Đồng tình tăng lương tối thiểu của công chức lên mức 1,05 triệu đồng. Ưu tiên tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Sáng 21-10, ngay sau phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày trước QH bản báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 và năm năm 2011-2015. Theo đó, dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2011 ước đạt 6%. Năm 2012, phấn đấu đạt 6%-6,5% và kiềm chế lạm phát ở mức một con số, các năm sau thấp hơn, đến năm 2015 lạm phát khoảng 5%-7%.
Còn tiềm ẩn lạm phát cao
Theo Chính phủ, nhờ xác định đúng nhiệm vụ ưu tiên là kiềm chế lạm phát và thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường nên từ tháng 5-2011, mức tăng giá tiêu dùng đã giảm dần, chín tháng tăng 16,63%, ước cả năm tăng khoảng 18%”. Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước; đồng thời rà soát, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công… Kết quả là bội chi ngân sách Nhà nước cả năm 2011 giảm xuống còn 4,9% GDP (so với kế hoạch là 5,3%), thu ngân sách tăng, đáp ứng nhu cầu chi và dành một phần để tăng chi trả nợ.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy có 6/22 chỉ tiêu dự báo không đạt theo nghị quyết của QH và mục tiêu điều hành của Chính phủ như tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm 2010 và mức lạm phát tăng cao… Một số chỉ tiêu tuy đạt hoặc vượt kế hoạch nhưng thiếu vững chắc như thu ngân sách đạt cao so với dự toán và so với số đã báo cáo QH tại kỳ họp thứ nhất. Điều này có nguyên nhân từ việc giá tăng; nhập siêu có xu hướng giảm nhưng số tuyệt đối vẫn còn lớn (nhập siêu chín tháng khoảng 7 tỉ USD), gây áp lực lên thị trường ngoại hối.
Kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường là những giải pháp ưu tiên để kiềm chế lạm phát. Ảnh: HTD
“Nguyên nhân tiềm ẩn sâu xa của tình trạng lạm phát cao hiện nay xuất phát từ hiệu quả đầu tư và năng suất lao động thấp, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả làm tăng chi phí sản xuất dẫn đến việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa đạt được kết quả” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói.
Minh bạch chi ngân sách Nhà nước
Phát biểu trước QH, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết Ủy ban Kinh tế nhất trí cao với mục tiêu tổng quát được trình bày trong báo cáo của Chính phủ, đặc biệt cần nhấn mạnh vào mục tiêu “ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”.
Theo Ủy ban Kinh tế, để đạt được mục tiêu giữ chỉ số lạm phát dưới 10%, Chính phủ phải kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. “Năm 2012 được dự báo sẽ ít có khả năng biến động lớn về giá hàng hóa thế giới, vì vậy tỉ giá sẽ đóng vai trò chủ yếu trong việc quyết định giá cả hàng hóa dịch vụ xuất, nhập khẩu. Chính sách tỉ giá nếu được duy trì ổn định sẽ góp phần kiểm soát chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng” – ông Giàu nói.
Về chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 khoảng 6%-6,5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng chỉ tiêu này có thể đạt được và không mâu thuẫn với mục tiêu trọng tâm kể trên, nếu phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.
Thống nhất với chỉ tiêu bội chi ngân sách dưới 4,8% GDP, nợ công không quá 60% GDP do Chính phủ đề xuất, ông Giàu khuyến cáo: Cần tính toán chặt chẽ, kiểm soát và minh bạch chi ngân sách Nhà nước, đầu tư công, trái phiếu chính phủ (TPCP) và đầu tư của các khu vực doanh nghiệp nhà nước… Chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính.
Rà soát, cắt giảm đầu tư công chưa quyết liệt
Bộ KH&ĐT cho biết tổng nhu cầu vốn cho các dự án, công trình sử dụng vốn TPCP đã được phê duyệt giai đoạn 2011-2015 có thể lên tới hơn 500.000 tỉ đồng (bao gồm trượt giá), TPCP không thể đáp ứng. Vì thế Chính phủ chủ trương rà soát, cắt giảm dự án trong danh mục đã được phê duyệt và đề xuất chỉ huy động vốn từ nguồn TPCP từ nay đến năm 2015 tối đa 225.000 tỉ đồng, tương đương 45.000 tỉ đồng/năm.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng việc rà soát, cắt giảm dự án sử dụng vốn TPCP chưa nghiêm túc, quyết liệt như tinh thần Nghị quyết 11 của CP. Thực chất mới chỉ dãn tiến độ thực hiện chứ chưa loại khỏi danh mục những dự án kém hiệu quả, không cấp bách. Nhiều dự án vẫn được khởi công dù không thuộc danh mục sử dụng vốn TPCP 2011. Đề nghị CP báo cáo rõ số dự án này, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị QH ra nghị quyết về hạn mức phát hành trần huy động vốn nguồn TPCP. Thời gian tới, CP cần rà soát, điều chỉnh danh mục dự án sử dụng vốn TPCP trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét quyết định trước ngày 31-12. Từ năm 2014, đưa nguồn vốn TPCP vào cân đối trong ngân sách…
Chi ngân sách vẫn vượt hơn 70.000 tỉ đồng
Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH, tổng số chi ngân sách Nhà nước vẫn vượt dự toán 9,7%, tương đương 70.400 tỉ đồng. Chỉ riêng đầu tư phát triển vượt dự toán tăng 15,1% (23.000 tỉ đồng).
“Đây là mức tăng cao. Đề nghị CP giải trình rõ về nguyên nhân nguồn tăng chi cho đầu tư phát triển vượt so với dự toán” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho rằng việc rà soát, cắt giảm, đình hoãn các dự án khởi công mới thực hiện chưa nghiêm túc. Nhiều dự án mới chưa cấp bách vẫn được khởi công, trong khi dự án cần sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả lại không được bố trí vốn. Năm 2012, cần thực hiện các biện pháp tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu, tinh giảm biên chế và thu gọn bộ máy, bố trí vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư cho con người và thực hiện an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách đồng tình với CP về phương án tăng lương tối thiểu của công chức lên mức 1,05 triệu đồng và phụ cấp công vụ ở mức 25%. Đồng thời, đề nghị CP có phương án tách bạch giữa công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu để có lộ trình tăng lương cho phù hợp.
THÀNH VĂN
|
ĐỨC MINH – NGHĨA NHÂN
Theo Pháp luật
Bình luận (0)