Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường xuất khẩu lao động: Cơ hội không còn nhiều

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tin Hàn Quốc có thể tạm dừng tiếp nhận lao động nước ta khiến nhiều người lo lắng. Thông tin này dường như đang nối tiếp chuỗi tin xấu với thị trường lao động xuất khẩu nước ta trong năm nay.

Những cú sốc liên tiếp
Hàng chục ngàn lao động đang theo học và đợi chờ kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào ngày 7.8 tới đã sững sờ khi nghe tin Hàn Quốc hoãn vô thời hạn kỳ kiểm tra này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước, lý do chính là số lao động Việt Nam hết hợp đồng năm năm trốn ở lại Hàn Quốc tới hơn 50%, lao động Việt Nam lại thích nhảy việc, đổi nhà máy, do vậy phía Hàn Quốc phải xem xét lại việc có nên tiếp nhận lao động Việt Nam nữa hay không.
Hiện tại, một đoàn quan chức bộ Lao động – thương binh và xã hội Việt Nam đang sang Hàn Quốc làm việc để đưa ra các cam kết hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn nhằm nối lại việc tiếp nhận lao động của Hàn Quốc.
Đây là một cú sốc không chỉ với hàng chục ngàn lao động mà với cả thị trường lao động xuất khẩu nước ta. Hiện tại, thị trường lao động Hàn Quốc là một thị trường lớn của nước ta với hơn 10.000 người được đưa sang làm việc mỗi năm. Không những lớn về tỷ trọng so với các thị trường khác mà thị trường này tương đối dễ tính, thu nhập cao, chi phí trước khi đi không nhiều.
Việc Hàn Quốc có thể dừng tiếp nhận lao động nước ta là một cú sốc không chỉ với hàng chục ngàn lao động mà với cả thị trường lao động xuất khẩu nước ta
Còn nhớ, vào tháng 5.2010, bộ Lao động – thương binh và xã hội đã phê duyệt đề án đưa lao động sang Libya làm việc với mục tiêu mỗi năm có từ 5.000 – 7.000 lao động sang đây. Đây là đề án đầu tiên cho một thị trường riêng biệt được bộ này xây dựng bởi tính ổn định của thị trường nhiều tiềm năng này. Tuy nhiên, đã có hơn 10.000 lao động đã về nước do nội chiến ở Libya hồi tháng 3 vừa qua. 
Thị trường lao động Trung Đông, nơi tiếp nhận nhiều lao động nước ta trong một vài năm trước tới nay cũng không còn thu hút được sự chú ý của lao động do mức lương không cao và điều kiện làm việc khắc nghiệt. Nhất là sau khi vụ lao động nước ta đánh nhau tập thể gây chết người, cảnh sát vào cuộc khiến cho uy tín lao động Việt Nam giảm sút đi nhiều. Nhiều chủ sử dụng đã chuyển sang lấy lao động Philippines, Bangladesh…
Còn gì để trông đợi?
Thị trường đang được trông đợi nhất và cũng là chiếc phao cứu trợ cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động không bị rơi vào tình trạng không còn việc để làm, đó chính là Đài Loan. Theo cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm tháng đầu năm nay, số lượng lao động nước ngoài do Đài Loan tiếp nhận đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010. Lao động Việt Nam làm việc trong các nhà máy ở Đài Loan cũng đang gia tăng.
Hiện nay, tổng số lao động Việt Nam tại Đài Loan là 85.650 người, tăng gần 6.300 người so với đầu năm, tiếp tục giữ vị trí thứ hai về tổng số lao động nước ngoài tại Đài Loan và chiếm 21,43% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại thị trường này. Riêng với lao động chăm sóc người bệnh tại bệnh viện và các cơ sở dưỡng lão tại Đài Loan hiện vẫn do phía Việt Nam cung ứng là chủ yếu, với hơn 7.400 người, chiếm 74,79% thị phần của ngành nghề này.
Tuy nhiên, thị trường lao động Đài Loan có cái khó riêng, đó là mức phí môi giới quá cao. Muốn sang Đài Loan làm việc, người lao động phải chi từ 3.000 – 5.000 USD phí môi giới. Như vậy, chỉ cần rủi ro phải về trước hạn hay ít việc làm thêm, lương thấp thì nguồn thu của người lao động thu không đủ bù chi phí bỏ ra.
Theo Tây Giang
SGTT

 

Bình luận (0)