Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lao đao vì cao su rớt giá

Tạp Chí Giáo Dục

Với hiệu quả kinh tế cao, những năm trước đây, cao su được mệnh danh là… “vàng trắng”. Thế nhưng, hiện nay hàng ngàn hộ nông dân và doanh nghiệp trồng cao su tại Bình Phước đang lâm vào cảnh lao đao vì giá xuống thấp.

Bình Phước được xem là “thủ phủ” của cây cao su, với diện tích hiện trên 200.000 ha, trong đó riêng 7 doanh nghiệp nhà nước (4 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và 3 của tỉnh) đang quản lý, khai thác diện tích gần 90.000 ha. Tuy nhiên, con số thực tế về diện tích cao su ở Bình Phước còn lớn hơn nhiều vì diện tích cao su tiểu điền ở địa phương này đang tăng với tốc độ chóng mặt.

Càng khai thác càng lỗ

Nếu như năm 2011, mủ cao su được sánh như “vàng trắng” vì đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/hécta cho người trồng. Nhiều nông dân trong tỉnh có diện tích cao su lớn đã thu lời tiền tỷ.

Thế nhưng sau khi đạt ngưỡng khoảng 25.000 đồng/kg mủ tươi vào giữa năm 2012, thì từ đầu năm 2013 đến nay, giá mủ cao su bán tại vườn trên địa bàn tỉnh Bình Phước liên tục sụt giảm và hiện chỉ còn 405 đồng/1 độ (tương đương khoảng trên 12.000/ kg). Đây là thời điểm giá mủ xuống thấp nhất trong vòng khoảng 4 năm qua. Với mức giá như hiện nay, chủ vườn cao su chỉ đủ để trang trải chi phí chăm sóc, khai thác. Chính vì lẽ đó, dù đang trong mùa cạo mủ nhưng đi dọc nhiều khu vực trồng cao su thuộc các H.Bù Gia Mập, Bình Long, Đồng Phú… dễ dàng thấy nhiều vườn cây vắng bóng người thu hoạch.

Ông Lê Thanh Hải (ngụ thôn 8, xã Long Hưng, H.Bù Gia Mập) cho biết: “Tôi có khoảng 5 ha cao su, năng suất chỉ hơn 1 tấn/ha/năm. Giá mủ cao su biến động xuống quá thấp nên gia đình tôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù mấy hôm nay giá có nhích lên chút đỉnh nhưng nếu khai thác cũng đủ chi trả tiền công cho công nhân. Riêng tiền đầu tư vay ngân hàng phải trả lãi thì hiện gia đình cũng đang bị lỗ nặng”. Cùng cảnh ngộ như ông Hải còn có gia đình anh Phan Văn Châu (ngụ thôn Thuận An, xã Thuận Lợi, H.Đồng Phú) cũng đang rơi vào cảnh “dỡ khóc, dỡ cười” với 4 ha cao su đang trong thời kỳ thu hoạch. “Hiện giá thuê nhân công khoảng 140.000 đồng/ ngày, có nơi đến 170.000 đồng/ngày thì không thể lấy thu để bù chi cho các khoản. Nếu cạo mủ thì cũng chỉ đủ trả công thợ nên tôi quyết định ngưng cạo để dưỡng cây”.

Cung vượt cầu

Cao su là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Phước, đem lại nguồn thu ngân sách hằng năm khá cao. Tuy nhiên, thực trạng giá cao su tụt dốc liên tục trong thời gian qua không chỉ tác động trực tiếp đến nền kinh tế của tỉnh mà còn ảnh hưởng bất lợi đến cuộc sống, tâm lý người trồng cao su. Để trồng 1 ha cao su và chăm bón 5-6 năm, nhà đầu tư bỏ ra cả trăm triệu đồng chỉ mong đến ngày thu hoạch thu được lãi cao. Nhưng không ai ngờ thời hoàng kim của “vàng trắng” đang lụi tàn khi giá bán gần như đang …chạm đáy.

Theo một cán bộ Trung tâm giống Nông lâm nghiệp (Sở NN-PTNT Bình Phước), trong những năm trước đây, giá mủ cao su thiên nhiên trên thị trường vẫn có sự dao động, song thường là theo chiều hướng có lợi. Vì thế, bên cạnh các loại cây trồng truyền thống của Bình Phước như điều, tiêu… thì người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh còn tận dụng một số diện tích đất đồi khai hoang để trồng cao su hoặc xen với các loại cây trồng ngắn ngày khác trong rẫy nhằm mong tăng nguồn lợi. “Diện tích cao su của Bình Phước theo đó cũng tăng lên nhanh chóng, nhiều hộ dân đã bất chấp sự quy hoạch, sẵn sàng bỏ ra số vốn lớn để đầu tư vào loại cây trồng này. Chính việc đầu tư trồng ồ ạt, đã tạo ra cung vượt cầu dẫn đến giá cao su giảm như hiện nay”, vị cán bộ này nhận định.

Phước Hiệp (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)