Bộ Nội vụ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tại đây, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều về việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, đây là một việc khó, dễ đụng chạm nhưng nếu không làm thì sẽ không nâng cao chất lượng công vụ cũng như không đảm bảo công bằng trong việc chi trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức…
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Ngại đụng chạm đến lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức
Tại tỉnh Gia Lai, việc phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị chưa đạt tiến độ để kịp thời hoàn thành trong năm 2023. UBND tỉnh chỉ mới phê duyệt đề án của 1 đơn vị và đang thẩm định, trình phê duyệt đối với Đề án vị trí việc làm của các sở, ban ngành.
Ông Trương Hải Long – Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – cho biết, khó khăn lớn nhất trong quá trình xây dựng đề án từ trước đến nay là giải quyết mối quan hệ giữa vị trí việc làm và việc xác định biên chế công chức, số lượng người làm việc tương ứng nhằm đáp ứng nhiệm vụ theo yêu cầu công việc. Mặt khác, không có quy chuẩn, hướng dẫn về tỷ lệ cơ cấu ngạch trong các cơ quan, đơn vị. Nhiều cơ quan, đơn vị ngại đụng chạm đến lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức nên xác định vị trí việc làm, cơ cấu biên chế, người làm việc của các bộ phận và tỷ lệ cơ cấu ngạch chủ yếu dựa trên số hiện có.
“Theo Quyết định 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị đến năm 2026 tiếp tục giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức. Trên thực tế, một số cơ quan, đơn vị có số lượng biên chế chưa đáp ứng yêu cầu công việc của vị trí việc làm nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản theo yêu cầu của cấp trên nên việc xác định biên chế tại đề án không thực tế, tỷ lệ cơ cấu ngạch xác định tại thời điểm xây dựng vị trí việc làm dễ bị phá vỡ”, ông Long bức xúc.
Ông Trần Hữu Kiên – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho biết, qua thực tế triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm tại các đơn vị trực thuộc cho thấy khi xác định vị trí việc làm dùng chung đối với các đơn vị có quy mô nhỏ, biên chế ít, cần bố trí vị trí kiêm nhiệm rất khó lựa chọn vị trí phù hợp để bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ. Mặt khác, chưa có quy định về tỷ lệ cơ cấu ngạch công chức cao nhất (mức trần, mức sàn) đối với mỗi loại hình tổ chức và chưa có hướng dẫn về các tiêu chí, phương pháp tính cơ cấu ngạch công chức nên trong quá trình xây dựng đề án các đơn vị còn lúng túng khi xác định tỷ lệ cơ cấu ngạch công chức.
Tại TP.Đà Nẵng, tính đến tháng 12-2018, tất cả cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã được phê duyệt Đề án vị trí việc làm với 1.991 vị trí, trong đó khối sở ngành 1.658 vị trí và khối quận, huyện 333 vị trí. Thực hiện Nghị định số 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Đà Nẵng đã phê duyệt mới Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của 30 cơ quan, địa phương với 346 vị trí việc làm.
Trên cơ sở vị trí việc làm, Đà Nẵng đã rà soát lại đội ngũ công chức, viên chức, đối chiếu với tiêu chuẩn, khung năng lực quy định của từng vị trí để bố trí lại cho phù hợp, cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và làm cơ sở để thực hiện tinh giản biên chế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Một số đơn vị sự nghiệp hiện chưa có hướng dẫn về danh mục vị trí việc làm; một số đã có nhưng chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ.
Hoàn thành đề án nhanh để kịp trả lương mới
Xác định vị trí việc làm có ý nghĩa rất lớn, tác động đến nhiều khía cạnh, đặc biệt là đối với việc quản lý, tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và cải cách tiền lương. Theo đó Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, trong các cơ quan, tổ chức hành chính có 866 vị trí; trong các đơn vị sự nghiệp có 615 vị trí; cán bộ, công chức cấp xã là 17 vị trí. Và đến nay đã có 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 15/15 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Đề án vị trí việc làm cần sớm hoàn thành để từ ngày 1-7-2024 cán bộ, công chức, viên chức được hưởng lương tương xứng (Trong ảnh: Bác sĩ hướng dẫn người bệnh tập vật lý trị liệu). Ảnh: K.A
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng thừa nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Công tác triển khai xây dựng vị trí việc làm tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu. Nguyên nhân là do những khó khăn, lúng túng trong phương pháp mô tả vị trí việc làm và khung năng lực của từng vị trí đối với các ngành, lĩnh vực đặc biệt có tính chất phức tạp, đặc thù.
Từ thực tế này, ông Kiên cho rằng, xây dựng đề án này là nhiệm vụ khó, do vậy sự quan tâm, chỉ đạo và quyết tâm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị là yếu tố quyết định. Đề nghị Bộ Nội vụ nên chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát lại những thông tư hướng dẫn vị trí việc làm công chức, viên chức theo ngành, lĩnh vực để sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính thống nhất, bao quát, tránh bỏ sót vị trí việc làm, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Nội vụ phải tính toán phương án kết nối tốt với các địa phương, các bộ ngành trong thực hiện đề án, bảo đảm tuân thủ những nguyên tắc chung trong các nghị quyết của Trung ương, đồng thời linh hoạt phù hợp với từng ngành, lĩnh vực.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Theo lý thuyết muốn xây dựng vị trí việc làm phải xuất phát từ yêu cầu công việc. Tuy nhiên, bộ máy quá cồng kềnh, quá nhiều người cho nên buộc phải áp dụng một bộ khung, cơ chế, chính sách khiến việc mô tả không xảy ra xung đột, chồng chéo. Mặt khác, nền kinh tế của nước ta chuyển đổi từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường. Việc này không thể chuyển đột ngột cho nên bộ khung, cơ chế để cán bộ hoạt động cũng phải chuyển từ từ sao cho phù hợp với từng người, từng ngành, từng địa phương.
Theo đó Phó Thủ tướng đề nghị quá trình thực hiện phải có phân cấp mạnh cho địa phương. Phấn đấu hoàn thành trước ngày 30-3-2024 để quý II/2024 tập trung hoàn thiện phương án trả lương mới được áp dụng từ ngày 1-7-2024.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)