Trong 2 tháng 10 và 11/2023, truyền hình K+ và VieON lần lượt ra mắt dự án mới. Với sự đầu tư bài bản, các đơn vị kinh doanh mảng truyền hình trả tiền trong nước đang tăng tốc, nỗ lực nâng chất lượng, thu hút khán giả.
Ngay khi K+ giới thiệu series kinh dị Tết ở làng địa ngục – ra mắt vào ngày 23/10 – khán giả yêu mến phim ảnh không khỏi chờ đợi. Bộ phim do đạo diễn Trần Hữu Tấn thực hiện, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang, từng gây sốt vào năm 2022. Dù chưa ra mắt chính thức, từ hình ảnh, trailer được nhà sản xuất tung ra, khán giả đã dành nhiều lời khen cho màu sắc kinh dị, khâu tạo hình và diễn xuất của một vài diễn viên.
Diễn viên Lan Phương tham gia phim Tết ở làng địa ngục. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp
Tết ở làng địa ngục dài 12 tập, xoay quanh những ám ảnh kinh hoàng tại một ngôi làng, tương truyền là nơi ở của băng cướp khét tiếng. Tại đây, những vụ án mạng đột ngột xảy ra khiến người dân bàng hoàng, lo sợ. Hành trình đi tìm câu trả lời mở ra nhiều sự thật bị chôn giấu. Nhiều độc giả từng đọc tiểu thuyết gốc hào hứng khi nhà sản xuất cho biết phiên bản truyền hình sẽ giữ nguyên tinh thần của tác phẩm – rùng rợn và ma quái.
Đây không phải dự án đầu tiên được truyền hình K+ “đổ vốn”. Trước Tết ở làng địa ngục, đơn vị từng giới thiệu bộ phim Mẹ ác ma, cha thiên sứ của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng; Trại hoa đỏ của đạo diễn Victor Vũ; Bếp trưởng tới! của đạo diễn Văn Công Viễn và Nhà mình lạ lắm! do đạo diễn Đinh Tuấn Vũ thực hiện. Việc sản xuất liên tục các nội dung độc quyền đang là hướng đi được K+ hướng đến, nhằm thu hút khán giả trong nước trước “bữa tiệc thịnh soạn” mà các “ông lớn”, trong đó có Netflix đang bày ra.
Không riêng K+ hay VieON, nhiều năm qua, Galaxy Play, FPT Play… cũng thường xuyên ra mắt các chương trình, phim ảnh tự sản xuất. Việc nâng chất lượng liên tục được các đơn vị chú trọng, bởi nếu không độc quyền, không đủ hấp dẫn, sẽ khó thuyết phục được người xem.
Diễn viên Nhã Phương, Song Luân tham gia Yêu trước ngày cưới. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp
Truyền hình trả tiền trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng cung cấp dịch vụ giải trí xuyên biên giới. Vào tháng 4/2023, Netflix nộp đơn xin chính thức hoạt động tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Động thái của Netflix tiếp tục tạo thử thách, buộc các đơn vị trong nước phải nhanh chân và quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến giành thị phần.
Mới đây, tại Hội thảo giao ban công tác quản lý, hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên cả nước, nhiều con số cho thấy doanh thu của mảng dịch vụ đang khả quan. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 7.500 tỉ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đạt 18,6 triệu thuê bao, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Với 35 doanh nghiệp được cấp giấy phép tham gia thị trường cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước, đây là con số cho thấy tiềm năng rất lớn, cần được khai phá tiếp bằng những dự án có đầu tư, chất lượng.
Theo Diễm Mi/NLĐO
Bình luận (0)