Từ 1/10, 17 nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ phải đăng ký giá theo quy định của Thông tư 112 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 104/2008/TT-BTC về quản lý giá) do Bộ Tài chính ban hành.
Kỳ vọng những mặt hàng ảnh hưởng lớn tới đời sống dân sinh như xăng dầu, phân bón, khí đốt, đường, sữa… sẽ hết “loạn giá” có trở thành hiện thực?
Tước quyền kinh doanh
Sữa là một trong những mặt hàng được quản lý giá sát sao. Ảnh: Chí Cường
|
Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 1/10 là “hạn lùi” cuối cùng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung 104/2008/TT-BTC về quản lý giá. Trước đó, đã 3 lần Thông tư này được gia hạn thời điểm ban hành (dự kiến ban đầu là tháng 3, sau đó “lùi” tiếp sang tháng 7, cuối cùng là tháng 8/2010) khiến người tiêu dùng dài cổ ngóng chờ.
Trong khá nhiều mặt hàng quan trọng, đường, sữa là những mặt hàng liên tục được điều chỉnh tăng giá bán khiến người dân càng bức xúc.
Để giải quyết những “kẽ hở” của Thông tư trước, Thông tư mới được sửa đổi 2 điểm cơ bản. Cụ thể, đối tượng áp dụng của Thông tư mới này mở rộng hơn. Không nhất thiết là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty cổ phần, công ty TNHH có trên 50% vốn sở hữu nhà nước trong vốn điều lệ doanh nghiệp mà tất cả các doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh các mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá do Chính phủ quy định đều phải đăng ký, kê khai giá bán với cơ quan quản lý giá và Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn quy chế tính giá.
Yếu tố “mới” thứ hai là điều kiện áp dụng các biện pháp bình ổn giá cũng được mở rộng hơn so với quy định cũ tại Thông tư 104. Thông tư mới đã không ràng buộc cụ thể về “tỷ lệ % biến động” và “thời gian biến động” mà quy định rõ việc khi thị trường có biến động giá gây hại đến lợi ích của Nhà nước và người tiêu dùng, Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp để điều chỉnh giá cho phù hợp
Chế tài xử phạt các đơn vị vi phạm cũng đã “rát” hơn so với trước. Các biện pháp “mạnh tay” được đưa ra như: Đình chỉ mức giá mới không hợp lý so với quy định hiện hành và yêu cầu thực hiện mức giá cũ liền kề trước khi có biến động bất thường; Phạt cảnh cáo, phạt tiền theo quy định hiện hành, thu phần chênh lệch của mức tăng giá bất hợp lý vào Ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, mức xử phạt cao nhất là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh khác khi doanh nghiệp có vi phạm nghiêm trọng về giá cũng được đưa ra.
Sữa hết cơ hội “quay cuồng giá”
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính – đã chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý mặt hàng liên tục biến động về giá này như sau: “Thông tư 104 quy định, “doanh nghiệp vốn điều lệ có 50% sở hữu nhà nước trở lên phải đăng ký giá”.
Thế nhưng tại Việt Nam, hầu hết các hãng sữa đều không có vốn nhà nước cao như vậy nên không thể yêu cầu các công ty này phải niêm yết giá. Quy định trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động, cơ quan chức năng có quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá.
Nhưng các hãng sữa lại “lách”, trên thực tế, mỗi lần điều chỉnh, các hãng sữa chỉ tăng mỗi lần 5 – 7% và có thể liên tục tăng trong tháng.
Với cách quản lý mới chắc chắn giá sữa và những mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá sẽ hết loạn”.
Theo quy định mới tại Thông tư 112, doanh nghiệp phải thực hiện việc đăng ký giá sữa pha chế theo công thức dạng bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Việc đăng ký giá bán được thực hiện trước khi các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh bán mặt hàng này ra thị trường lần đầu và trước mỗi đợt điều chỉnh giá bán.
Về công thức tính giá các mặt hàng, cơ quan quản lý sẽ làm việc với các hãng sữa để đưa ra mặt bằng giá chung cho từng mặt hàng. Tuy nhiên, về lâu dài việc quản lý giá sẽ được triển khai xuống các địa phương. Doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn nào, thì đăng ký với cơ quan tài chính và cơ quan quản lý chuyên môn ở địa bàn đó còn Bộ Tài chính chỉ quản lý ở cấp vĩ mô.
Danh mục nhóm hàng bình ổn giá
Xăng, dầu; Xi măng, thép xây dựng; Khí hoá lỏng; Phân bón hóa học; Thuốc bảo vệ thực vật; Thuốc thú y; Muối; Sữa; Đường ăn; Thóc (lúa); Gạo tẻ thường;
Thuốc phòng, chữa bệnh cho người (bao gồm các loại thuốc thuộc danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế);
Cước dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng; Một số loại thức ăn chăn nuôi gia súc (ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương); Hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
|
Mai Hạnh / Gia Đình
Bình luận (0)