Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Không thể cưỡng chế DN

Tạp Chí Giáo Dục

Sự việc hơn 700 DN trùng tên khi Hà Nội mở rộng dừng như chỉ là “giọt nước…” khi nói đến vấn đề DN bị trùng tên. Giải quyết thế nào cho vẹn cả đôi đường không phải là chuyện dễ. Trao đổi với DĐDN, bà Đỗ Thị Mỹ Liên – GĐ Cty TNHH Sở hữu trí tuệ HAVIP cho rằng: Cần sửa đổi các quy định của pháp luật trước khi xử lý việc trùng tên – đó mới là giải pháp tận gốc của vấn đề.
– Vừa qua, Hà Nội và Hà Tây sáp nhập đã xảy ra hiện tượng 722 DN trùng tên. Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho rằng Luật chưa dự liệu việc sáp nhập nên chưa có hướng giải quyết. Với tư cách của luật sư Luật Sở hữu trí tuệ, quan điểm của bà về vấn đề này thế nào ?
Tên DN, nói đúng hơn là tên thương mại, một tài sản SHTT đã và đang được bảo hộ theo Luật SHTT. Đối tượng này đã được đề cập trong các văn bản pháp luật về SHTT từ rất lâu và đến năm 2005 thì việc bảo hộ tên thương mại đã được đưa vào thành một mục riêng trong Luật SHTT.
Điều 76 của Luật SHTT quy định: Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Điều 78 của Luật SHTT quy định: Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: 1. chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng; 2. Không được trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh; 3. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.    
Để làm rõ hơn về yếu tố quan trọng có thể dùng để phân biệt giữa các chủ thể kinh doanh trong cùng lĩnh vực, tôi xin phân tích:
Cty TNHH SHTT Havip đã đăng ký hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực “tư vấn Luật SHTT”. Đương nhiên, yếu tố “Cty TNHH” không thể được bảo hộ bởi đó là cụm từ chỉ loại hình Cty; yếu tố “SHTT” mang tính chất mô tả ngành nghề hoạt động của DN nên cũng không thể bảo hộ độc quyền để ngăn chặn DN khác sử dụng cho cùng lĩnh vực kinh doanh. Như vậy, có thể thấy rằng yếu tố duy nhất và quan trọng nhất được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại là tên riêng “Havip”.
Về phạm vi bảo hộ tên thương mại cũng là một vấn không nhỏ bởi nó được quy định khá cụ thể trong các điều luật. Tuy nhiên, cũng chính phạm vi bảo hộ này lại không phù hợp với quy định tại Điều 37.5 của Luật DN và cũng không phù hợp với thực tế.
Điều 37.5 của Luật DN quy định: “DN có quyền lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. DN có thể đặt một hoặc nhiều văn phòng đại diện, chi nhánh tại một địa phương theo địa giới hành chính. Trình tự và thủ tục lập chi nhánh, văn phòng đại diện do Chính phủ quy định”.
Theo tinh thần quy định này thì một DN hoàn toàn có quyền triển khai công việc kinh doanh ra nhiều tỉnh, thành phố khác và đương nhiên khi lập chi nhánh hay văn phòng đại diện, DN vẫn phải dùng chung một tên thương mại.
  Như vậy có thể thấy rằng, tình trạng trùng tên DN cũng như những bất cập do việc trùng tên này là có thể thấy trước.
– Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đây là “lỗi” chồng chéo của các văn bản luật ?
Tôi phải khẳng định rằng, hiện tượng trùng tên DN là hiện tượng khá phổ biến. Đây là quy định chưa phù hợp của các văn bản pháp luật. Vấn đề này sẽ được giải quyết khi các văn bản pháp luật có liên quan đến việc bảo hộ tên thương mại được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
Để giải quyết triệt để vướng mắc này, các cơ quan chức năng cần phải được trang bị hệ thống cũng như cơ sở dự liệu để tra cứu thông tin nhằm tránh việc bảo hộ cùng một tên thương mại cho nhiều DN khác nhau, hoặc tránh sự xung đột giữa tên thương mại và nhãn hiệu.
– Theo các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp cưỡng chế, DN nào thành lập sau thì phải đổi tên. Theo bà, biện pháp này có ổn ?
Việc thay đổi tên thương mại để tránh sự trùng tên, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải có sự sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan trước, nhằm tránh tình trạng một DN phải đổi tên nhiều lần. Nghĩa là không chỉ đổi tên đối với việc trùng lặp trong cùng tỉnh, thành phố mà còn phải mang tính quốc gia.
Theo tôi việc đổi tên là việc làm hết sức khó khăn bởi đó không phải là lỗi từ phía các DN, khi DN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nghĩa là phía cơ quan chức năng đã xét thấy tên DN đó đủ điều kiện để được cấp và sử dụng. Và cũng không thể sử dụng biện pháp cưỡng chế được – vì DN không sai sao lại phải cưỡng chế.
– Xin cảm ơn bà !
Theo dddn

 

 

Bình luận (0)