Nếu như bát phở, tô bún bị tăng giá gấp rưỡi, gấp hai thì các chủ quán nước trà cũng nhân cơ hội thời vụ để đòi… giá tết.
Năm nay, trên địa bàn mấy quận nội thành Hà Nội, một số người đã sớm dọn quán bán hàng trà nước vỉa hè từ hôm mùng 1, mùng 2 tết khi các quán càphê, giải khát còn chưa mở hàng.
Do số lượng quán hàng không nhiều như ngày thường, nên hầu như quán nào cũng đông nghẹt khách vây quanh và chủ quán được dịp hốt bạc từ cái nghề ở vỉa hè "buôn thất nghiệp, lãi quan viên" này…
Nhan nhản quán trà vặt vỉa hè
Hàng quán nước vỉa hè luôn được xem là có mức siêu lợi nhuận
vì thứ nhất người ta không phải đóng thuế.
|
Dạo quanh các đường phố, các khu vực thuộc mấy quận nội thành cũ của Hà Nội như: Lê Duẩn, Núi Trúc, Cát Linh, đường Thanh Niên, cửa ga Trần Quý Cáp, ngã năm Ô Chợ Dừa… vào trưa ngày mùng 1 tết, chúng tôi đã bắt gặp vô số quán nước trà vặt. Được biết, ngày mùng 1 năm nay được giới kinh doanh buôn bán coi là "đẹp", vì thế những chủ quán hàng nước cũng đua nhau "xuất hành" đầu năm để lấy hên. Năm nay, khá nhiều người được xem là "Hà Nội gốc" cũng gác lại việc chơi tết để làm ăn, mở quán nước phục vụ khách. Để mở một quán trà vặt vỉa hè, chỉ độ gần triệu bạc là đã tạm yên ổn ngồi thu tiền hằng ngày.
Bà Lê Thị Hân – nhà ở trong ngõ Đoàn Thị Điểm, năm nay 60 tuổi, là cán bộ ngành công thương nghỉ hưu, hiện dọn một cái quán cóc bán trà ngoài vỉa hè – cho biết, mấy ngày tết bà chẳng làm gì, nên dọn cái quán bán nước cho vui. Thấy bà bán được, ngày mùng 2 ở mấy đoạn vỉa hè kế tiếp đã có vài quán nữa bắt chước mở theo. Bà bảo: "Thực ra tôi chỉ kinh doanh mấy ngày tết thôi, chứ ngày thường không có chỗ bán, mà bán thì cũng chỉ buổi tối mới dám dọn, chứ ban ngày đâu dám vì sợ công an phạt vì vi phạm giao thông. Vì vậy, đồ đạc tôi đều đi mượn của một bà bán nước chuyên nghiệp về quê ăn tết, chứ có mua sắm gì đâu…".
Ngoài một bộ phận người "Hà Nội gốc" mở quán nước bán mấy ngày tết theo kiểu… nghiệp dư ra, thì cũng có không ít người ở tỉnh cố nán lại thành phố để kinh doanh hàng trà nước mấy ngày đầu năm, sau đó mới về quê ăn tết muộn. Chị Hà Thu Huệ – quê Thanh Hoá, bán nước trà ở cửa ga Trần Quý Cáp – là một trong những người như vậy; chị kể: "Năm nào cũng thế, em phải bán hết ngày mùng 6, mùng 7 mới thu dọn đồ đạc về quê ăn tết. Mấy ngày đầu năm ít quán, đông khách nên cố mà làm…".
Khách bị "chém" vẫn phải cười
Ngày tết ở Hà Nội nếu như bát phở, tô bún bị tăng giá gấp rưỡi, gấp hai thì các chủ quán nước trà cũng nhân cơ hội thời vụ để đòi… giá tết.
Tuỳ theo địa điểm mà chủ quán lấy khác nhau. Khu Núi Trúc, mạn Cầu Giấy, Thanh Xuân… có vẻ người dân còn "quê" và mức sống bình dân nên trà nóng thường là 2.000 đồng/chén nhỏ loại hạt mít và trà đá là 3.000-4.000 đồng/cốc. Còn ở các cửa ga, nhiều dân vãng lai, hay mấy phố cổ sầm uất thì một cốc trà nóng có giá từ 3.000-5.000 đồng, thậm chí là 6.000-7.000 đồng, như khu vực ga Hà Nội.
Trà đá thường bị "chém" thông thường là 5.000 đồng/cốc. Nếu ai đến trước cửa ga Hà Nội, mạn đường Lê Duẩn, nếu không cẩn thận gọi trà mạn sẽ bị chủ quán cố tình nhầm và nhanh nhảu rót trà chanh và tính giá 15.000-20.000 đồng/cốc. Ngày mùng 3 tết vừa rồi, tôi đã từng là nạn nhân và nhiều người cũng từng bị mắc mưu nhũng người làm ăn thiếu lương tâm ở đây.
Ngoài nước thì các thứ hàng phụ hoạ quanh cái quán nước trà cũng có các mức giá tăng cao như thuốc lá vinataba, bình thường chỉ 15.000-17.000 đồng/bao, dịp này thường là 20.000-25.000 đồng/bao. Nếu khách mua lẻ thì có thể 1.500-2.000 đồng/điếu. Các quán có bán ổi, xoài, cóc và một số loại quả dành cho dân háo nước muốn giải rượu bia thì giá tăng gấp đôi, gấp ba là thường. Đại đa số khách chấp nhận giá tết, song không ít người thấy giá quá đắt, có ý thắc mắc thì nhận được câu "an ủi" rất quen quen của chủ quán là: "Giá tết mà em…".
"Buôn thất nghiệp, lãi quan viên"
Bình thường thì hàng quán nước vỉa hè luôn được xem là có mức siêu lợi nhuận vì thứ nhất người ta không phải đóng thuế. Thứ hai vốn liếng đầu tư ra không nhiều mà thu nhập hằng ngày lại không hề thấp. Một chủ quán nước trà đá bán ngoài vỉa hè, trước cổng một trường đại học, là chỗ khá thân quen đã tiết lộ với tôi rằng, nếu bán nước hết 1kg trà mạn, loại trung bình thì mức lợi nhuận có thể lên tới 300.000-400.000 đồng.
Đấy là giá cả của một cốc trà nóng ngày thường chỉ là 1.000 đồng và trà đá là 2.000 đồng. Vậy mà, trung bình cái quán trà tôi quen trông lèo tèo vậy cũng bán hết veo gần 1kg trà. Đó còn chưa kể mấy cây thuốc lá được tiêu thụ cùng khá nhiều kẹo caosu, hạt hướng dương, kẹo lạc…
Nếu như các quán nước trà vặt ngày thường có mức lợi nhuận lớn như vậy thì tương đồng, một quán trà ngày đầu năm, bán giá đắt gấp đôi và hơn thế nữa sẽ có mức siêu lợi nhuận. Đã thế, hầu như quán nào cũng rất đông khách, mà lượng khách đông suốt từ sáng tới đêm, bởi mấy ngày tết thanh niên, giới trẻ thường ít ngủ mà hay ngồi vạ vật nơi quán nước ngoài phố để chuyện trò, hàn huyên…
Hôm mùng 3 vừa rồi, ngồi ở cái quán trà vặt bên phố Núi Trúc, lúc này đã là 12 giờ đêm mà tôi thấy có tới khoảng gần 30 khách ngồi uống trà. Bà chủ quán thì ra sức pha trà, nhanh nhảu rót cho khách rồi thu tiền. Trong khi ông chồng chuyên làm công tác "hậu cần" lo đun nước nóng, mang đá lạnh từ nhà ra cho vợ bán. Ngồi hơi lâu chút, tôi để ý tốp khách nào đứng dậy thanh toán tiền nước cũng hết vài ba chục ngàn, chứ không là mấy ngàn như ngày thường!
Lân la tìm hiểu từ một chị bán nước trà vặt ở khu vực phố Khâm Thiên, tôi được chị tiết lộ là mấy ngày tết, mỗi ngày chị bán hàng nước lèo tèo là vậy mà có thu nhập 300.000 – 400.000 đồng. Theo chị thì do ngày tết đông khách, hơn nữa giá lấy tăng cao hơn ngày thường, nên mới có thu nhập như vậy. Chị bảo đã 3 năm nay, tết nào chị cũng dọn quán bán nước thông luôn mà không nghỉ.
Theo Lao động
Bình luận (0)