Theo Bộ NN-PTNT, tính tới tháng 10-2011, cả nước đã có 4.575 làng nghề. Ông An Văn Khanh, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, các làng nghề ở nông thôn đang tạo việc làm và thu nhập cho 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn tham gia. Mức thu nhập của người dân các làng nghề cao hơn hẳn so với thuần nông khoảng 1,5 – 4 lần. Trong đó, nhiều lao động của làng nghề có thu nhập tới 4 triệu đồng/người/tháng.
Từ sự phát triển làng nghề, thời gian qua lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa gia tăng nhanh chóng. Hiện tại, cả nước có 22.331 doanh nghiệp làng nghề đi vào hoạt động, cùng với 894.695 hộ và cơ sở nhỏ lẻ góp thêm nỗ lực lớn vào chương trình tạo việc làm cho lao động nông thôn. Thế nhưng, hiện nay chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp làng nghề còn cầm cự được, còn lại 40% đang thoi thóp, ngưng sản xuất hoặc đã phá sản.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết: “Theo Bộ KH-ĐT, tính đến tháng 9-2011 cả nước có tới 48.700 doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giải thể, đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, trong đó có nhiều doanh nghiệp làng nghề”.
Sở dĩ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở làng nghề hoạt động lắt lay như vậy do đang gặp phải khó khăn về vốn, bên cạnh các khó khăn chung khác như chi phí xăng dầu, nguyên liệu, giá thuê lao động… tăng cao. Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực cởi nút thắt về chính sách tín dụng cho làng nghề, song mới chỉ có khoảng 25% – 30% doanh nghiệp làng nghề thực sự vay được vốn ngân hàng.
Số còn lại, hầu như phải dựa vào các nguồn vay của bà con họ hàng, tự tích góp hoặc từ nguồn tiền đặt hàng của các doanh nghiệp đầu mối (ứng trước khoảng 30% – 50% vốn để sản xuất) và từ các quỹ của làng nghề. Do khó khăn về vốn trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao nên doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, sản xuất cầm chừng, thậm chí giải thể.
Do đó, ông Tuấn cho rằng giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, doanh nghiệp làng nghề nói riêng hiện nay là phải tháo gỡ khó khăn về vốn, theo đó phải giúp doanh nghiệp dễ vay được tiền ngân hàng bằng những chính sách cụ thể. Song tình trạng chung là ngân hàng vẫn chưa tin tưởng doanh nghiệp. Vì vậy, để giúp ngân hàng – doanh nghiệp xích lại gần hơn, thực sự bắt tay, cần nhân rộng mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ở Việt Nam, từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt nhưng cho tới nay, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới ra đời ở 11 địa phương. Còn lại các tỉnh vẫn chưa thành lập được quỹ với các lý do như ngân sách địa phương eo hẹp, cơ chế quản lý vẫn kiểu “xin – cho” nên không thu hút được các doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia, chưa tin cậy.
Do vậy, cần phải cơ cấu lại quỹ bảo lãnh tín dụng theo hướng giao việc thành lập và hoạt động của các quỹ cho các doanh nghiệp, tổ chức xã hội quản lý, đồng thời Nhà nước có cơ chế kiểm soát bảo đảm sự hoạt động lành mạnh của quỹ.
VĂN PHÚC / SGGP
Bình luận (0)