Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nợ xấu: tự chữa thì lâu khỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Một số ngân hàng cho rằng họ có thể tự xử lý được nợ xấu. Ngân hàng tự xử lý nợ xấu của họ là lẽ tất nhiên, bởi đây là ngành kinh doanh rủi ro, họ gây ra thì họ phải chịu. Nhưng khi nợ xấu đã mang tính hệ thống, vượt quá ngưỡng an toàn và gây tác hại đến nền kinh tế, thì Nhà nước phải ra tay.

Nhiều ngân hàng cho rằng, bản thân ngân hàng có khả năng để xử lý các khoản nợ xấu, từ quỹ dự phòng rủi ro cũng như xử lý tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc Eximbank, cho rằng: “Khi nợ xấu không chỉ xuất hiện ở một vài ngân hàng mà trở thành một căn bệnh phổ biến, thì các định chế về “y tế cộng đồng” cần xuất hiện”.

Nợ xấu bất động sản có tài sản bảo đảm tới 180%, nhưng vấn đề là xử lý sẽ tốn rất nhiều thời gian. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: T.L
Ngân hàng có tự xử lý được?
Theo ông Lê Đức Thuý, nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN), có hai cái giá phải trả nếu không xử lý nợ xấu sớm. Thứ nhất, không phải ngân hàng nào cũng trích lập dự phòng rủi ro đủ và đúng. Nếu càng để lâu nợ càng khó lường. Thứ hai, về mặt tài chính và kinh tế, cái giá phải trả đúng lúc thì bao giờ cũng rẻ hơn là trả muộn. Cũng như, một khi chưa xử lý xong nợ xấu, ngân hàng không thể hoạt động bình thường.
Giả sử để ngân hàng tự xử lý nợ xấu, trong bối cảnh đang bị yếu về lực, họ sẽ muốn xử lý sao cho lấy tiền về nhanh nhất. Cách nhanh nhất là xiết nợ, bán tài sản với giá rẻ để lấy tiền mặt. Như vậy, hệ luỵ là doanh nghiệp cũng phải trả giá. Bởi tài sản xiết nợ của doanh nghiệp phần lớn là nhà xưởng, máy móc; nếu đó là nhà máy đang hoạt động thì sẽ ảnh hưởng đến những con người đang làm ở đó. Đó là những tổn thất không đáng có, bởi nếu kinh tế phục hồi, giá trị tài sản thế chấp có thể bán được với giá cao hơn.
Ngoài ra, xét mức độ minh bạch thấp trong các dữ liệu của ngân hàng Việt Nam, việc để tự ngân hàng thương mại (NHTM) xử lý nợ xấu càng khó tách bạch trắng đen, nhất là ở một số ngân hàng được lập ra như là sân sau của một số tập đoàn, công ty.
Điều quan trọng là trong điều kiện hiện nay, NHNN không đơn giản và khó thể giải quyết theo thông lệ với nguyên tắc thị trường để kéo mặt bằng lãi suất xuống và để tự NHTM xử lý nợ. Bởi nợ xấu theo tính toán của NHNN là trên 200.000 tỉ đồng. Số tiền này không sinh lời nhưng NHTM phải kiếm đủ khoản tiền tương đương để trả, vì người gửi có thể rút tiền bất cứ lúc nào. Điều này cho thấy thanh khoản thực sự của nhiều NHTM là rất khó khăn.
Sau nữa, lãi vay từ nợ xấu không thu được đồng nào nhưng phải trả lãi cho tiền gửi huy động từng vượt trần trước đó (13 – 14%/năm), làm sao các NHTM có thể trả được lãi suất ấy nếu không cho vay giá cao hơn, trong khi NHNN lại yêu cầu giảm lãi suất xuống. Trong bối cảnh thị trường bị méo mó vì nợ xấu như vậy, không thể sử dụng công cụ thị trường và bao nhiêu tiền bơm ra cũng không đủ. Chính tình thế bất thường này của cuộc sống đã đặt ra vấn đề cần giải quyết cục nợ xấu.
Quyền Chánh thanh tra giám sát NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa xác nhận, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, 84% dư nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản, với giá trị tài sản tương ứng 135% trên tổng nợ xấu. Riêng tài sản đảm bảo/tổng dư nợ xấu về bất động sản khoảng 180%. Đó là chưa tính đến khoản dự phòng rủi ro khoảng 67.300 tỉ đồng, tương ứng tỷ lệ 57,2% trên tổng nợ xấu là 117.000 tỉ đồng. Còn nếu theo tính toán của NHNN, khoản dự phòng rủi ro chiếm tỷ lệ 33% tổng nợ xấu của toàn hệ thống là hơn 202.000 tỉ đồng (tương ứng 8,6% tổng dư nợ).
Phải cần đến Chính phủ?
Đến nay, lộ trình xử lý nợ xấu mới chỉ ở điểm khởi đầu là tìm được bao nhiêu nợ. Trong báo cáo phân tích mới nhất về định mức tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service cho rằng, tỷ lệ và giá trị nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam là rất khó lường. Moody’s nhận định, chất lượng tài sản suy giảm đã xói mòn mức vốn của nhiều ngân hàng, kìm hãm khả năng cấp vốn tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng trong bảy tháng đầu năm vì thế gần như là đi ngang.
Nhưng theo ông Lê Đức Thuý, khi “con tàu” kinh tế đang bị buộc một tảng đá nặng của nợ xấu thì có thể khiến con tàu chậm lại hoặc chìm đi nếu không gỡ bỏ gánh nặng ấy. Nếu tình trạng này kéo dài, nền kinh tế sẽ càng trì trệ. Đưa ra một gói giải cứu, mà hình thức hiện nay đang được bàn đến là công ty mua bán nợ xấu, không đồng nghĩa là cứu riêng một ông chủ ngân hàng hay lợi ích nhóm nào. Giải cứu nợ xấu, trước nhất là để đảm bảo sự vận hành cho bộ máy nền kinh tế và hạn chế tổn thất cho doanh nghiệp.
Về nguyên tắc, nợ xấu của ngân hàng là nguy cơ của nền kinh tế và khi nó đã lớn đến mức tự các NHTM không xử lý được thì Nhà nước phải can thiệp. Trong báo cáo trên, Moody’s cho rằng, chi phí để giải quyết khối nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ là lớn. Vì vậy, chính sách phải chọn lựa: chịu đau và trả một giá nhất định để xử lý nợ xấu; hay để ngân hàng tự xử.
Nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính Lê Xuân Nghĩa phân tích: Với việc xử lý nợ xấu bằng quỹ dự phòng rủi ro, khoảng dự phòng đã rõ là 67.300 tỉ đồng, song nợ xấu đến nay vẫn không biết bao nhiêu là chính xác, bởi chuẩn hạch toán giữa các ngân hàng cũng có sự khác biệt. Mặt khác, chúng ta không thể mang toàn bộ quỹ dự phòng đó ra sử dụng hết, bởi khi nợ xấu tiếp tục phát sinh thì lấy gì để xử lý? Còn biện pháp xử lý tài sản đảm bảo thì tiêu tốn của ngân hàng rất nhiều thời gian, công sức, vì liên quan đến hàng loạt quy trình, thủ tục phức tạp, như chuyển đổi sở hữu tài sản thế chấp; định giá, bán ra thị trường; thậm chí nhiều trường hợp phải mang nhau ra toà, xử đi xử lại… Đó là chưa kể, nếu các ngân hàng đồng loạt triển khai, cũng ít nhiều tác động dây chuyền đến thị trường tài sản chuyển đổi.
Bởi vậy, ông Nghĩa cho rằng, sự tham gia của Nhà nước vào quá trình xử lý nợ xấu là cần thiết, từ việc định hướng, hướng dẫn cụ thể cho các NHTM trong sử dụng quỹ dự phòng rủi ro, quy trình xử lý tài sản đến thành lập một định chế tài chính tham gia trực tiếp vào quá trình xử lý nợ xấu. Theo đó, định chế này có thể mua lại nợ xấu của các NHTM, khi đó, xử lý tài sản đảm bảo theo chức năng quy định một cách chuyên nghiệp, bài bản. “Sự tham gia của Nhà nước là nhằm thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn, nghĩa là cái giá phải trả cũng ít hơn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Hồng Sương – Thảo Nguyễn

SGTT.VN

 

 

Bình luận (0)