Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2013, tôm xuất khẩu của Việt Nam còn gặp nhiều rào cản từ thị trường các nước nhập khẩu.
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, thừa nhận, nghề nuôi và xuất khẩu tôm đang gặp trở ngại từ nhiều phía. Đối với xuất khẩu cũng đang trải qua một năm đầy bất trắc khi kim ngạch giảm 6,3% và không đạt kế hoạch đề ra.
Có thể nói, Nhật Bản là thị trường quan trọng khi chiếm tới 27,7% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam; vì vậy những rào cản dựng lên từ thị trường này khiến trị giá xuất khẩu tôm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Tôm là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành nông nghiệp. Vì vậy, phải làm đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển ổn định nghề nuôi và xuất khẩu tôm" Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát |
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú, nhìn nhận, xuất khẩu tôm nước ta ngày càng mất thế cạnh tranh so với Thái Lan, Indonesia, Ecuador, Ấn Độ… bởi giá thành sản xuất quá cao, tỷ lệ nuôi thành công đạt chỉ 30% – 40%. Đơn cử như tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản với giá 11,2 USD/kg, trong khi giá bán của Ấn Độ chỉ 8,6 USD/kg…
Các doanh nghiệp thủy sản cho biết, xuất khẩu tôm năm 2013 tiếp tục chịu sự cạnh tranh quyết liệt và gặp khó khăn từ nhiều phía. Báo cáo mới nhất của Liên hiệp quốc cho thấy, kinh tế toàn cầu đang yếu đi đáng kể và dự báo tăng trưởng chậm trong 2 năm tới, thậm chí có thể rơi vào đợt suy thoái mới. Một số nước châu Âu đang rơi vào vòng xoáy thất nghiệp, rủi ro tài chính; Mỹ gặp khủng hoảng nợ, trong khi kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản tăng trưởng chậm sẽ tác động giảm nhập khẩu tôm trong năm 2013. Rào cản ethoxyquin không chỉ gây khó ở thị trường Nhật Bản mà Hàn Quốc cũng tăng cường kiểm tra đối với tôm Việt Nam.
Xuất khẩu tôm 2013 đối mặt nhiều thách thức. Ảnh: HUỲNH LỢI
Tình hình dịch bệnh trên tôm thật sự là thách thức lớn đối với người nuôi, trong khi nguồn tôm nguyên liệu được dự báo sẽ tiếp tục thiếu trầm trọng, gây khó cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Thêm vấn đề lo ngại là nhiều thương lái âm thầm thu gom tôm nguyên liệu để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khiến tình trạng thiếu tôm ở ĐBSCL càng căng thẳng hơn. Trong bối cảnh đầy khó khăn trên, VASEP đưa ra 3 kịch bản cho xuất khẩu tôm 2013.
Theo đó, nếu ngành chức năng khống chế được dịch bệnh, tìm được chất thay thế ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi, đồng thời có biện pháp ngăn chặn nạn thương lái xuất tôm sang Trung Quốc… dự báo xuất khẩu tôm 2013 có thể đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 6,5% so năm 2012.
Trong điều kiện nguồn tôm nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến, cộng với sự cạnh tranh gay gắt trên thương trường quốc tế… khả năng xuất khẩu tôm chỉ đạt 2,2 tỷ USD. Nếu tình trạng xấu hơn, khi dịch bệnh lẫn rào cản kỹ thuật diễn biến phức tạp thì xuất khẩu tôm 2013 cố lắm chỉ đạt kim ngạch 1,9 tỷ USD, giảm tới 13% so năm 2012.
Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh tổng kiểm tra chất lượng các loại chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất tôm, nghiêm cấm kinh doanh các loại chế phẩm không đảm bảo chất lượng; đồng thời kiểm soát chặt chất lượng tôm giống. Đẩy mạnh nuôi tôm theo mô hình VietGAP, nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng cho những thị trường xuất khẩu khắt khe trên thế giới.
H.LỢI – N.THANH
(SGGP)
Bình luận (0)