Sốt xuất huyết (SXH) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền virus từ người bệnh sang người lành.
SXH xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa, có thể bộc phát thành dịch đe dọa sinh mạng trẻ em và sức khỏe cộng đồng. Bệnh có thể trở nặng bất ngờ, nguy cơ tử vong cao. Bệnh chưa có thuốc trị đặc hiệu và thuốc phòng ngừa.
Trẻ em từ 1-15 tuổi đều có thể bị bệnh, nhiều nhất là từ 3-8 tuổi. SXH trở thành một trong những bệnh dịch truyền nhiễm gây tử vong cao nhất cho trẻ em ở nước ta. Đôi khi người lớn cũng mắc bệnh. Tuy nhiên, khi nhiễm bệnh, người lớn dễ bị xuất huyết ào ạt. Do đó, nguy cơ tử vong ở người lớn cao hơn trẻ em.
Triệu chứng
Triệu chứng bộc lộ ở hai dạng:
Thể bệnh nhẹ: gọi là thể sốt Dengue, chủ yếu bị ở người lớn, khu vực thành thị, những nơi mật độ dân số cao, ít khi dẫn đến tử vong, biểu hiện qua các dấu hiệu: Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; hoặc có thể có nổi mẩn, phát ban.
Thể bệnh nặng: gọi là thể sốt xuất huyết Dengue, chủ yếu bị ở trẻ em với tỷ lệ tử vong khá cao (30 – 40%). Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Liệt hay hôn mê (do xuất huyết não)… Đau bụng (do gan to ra), buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp). Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra ở trẻ em còn xuất hiện triệu chứng nặng là sốc: Trẻ mệt, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu. Sốc xảy ra từ ngày thứ ba đến ngày thứ sáu của bệnh.
Chăm sóc tại nhà
Khi trẻ bị sốt cao: phụ huynh nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol. Tránh tuyệt đối: không cho trẻ uống aspirin, không cắt lễ hay cạo gió, không quấn kín hoặc mặc áo nhiều khi trẻ đang sốt, không cữ ăn, không nhịn uống. Đồng thời lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao co giật. Mặt khác nên cho trẻ uống nhiều nước (cam, chanh, ORESOL, nước sôi để nguội), cho trẻ uống từ từ, thong thả vì nếu uống một lần nhiều quá dễ bị ói, chướng bụng, vẫn tiếp tục cho bú sữa, cho ăn cháo, bột. Cần cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày. Cho trẻ nằm nghỉ trong phòng thoáng mát, hạn chế chạy nhảy, đi lại.
Theo dõi bệnh và mang ngay đến cơ sở y tế gần nhất khi thấy có các dấu hiệu trở nặng bất ngờ: trẻ mệt nhiều hơn, vẻ âu lo bứt rứt, li bì hoặc vật vã; tay chân lạnh, đau bụng nhiều hơn; ói nhiều, da đổi màu bầm, môi tím lại, tiểu ít.
Cách phòng ngừa
Trẻ nhũ nhi cũng như trẻ lớn bị lây SXH là do bị muỗi vằn đốt. Muỗi vằn thường sống trong nhà, đẻ ra lăng quăng trong nước.
Để đề phòng chống muỗi đốt, cần cho trẻ mặc quần áo dài tay. Cho trẻ ngủ trong mùng kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi. Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Cho người bị SXH nằm trong màn, tránh muỗi đốt. Bên cạnh đó cần làm vệ sinh nhà cửa, dẹp bỏ các nơi đọng nước làm chỗ cho muỗi đẻ như lu, máng, bình bông, lon, hộp, gáo dừa… Đậy kín các lu chứa nước sinh hoạt không cho muỗi đẻ, hoặc thả cá bảy màu để diệt lăng quăng…
BS. NGUYỄN PHÚC QUANG ĐIỀN
Bình luận (0)