Cơ quan quản lý luôn khẳng định cơ chế điều hành giá xăng dầu đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp (DN) và người dùng. Tuy nhiên, thực tế điều hành giá xăng dầu lại không diễn ra như thế. Vậy, quyền lợi người dùng ở đâu trong cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay?
Ảnh: minh họa – Internet |
Theo qui định Thông tư 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính, khi mua xăng dầu, người tiêu dùng phải trích 300 đồng/lít xăng, dầu (từ ngày 10/6/2011, số tiền này tăng thêm 100 đồng/lít xăng) để xây dựng Quĩ bình ổn giá xăng dầu nhằm bù đắp chênh lệch phát sinh lỗ cho doanh nghiệp (DN), tránh việc tăng giá bán lẻ khi giá thế giới tăng. Tuy nhiên, sau 3 năm ra đời, quyền lợi mà người dân được hưởng từ quĩ này vẫn chưa nhiều.
Tiền dân, doanh nghiệp hưởng lợi
Theo TS Nguyễn Minh Phong- Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Hà Nội, khoản tiền trong Quĩ bình ổn xăng dầu, thực chất là tiền của người dân phải mua để giữ giá hình thức trong một bối cảnh nào đó. Tuy nhiên, quĩ hoạt động như thế nào, thu chi bao nhiêu, người dùng – chủ nhân thực sự của quĩ hoàn toàn không biết.
Thực tế, sau các đợt xả quĩ, người dân vẫn phải chấp nhận các đợt tăng giá xăng dầu với mức tăng không nhỏ. Gần đây nhất là đợt tăng giá vào 24/2 và 29/3/2011, khiến giá xăng tăng thêm 4.900 đồng/lít. Bỏ thêm gần 4.500 tỉ đồng/năm để trích Quĩ bình ổn, nhưng khi giá thế giới giảm trong thời gian dài, người dân vẫn phải chờ Nhà nước khôi phục thuế, đảm bảo DN có lãi và Quĩ có đủ tiềm lực dự phòng mới giảm giá bán lẻ.
Mỗi ngày có một lượng xăng dầu không nhỏ được tiêu thụ, đi cùng với đó là hàng trăm triệu đồng đóng góp duy trì Quĩ bình ổn xăng dầu. Tiền dân đóng góp nhưng Quĩ được để ở DN và DN là người chủ động quản lý và sử dụng. "Chả ai dại gì để một đống tiền "chết" trong két rồi đi vay ngân hàng phát triển sản xuất kinh doanh. Họ sẽ dùng khoản vốn đó trang trải cho các hoạt động của mình, hoặc chí ít, DN cũng biết gửi vào ngân hàng để hưởng một khoản lãi không nhỏ"- anh Phan Đạt (Khương Trung – Thanh Xuân) tính toán.
Trước tình hình đó, giữa tháng 7/2011, Bộ Tài Chính cũng có ý định đang xem xét tính lãi Quĩ bình ổn giá xăng dầu nhằm đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng. Nhưng trong khi chờ quy định này từ "xem xét" thành thực tế, DN vẫn được hưởng lợi từ khoản tiền do người dân đóng góp với lãi suất 0% – thấp hơn cả lãi suất vay vốn chính sách của những người nghèo.
Quĩ trích từ người dùng – sai nguyên tắc
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giá cả- Bộ Tài chính, nguyên tắc của Quĩ bình ổn là lấy từ lợi nhuận của DN. "Lợi nhuận của anh, anh trích dự phòng rủi ro – đó là nguyên tắc. Tuy nhiên, Quĩ bình ổn xăng dầu hiện lấy từ người dùng, rồi cho DN sử dụng để giảm giá. Điều này là bất hợp lý. Ở các nước, không có nước nào lấy của người tiêu dùng để nhập quĩ cả"- ông Long nói.
Trong khi DN ra sức kêu khó và yêu cầu người tiêu dùng hi sinh quyền lợi. Thế nhưng, khi chuẩn bị lên sàn chứng khoán,Petrolimex (DN chiếm đến 60% thị phần kinh doanh xăng dầu) lại thông báo năm 2008, Petrolimex lãi trên 900 tỉ đồng, năm 2009 lãi 2.880 tỉ đồng, năm 2010 lãi 81 tỉ đồng, dự kiến lãi cả năm 2011 khoảng 598 tỉ đồng. Petrolimex giải thích số tiền lãi này là do các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu, chứ kinh doanh xăng dầu lỗ triền miên. Hoạt động kinh doanh chính lỗ, kinh doanh phụ lãi, nhiều người dân kiến nghị:Nếu như vậy, Petrolimex nên ngừng kinh doanh xăng dầu chuyển sang ngành nghề khác cho thuận".
Nói về việc giá xăng vẫn chưa giảm hiện nay, bà Nguyễn Liên (Đống Đa- Hà Nội) bức xúc: "Hiện sao người dân phải "gánh" nhiều thứ phí và Quĩ từ xăng dầu thế. Nào là tiền trích Quĩ bình ổn, sắp tới là thu phí bảo trì đường bộ trong giá xăng dầu nữa. Giảm 500 – 1.000 đồng/lít xăng tuy không nhiều cũng sẽ bớt gánh nặng cho người dân".
Theo Nha Trang
Kinh tế & Đô thị
Kinh tế & Đô thị
Bình luận (0)