dẫn đối phó với dịch cúm A/H1N1 cho bất kỳ người dân nào có dấu hiệu mắc bệnh. Bên cạnh đó, các thông tin về dịch bệnh liên tục được giáo viên, người đứng đầu các cơ quan, phổ biến cho học sinh, sinh viên và nhân viên trong các trường học, công sở.
Tây Nguyên
Thanh Tùng – Liên Châu (TNO)

Bình luận (0)