Từng là một kỹ sư công nghệ thông tin, cũng chẳng phải con nhà nòi nhưng Hồ Thanh Tuấn bị ngọc trai mê hoặc và quyết định gắn bó với nghề nuôi trai lấy ngọc như một định mệnh.
Hồ Thanh Tuấn lặn kiểm tra các lồng nuôi trai tại trại nuôi ở Côn Đảo – Ảnh: Lê Hiệp
|
Nhìn lại chặng đường hơn mười năm đã qua, Hồ Thanh Tuấn cũng không ngờ ngã rẽ đời mình lại dài đến thế.
Ngã rẽ bất ngờ
Lập gia đình và có con sớm, yên lành làm việc tại công ty tin học, chính Tuấn cũng từng nghĩ đời mình thế là ổn. Nhưng mọi chuyện lại bắt đầu từ một đơn hàng thiết kế web mà Tuấn nhận được. Có một nhóm chuyên gia của Pháp sau thời gian tìm hiểu các điều kiện tự nhiên đã quyết định sang đầu tư dự án nuôi trai lấy ngọc tại một số vùng biển của VN. Nhờ những thông tin do người anh họ vốn có thâm niên trong nghề nuôi trai lấy ngọc cung cấp nên thiết kế và thông tin trên website của Tuấn làm hài lòng những khách hàng khó tính đến từ Pháp.
Bất ngờ hơn, Tuấn còn nhận được lời đề nghị trở thành đối tác của nhóm chuyên gia ấy trong dự án nuôi trai lấy ngọc tại VN. Thỏa thuận rất hấp dẫn: sau khi hoàn vốn, Tuấn sẽ được nhận khoản thù lao tương đương 1 tỉ đồng tại thời điểm đầu những năm 2000. Éo le là cũng tại thời điểm ấy, người thành lập công ty tin học nơi Tuấn đang làm vì lý do gia đình cũng muốn Tuấn tiếp quản công ty. Ngã ba đường thú vị mà khó khăn cho sự chọn lựa. Cuối cùng, Tuấn chọn dự án ngọc trai vì giấc mơ đổi đời, mà cũng vì bị mê hoặc bởi khoản thù lao quá hấp dẫn như anh tự nhận.
Hành trình sáu năm xa nhà, khi ở Côn Đảo, lúc ở Bình Định bắt đầu. Mỗi tháng tranh thủ lắm anh mới có thể về ở nhà với vợ và hai con nhỏ được vài ngày rồi lại đi. Cùng làm dự án, kiêm luôn phiên dịch nên Tuấn có cơ hội tìm tòi, khám phá khá nhiều bí ẩn về ngọc trai và càng thấy hấp lực lạ kỳ bởi loài sinh vật biển cho ngọc quý này.
Vấp ngã và gầy dựng
Nuôi ở Côn Đảo, chế tác ở TP.HCM
Với hơn 100ha mặt nước thuê nuôi tại Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) hiện nay, trại nuôi ngọc trai của Tuấn giải quyết công việc thường xuyên cho hơn 100 lao động tại chỗ. Xưởng chế tác sản phẩm ngọc trai tại TP.HCM có 40 nhân công, phần lớn còn rất trẻ.
|
Năm 2007, Tuấn “chứng kiến rõ nhất cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng đến đời mình”. Dự án ngọc trai chạy được chưa lâu đã có dấu hiệu đình trệ. Giữa năm 2008, công ty mẹ tại Pháp phá sản, các chuyên gia nước ngoài “bỏ của chạy lấy người”, để lại ngổn ngang dự định. Công sức bỏ ra đổ sông đổ biển, thù lao cũng chưa được xu nào. Hụt hẫng! “Câu hỏi lớn nhất trong đầu mình khi ấy là bước tiếp hay buông xuôi?” – Tuấn nhớ lại.
Tuấn quyết định sẽ tự đứng bằng chính đôi chân của mình. Vay mượn được ít vốn, anh bắt đầu từ vạch xuất phát. Theo nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài, nhiều nơi trên thế giới – tùy điều kiện nguồn nước và các yếu tố liên quan – chỉ có thể cho ra một loại ngọc với màu đặc trưng nào đó. Nhưng tại VN thiên nhiên ưu ái đến mức có thể cho ra nhiều loại ngọc trai với đủ màu sắc trong cùng một vùng nước.
Với những tích lũy có được sau nhiều khóa tập huấn tại Pháp, Nhật về kỹ thuật nuôi trai lấy ngọc khi còn làm dự án cùng chuyên gia Pháp, Tuấn thuê diện tích mặt nước tại Côn Đảo, bắt đầu với những lồng nuôi trai đầu tiên của riêng mình. Dù tự tin nhưng hai năm chờ đợi quả là không dễ chịu chút nào. Những hạt ngọc đầu tiên được lấy ra trong nụ cười viên mãn sau nhiều đêm hai vợ chồng ôm nhau khóc.
Nâng giá trị cho ngọc trai Việt
Tuấn chọn con đường không chỉ nuôi trai lấy ngọc. Anh nhận ra những hạt ngọc thu được nếu chỉ bán thô chẳng có bao nhiêu giá trị, nhưng qua chế tác thành những sản phẩm trang sức giá trị đội lên vài chục, thậm chí cả trăm lần. Song song với nuôi cấy, anh lập luôn công ty chế tác, thiết kế các sản phẩm trang sức liên quan đến ngọc trai. Một nghệ nhân hội kim hoàn TP.HCM thừa nhận đó là con đường mạo hiểm và hầu như chưa ai từng làm trước đây vì trong giới nuôi trai lấy ngọc, thường chỉ là thu và bán sản phẩm thô cho các công ty nữ trang.
Đầu tư cho các thiết kế tinh xảo, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thông tin lên mạng, ngọc trai Hoàng Gia của Tuấn đang dần trở thành thương hiệu được nhắc đến. “Chẳng có gì phải giấu, giá cả, mẫu mã mình đều công khai trên mạng để khi có nhu cầu, người mua có thể so sánh giữa mẫu với giá cả của các sản phẩm cùng loại trước khi quyết định chọn thương hiệu nào” – Tuấn chia sẻ.
Thăng trầm đi qua, giấc mơ về một thương hiệu cho ngọc trai Việt vẫn đang lớn dần từng ngày. Tuấn đã tìm ra cách khắc hoa văn trống đồng mà không làm ảnh hưởng đến “chất ngọc” trên từng viên ngọc. 12 mẫu hoa văn trống đồng trên ngọc trai đã nhận được giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ với thời hạn 20 năm. Anh lý giải: “Hoa văn trống đồng là đặc trưng của văn hóa VN khó có thể tìm được ở bất kỳ đâu trên thế giới, để khi nhìn thấy ai đó đeo ngọc trai có hoa văn trống đồng, chắc chắn đó phải là ngọc trai VN”.
Hiện là ủy viên ban chấp hành Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Hồ Thanh Tuấn còn được nhắc đến trong vai một mạnh thường quân các hoạt động từ thiện, đến với những vùng quê còn nhiều khó khăn trong cả nước. Ông Nguyễn Phương Nam – chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM – cho biết: “Đó là một người trẻ năng động, tham gia tích cực các hoạt động chung và có tâm với nhiều mảnh đời bất hạnh qua các chuyến đi từ thiện”.
QUỐC LINH (TTO)
Bình luận (0)