Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giữ vững vị trí “ba nhất”

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2009 được dự báo là một năm đầy khó khăn đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam: Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế; các doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn nước ngoài chính thức được hoạt động tại Việt Nam; sự cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần của gần 50 doanh nghiệp bảo hiểm trong nước. 
Tuy nhiên trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Bùi Vạn Thuận, TGĐ tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI) khẳng định: PVI sẽ vẫn giữ vững và củng cố vị trí "ba nhất" trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.
– Khủng hoảng kinh tế tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm và PVI trong năm 2008, thưa ông ?
Tác động rất xấu tới ngành Bảo hiểm trong nước và quốc tế. Hàng loạt tập đoàn bảo hiểm lớn tại Nhật và Mỹ đã phá sản hoặc đứng trên bờ vực phá sản, 3/5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam lỗ nghiệp vụ, một số doanh nghiệp bảo hiểm có danh mục đầu tư mất cân đối làm giảm giá trị cổ phiếu xuống dưới mệnh giá, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của khách hàng, các cổ đông không được chia cổ tức. Bên cạnh đó, việc có tới 47 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 27 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cạnh tranh cũng khiến không ít doanh nghiệp giảm thị phần. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đem đến nhiều thách thức nhưng cũng là thời điểm lịch sử để khách hàng và các nhà đầu tư đánh giá đúng được giá trị thực của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.
Với sự chuyên nghiệp của nhà bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, với chất lượng dịch vụ và thương hiệu được thị trường trong nước và quốc tế đánh giá cao, PVI đã vượt qua khủng hoảng kinh tế với hầu hết chỉ số quan trọng đều tăng trưởng. Tổng doanh thu năm 2008 đạt 2.731,57 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với năm 2007; Lợi nhuận đạt 171,7 tỷ đồng, đứng thứ hai trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ; Các quỹ dự phòng 658 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2007; Vốn chủ sở hữu 2.284 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với năm 2007; Tổng tài sản 4.918 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2008, lớn nhất thị trường bảo hiểm phi nhân thọ; Hệ thống kinh doanh bao gồm 24 công ty thành viên và 150 phòng kinh doanh trên toàn quốc đảm bảo phục vụ và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của khách hàng.
Đặc biệt PVI được Standard & Poors – hãng định mức tín nhiệm danh tiếng thế giới lựa chọn vào danh sách Top 5 cổ phiếu hàng đầu Việt Nam. PVI cũng là doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất đạt giải Sao Vàng đất Việt.
Năm 2009, các doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn nước ngoài được thành lập ở Việt Nam. ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nói chung và PVI nói riêng trong thời gian tới ?
Thông thường các nhà thầu khi vào Việt Nam hoạt động kinh doanh đều sử dụng dịch vụ bảo hiểm của doanh nghiệp nước họ. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nếu muốn ký được các hợp đồng có giá trị lớn.
Trong lĩnh vực dầu khí các nhà thầu khi vào hoạt động dầu khí tại Việt Nam mặc dù đều có thể tham gia bảo hiểm tại các công ty bảo hiểm quốc tế hoặc công ty bảo hiểm của nước họ với các chương trình bảo hiểm toàn cầu, tuy nhiên phần lớn họ vẫn chọn PVI để mua bảo hiểm. Sở dĩ như vậy bởi PVI có các chương trình tái bảo hiểm toàn cầu về năng lượng, hàng hải và bảo hiểm kỹ thuật với mức phí bảo hiểm cạnh tranh và tính chuyên nghiệp cao. Hoạt động này góp phần thu được ngoại tệ tái đầu tư vào nền kinh tế trong nước. Hiện tại PVI là doanh nghiệp duy nhất trên thị trường có hợp đồng tái bảo hiểm năng lượng cố định tại London, đảm bảo an toàn cho mọi hoạt động của khách hàng quốc tế khi tiến hành các hoạt động dầu khí tại Việt Nam. PVI có quan hệ đối tác vững chắc với các nhà tái bảo hiểm hàng đầu thế giới Munich Re, Swiss Re, Lloyds Syndicate, W.O.E, Gard…
PVI còn là doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam duy nhất có khả năng xuất khẩu các sản phẩm bảo hiểm của mình ra nước ngoài thông qua việc tham gia bảo hiểm các công trình dầu khí của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại Algeria, Malaysia, Venezuela, Ecuado, cấp đơn bảo hiểm cho việc đóng giàn khoan tại Singapore, đóng tàu tại Nga…
– Thời gian qua, PVI đã mở rộng lĩnh vực hoạt động cũng như tham gia góp vốn vào nhiều dự án, xin ông cho biết hiệu quả của các dự án này ?
Để phát triển bền vững, những năm gần đây PVI đã có bước đi mang tính chiến lược như: Ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược, trong đó có nội dung bảo hiểm dài hạn cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia và nhiều tập đoàn kinh tế cùng các tổng công ty mạnh khác. Bên cạnh đó, PVI đã thành lập thêm các công ty thành viên là PVI Đông Đô, Bình Dương, Sài Gòn, công ty CP  kinh doanh Bất động sản PVI Invest, PVI Finance… PVI cũng đã góp vốn vào các dự án lớn và các công ty tài chính như Thuỷ điện Việt Lào, công ty CP đầu tư Sao Mai Bến Đình, công ty CP Tài chính Sông Đà, Tài chính Vinaconex, nhà máy điện Việt Lào… Mặc dù trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng các dự án này đều đang phát huy hiệu quả tốt.
Do đặc thù nguồn vốn của bảo hiểm không phải là nguồn vốn dài hạn do vậy các danh mục chúng tôi đầu tư đòi hỏi phải có tính thanh khoản cao. PVI sẽ tập trung vào các dự án đã đầu tư để khai thác tối đa hiệu quả và xem xét đầu tư các dự án mới có tính thanh khoản cao, chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực tài chính.
– Thị trường bảo hiểm Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, PVI điều chỉnh kế hoạch như thế nào để thích ứng với tình hình thực tế, thưa ông ?
Nhiệm vụ trọng tâm của PVI là phải duy trì khả năng tài chính tốt để nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo quyền lợi của khách hàng. PVI đã và sẽ thực hiện các biện pháp mạnh nhằm giữ vững và tăng trưởng ổn định với các giải pháp như: Hoàn thiện mô hình hoạt động, đào tạo nâng cao tính chuyên nghiệp trong kinh doanh bảo hiểm và để nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo hiểm của khách hàng. Tập trung sức mạnh tổng hợp để xây dựng một chương trình tái bảo hiểm an toàn và hiệu quả. Tăng cường nhận tái bảo hiểm từ các công ty chuyên ngành trong và ngoài nước; xây dựng, điều tiết cơ chế kinh doanh phù hợp với thị trường, cải cách chế độ tiền lương trên nguyên tắc trả lương đúng người, đúng việc và kết quả công việc đảm bảo tiết kiệm chi phí kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cơ cấu danh mục đầu tư trên cơ sở đảm bảo an toàn hiệu quả, dừng các dự án không hiệu quả, lựa chọn dự án khả thi, có tính thanh khoản cao và phù hợp với quy mô nguồn vốn của PVI. Xây dựng chương trình phần mềm, cơ sở dữ liệu phù hợp, tiên tiến để cập nhật, quản lý toàn bộ hoạt động kinh doanh…
Năm 2009, PVI tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển hệ thống bán lẻ hướng đến cộng đồng dân sinh như bảo hiểm ôtô, xe máy. Đặc biệt chúng tôi vừa cấp đơn bảo hiểm về hàng không.
– Năm 2008, Hội đồng quản trị PVI đã phê chuẩn về mặt nguyên tắc sẽ niêm yết cổ phiếu PVI vào cuối năm 2009 tại thị trường chứng khoán Singapore, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay, dự kiến này có thay đổi ?
Chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện các điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch này. Tuy nhiên năm 2009 thị trường đang không ổn định và không thuận lợi nên sẽ phải cân nhắc lựa chọn thời điểm thích hợp nhất để làm sao huy động được nguồn vốn phục vụ cho kế hoạch phát triển của PVI. Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore sẽ giúp PVI hoàn thiện bộ máy hoạt động, cơ cấu, các công tác quản trị điều hành đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch, nâng cao uy tín và thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế.
– Đối với các công ty đại chúng thì điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay đó là cổ tức. năm 2009, PVI có kế hoạch chi trả cổ tức như thế nào cho cổ đông ?
Theo dự kiến, doanh thu năm 2009 của PVI sẽ đạt 3.006 tỷ đồng, tăng trưởng trên 20%, lợi nhuận đạt 220 tỷ đồng. Với năng lực, tính chuyên nghiệp và uy tín trên thị trường đây là mục tiêu khả thi. Chỉ tính hết quý I/2009, doanh thu của PVI đã đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó  PVI dự kiến sẽ trả cổ tức cho các cổ đông 10% bằng tiền mặt trong năm 2009.
Mục tiêu trọng tâm của PVI trong thời gian tới là gì, thưa ông ?
Ban lãnh đạo và cán bộ, nhân viên PVI sẽ nỗ lực để tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường bảo hiểm về bảo hiểm công nghiệp, tốc độ tăng trưởng. Cụ thể là giữ được vị trí "ba nhất" trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: hiệu quả, sự khác biệt và tính thanh khoản.
– Xin cảm ơn ông ! 
PVI là doanh nghiệp duy nhất trên thị trường có hợp đồng Tái bảo hiểm năng lượng cố định tại London, đảm bảo an toàn cho mọi hoạt động của khách hàng quốc tế vào làm dầu khí tại Việt Nam, đồng thời có quan hệ đối tác vững chắc với các nhà tái bảo hiểm hàng đầu thế giới Munich Re, Swiss Re, Lloyds Syndicate, W.O.E, Gard… nên trong bối cảnh thị trường bảo hiểm gặp rất nhiều khó khăn, PVI vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Tính hết quý I/2009 doanh thu của PVI đạt 1.000 tỷ đồng, dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
Phan Nam (dddn)
 

 

Bình luận (0)