Theo thống kê của lực lượng chức năng, buôn lậu qua biên giới tại khu vực cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) năm nay giảm mạnh. Một trong những nguyên nhân được dẫn ra là kinh tế người dân trong vùng ngày một khá hơn từ trồng chuối.
Ông Khả chủ tịch xã, tự hào về cây chuối Tân Long đã đẩy lùi tình trạng buôn lậu. |
Ông Đỗ Văn Khả – Chủ tịch xã Tân Long (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) luôn tự hào về thành tích đẩy lùi nạn buôn lậu của địa phương. Theo ông Khả, chính cây chuối Tân Long đã làm nên điều kỳ diệu này.
Từ buôn lậu thành vua chuối
Từ buôn lậu thành vua chuối
Con sông biên giới Sê Pôn chảy qua địa bàn xã có chiều dài hơn 4km vốn là nơi giới buôn lậu hoành hành. Có thời điểm, gần 50% người dân Tân Long tham gia buôn lậu, hoặc gia nhập đội quân cửu vạn.
Xác định nguyên nhân, buôn lậu gia tăng do kinh tế người dân quá khó khăn, chính quyền xã Tân Long đã thử nghiệm nhiều mô hình phát triển kinh tế như trồng gừng xuất khẩu, trồng mía đường nhưng đều thất bại.
Đang bế tắc, thì đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, người dân dưới xuôi đua nhau lên mua chuối mật mốc (giống chuối có từ lâu đời của Tân Long). Chính quyền Tân Long bắt đầu mường tượng ra con đường xóa đói giảm nghèo cho người dân. Chiến dịch vận động, hỗ trợ người dân trồng chuối được thực hiện.
Đến nay, toàn xã Tân Long có gần 1.000 ha trồng chuối, thu nhập từ tiền bán chuối của người dân trong xã bình quân mỗi năm trên dưới 50 tỷ đồng. Xuất hiện nhiều người làm ăn phát đạt như Đoàn Trang, Dương Phước, Võ Tiên Sinh… có thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng mỗi năm từ trồng chuối.
Thấy cây chuối mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người trước đây tham gia buôn lậu, hay làm bốc vác hàng lậu tự giải nghệ để đầu tư trồng chuối. Thu nhập bình quân đầu người ở xã miền núi Tân Long hơn 11 triệu đồng/ năm.
Trồng chuối dọc biên giới
Trồng chuối dọc biên giới
Những chiếc thuyền dong mũi lên bờ nằm im khiến dòng Sê Pôn yên bình đến lạ. |
Ông Võ Tiên Sinh – một trong những người giàu có nhờ cây chuối, đồng thời là Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long, cho biết: Trồng chuối không tốn công sức và không cần nhiều vốn, chỉ cần có đất. Giống chuối mốc mật của Tân Long rất dễ phát triển, chỉ cần một lần trồng là có thể thu hoạch cả mấy chục năm.
Một cây chuối được chặt hạ gần như không bỏ thứ gì, từ buồng, lá, thân, thậm chí gốc đều có thể bán lấy tiền. Mỗi buồng chuối bán cho thương lái Trung Quốc thường từ 6.000 – 7.000 ngàn đồng/1kg. Nếu bán vào dịp lễ, tết, mỗi buồng chuối được trên nửa triệu đồng. Cứ 1 ha chuối trưởng thành cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.
Ông Sinh cho biết thêm, hiện không chỉ Tân Long trồng chuối mà người dân một số xã lân cận cũng làm theo. Thậm chí, nhiều hộ mạnh dạn sang cả Lào đầu tư trồng chuối.
“Bạn có đất, mình có giống và kỹ thuật, hợp tác lời lãi chia 50/50. Nói Tân Long có 1.000 ha chuối nhưng thực tế người dân Tân Long phải có thêm chừng ấy nữa ở các xã lân cận và bên Lào. Giờ thì người dân trong xã chúng tôi không còn ai nghĩ đến chuyện buôn lậu nữa” – ông Sinh nói.
Còn ông Khả tự hào nói: “Tui dám khẳng định, trong xã này xưa nay chưa có ai buôn lậu mà xây nổi nhà năm, sáu trăm triệu như những người trồng chuối ở đây”.
Ông Nguyễn Ngọc Sắc – Chủ tịch huyện Hướng Hóa cho biết, mấy năm qua huyện nhân rộng mô hình trồng chuối ra các xã dọc biên giới. Hiện nay toàn huyện có gần 2.000 ha chuối, gần như toàn bộ đất trống, đồi núi trọc trong vùng đều được lấp đầy cây chuối.
Thiếu tá Trần Xuân Lạn – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết: Tình trạng buôn lậu các mặt hàng như; nước giải khát, đường, thuốc lá ngoại đi qua hai bên cánh gà (đường tiểu ngạch) gần như giảm hẳn do lực lượng chức năng làm căng và cửu vạn không còn nhiều.
Lãnh đạo Hải quan cổng B (Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo) cho biết: Từ ngày 1-9 đến nay, lưu lượng xe khách hướng Lao Bảo – Đông Hà giảm trung bình 50 lượt/ngày (trước đó là 400 lượt/ngày). |
Hoàng Nam / TPO
Bình luận (0)