Nhiều sinh viên, người tìm việc bị nhà tuyển dụng từ chối vì thiếu kinh nghiệm làm việc. Vậy kinh nghiệm nằm ở đâu?
“Khoe” tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông với năm, sáu cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi, Q.5 (TP.HCM) mà không nhận được một cái gật đầu, Thu Hằng than thở: “Xin việc khó khăn quá. Người ta đòi kinh nghiệm bán hàng mà mình mới học năm nhất…”. Không ít bạn trẻ muốn xin vào làm ở các cửa hàng thời trang với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng đã bị từ chối vì chưa từng bán hàng.
Bên cạnh những việc làm không đòi hỏi kinh nghiệm như phát tờ rơi quảng cáo, nhân viên giao hàng, giao báo, cộng tác viên các báo, gia sư…, một số nhà tuyển dụng đòi hỏi người đến xin việc phải có kinh nghiệm làm công việc ấy ít nhất một năm trở lên.
Anh Nhật Nam-trợ lý giám đốc một công ty đèn chiếu sáng, người đứng ra tuyển dụng nhân viên mới – khẳng định: “Ngoài nhân viên giao hàng, tất cả các vị trí khác của công ty đều yêu cầu người xin việc phải có kinh nghiệm”. Chị Phương Thủy – phó giám đốc một công ty sản xuất phim – cho biết: “Công ty không tuyển người mới vì phải bỏ thời gian và tiền bạc đào tạo lại. Do đó chỉ tuyển những người đã từng làm việc trong lĩnh vực này và có tiềm năng”. Những yêu cầu đó không lạ bởi những nhà đầu tư luôn muốn việc làm ăn, kinh doanh của mình sinh lãi nhiều trong thời gian ngắn nhất.
Tuy cơ hội xin được việc khá mong manh, nhưng người trẻ thiếu kinh nghiệm vẫn có thể rút ngắn hoặc xóa sạch khoảng cách giữa ứng tuyển và trúng tuyển.
Nhiều bạn sinh viên rỉ tai nhau những công việc làm thêm hấp dẫn để vừa tích lũy kinh nghiệm vừa gánh đỡ tiền học và phí sinh hoạt cho cha mẹ. Bạn Thanh An nói: “Lúc học đại học, tụi mình làm nhiều việc bán thời gian như phát tờ rơi, bán hàng, làm gia sư… nên ra trường xin việc cũng có nhiều thuận lợi”.
Với kinh nghiệm xin việc trót lọt… bốn lần, anh Tuấn Anh cho biết: “Nên làm ở những nơi không yêu cầu kinh nghiệm để học kinh nghiệm, dù có thể công việc đó sẽ phù hợp với mình. Nếu không, chúng ta có thể đem những kinh nghiệm này đến xin việc ở công ty khác. Những kinh nghiệm làm việc mà mỗi bạn tích lũy được sẽ không bao giờ thừa”.
Chia sẻ cách tích lũy kinh nghiệm trên một bạn tên Ngọc Hoàng cho biết: “Kinh nghiệm thực tế được đánh giá qua các đề tài nghiên cứu khoa học, đồ án tốt nghiệp, nơi thực hành, làm tại các công ty trong thời gian sinh viên. Hãy cố gắng thể hiện những gì mình từng làm và có liên quan tới nơi bạn xin việc. Cũng rất chú ý khi trình bày khả năng của mình, làm sao thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được sự chắc chắn và rõ ràng đối với các thông tin bạn đưa ra”.
HÀ THANH (tuổi trẻ)
Bình luận (0)