Quy mô của nền kinh tế tăng nhanh, trong khi tư duy và năng lực quản lý, điều hành của chúng ta vẫn giữ nguyên, là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hàng loạt những bất ổn hiện nay. Đó là đánh giá của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2012 – 2013: tái cơ cấu doanh nghiệp và cân đối vĩ mô”, tổ chức cuối tuần qua, tại Hà Nội.
Cũng theo các chuyên gia, những khó khăn của năm 2012 được xử lý dở dang vẫn in dấu lên bức tranh ảm đạm của nền kinh tế những ngày đầu năm 2013.
Tất cả còn ngổn ngang
Theo TS Phạm Thế Anh, trường đại học Kinh tế Quốc dân, số liệu từ tổng cục Thống kê cho thấy, thành tựu của nền kinh tế của Việt Nam, thông qua hai chỉ tiêu là lạm phát và tăng trưởng kinh tế, đã xấu đi đáng kể trong giai đoạn 2007 – 2012 so với giai đoạn 2001 – 2006 trước đó.
Cụ thể, tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng kinh tế trung bình lần lượt là 12,6% và 6,2% trong giai đoạn 2007 – 2012, so với các con số tương ứng là 4,9% và 7,6% của giai đoạn 2001 – 2006. Không những vậy, giai đoạn này, độ lệch chuẩn của các yếu tố như lạm phát, tăng trưởng GDP, tăng trưởng cung tiền, tăng trưởng đầu tư công tăng nhanh, nhất là lạm phát và tăng trưởng đều tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đó.
“Điều này hàm ý, doanh nghiệp và người dân những năm gần đây sống trong một môi trường kinh tế bất ổn/tăng, giảm thất thường”, ông Phạm Thế Anh nhận xét.
Phó viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế trung ương Võ Trí Thành, cho rằng, những biến động theo hướng xấu đi của nền kinh tế Việt Nam xuất hiện từ năm 2007 – thời điểm chúng ta ra nhập tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).
Một trong những nguyên nhân, theo ông Thành, là do bối cảnh kinh tế trước và sau khi gia nhập WTO “một trời một vực”, như: bất động sản bùng nổ, quy mô tài chính tăng gấp 3, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gấp hai, số lượng doanh nghiệp cũng tăng gấp hai..; trong khi thể chế, tư duy, cách thức điều hành vẫn giữ nguyên như là ham tăng trưởng, lợi ích nhóm, năng lực quản lý và bản lĩnh đối phó với các cú sốc vẫn yếu kém…
“Xét về khả năng phục hồi, duy trì ổn định và chống đỡ với các cú sốc, khu vực Đông Á là tốt nhất thế giới, nhưng Việt Nam lại kém nhất Đông Á”, ông Thành nhận xét…
Đánh giá về năm 2012 – 2013, ông Thành cho rằng chưa bao giờ chúng ta chịu nhiều áp lực như hiện nay. Bên cạnh những kết quả đạt được, cái chưa được cũng nhiều, trong đó vấn đề lớn nhất là tất cả đều dở dang: ổn định vĩ mô được một chút, nhưng còn rủi ro lớn; lạm phát kiềm chế nhưng đang có nguy cơ quay lại; một số chính sách dễ gây xung đột về mục tiêu với nhau, như: cứu doanh nghiệp quá mức (kích cầu, nới lỏng tiền tệ…) thì bất ổn dễ quay lại…
Tiếp nối những khó khăn của năm 2012, bức tranh kinh tế tháng đầu năm 2013, dưới góc nhìn của nguyên bộ trưởng bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng khá ảm đạm: tăng trưởng tín dụng tiếp tục âm, giá cả có dấu hiệu tăng, tổng cầu của nền kinh tế rất thấp khi mà chỉ số giá cả của TP HCM – trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn nhất cả nước – chỉ tăng 0,44%; tồn kho lại tăng lên so với một vài tháng trước; số doanh nghiệp giải thể nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới…
Không thể tái cơ cấu với tư duy cũ
Theo ông Trương Đình Tuyển, chúng ta cần tìm điểm nối giữa giải quyết những vấn đề ngắn hạn và dài hạn, vì ngắn hạn không thể không giải quyết, nhưng nếu không cẩn thận, sẽ có nguy cơ phá vỡ dài hạn. Theo đó, quan trọng nhất là phải tạo cầu.
Ông Tuyển nói: “Mọi chính sách, biện pháp, nhất là tài khóa, phải mạnh dạn đưa ngay từ những tháng đầu năm, tạo cầu cho nền kinh tế, từ đó tín dụng mới có đầu ra”.
Đi kèm đó, phải xử lý nợ xấu, nếu không, doanh nghiệp có dự án tốt cũng không thể tiếp cận được vốn vay. Thứ ba, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải đặt làm trọng tâm và phải làm nghiêm, vì đây là khu vực đang sử dụng nguồn lực lớn nhất, cả về đất đai, tài nguyên, vốn tín dụng…
Không tái cơ cấu khối DNNN, một nguồn lực lớn tiếp tục bị sử dụng kém hiệu quả, nền kinh tế khó có thể chống đỡ được.
Ông Võ Đại Lược, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế chính trị thế giới, nói thẳng: “Chúng ta không thể tái cơ cấu nếu vẫn giữ tư duy cũ!”
Theo đó, chúng ta đặt tái cơ cấu DNNN làm trọng tâm, nhưng vẫn để khối này giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Trong khi đó, ai cũng hiểu rằng, nếu để DNNN phải đi thuê đất như khối doanh nghiệp tư nhân, đầu tư hạ tầng, nhà xưởng… như doanh nghiệp tư nhân thì 100% sẽ lỗ. Trên thế giới, không có nền kinh tế thị trường nào có khu vực DNNN khổng lồ như vậy.
Ông Lược nhấn mạnh: “Tái cơ cấu DNNN, quan trọng nhất là phải giảm tỷ trọng khu vực này xuống. Có hai điểm quan trọng nhất về tái cơ cấu khối này, chúng ta lại không hề nhắc đến, là dẹp bớt, thu hẹp và quản trị hiện đại theo chuẩn quốc tế. Bất hợp lý là, khu vực gây tai họa cho nền kinh tế không ông nào “chết”, trong khi khu vực doanh nghiệp tư nhân – đóng góp quan trọng cho nền kinh tế thì “chết như ngả rạ”.
Phó chủ tịch ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn, cho rằng, có bốn điểm chúng ta cần lưu ý, đó là niềm tin thị trường suy giảm; nặng về quản lý hành chính trong nền kinh tế thị trường; chưa xác định rõ vấn đề về sở hữu (bao gồm đất đai, tiền tệ, DNNN…); năng lực có vấn đề, cả trong chủ trương, định hướng, thực hiện, giám sát…
Đồng tình phải đặt tái cơ cấu DNNN làm trọng tâm, song nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan, cũng lưu ý, khối này chỉ đóng góp 34% GDP, còn lại là các doanh nghiệp khác. Ông Vũ Khoan nói: “Các doanh nghiệp tư nhân cũng cần phải tái cấu trúc, nhất là khi chúng ta muốn họ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Do vậy, Nhà nước phải có định hướng về vấn đề này, nếu không khó có thể tái cơ cấu nền kinh tế”.
Thảo Nguyễn (SGTT)
Bình luận (0)