Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đầu tư ra nước ngoài: đang chờ hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Nhận định về tình hình đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong vài năm tới, cùng với sự đi lên của các doanh nghiệp, các dự án ở nước ngoài được hoàn tất, sự sôi động và hiệu quả của đầu tư nước ngoài sẽ tới.

Theo báo cáo tháng 11/2010 của bộ Kế hoạch và đầu tư, hoạt động ĐTRNN của doanh nghiệp Việt Nam trong những năm sắp tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.

Báo cáo của bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định, ĐTRNN còn giúp các doanh nghiệp tránh các hàng rào bảo hộ thương mại của các nước nhận đầu tư, giải quyết vấn đề việc làm của lao động Việt Nam.
Xu hướng tăng

Ông Phan Hữu Thắng cho hay, ĐTRNN của các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng tăng là điều đáng mừng, cho thấy sự phát triển của nền kinh tế cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lên.

Hiện cả nước có 558 dự án ĐTRNN, tuy nhiên, mới có 300 chủ đầu tư báo cáo tình hình với bộ Kế hoạch và đầu tư. Theo đó, tính đến hết ngày 31/10 năm nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của 300 dự án là 7,562 tỉ USD, trong đó vốn đầu tư thực hiện đạt trên 1,79 tỉ USD, chiếm khoảng 23,7% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Riêng năm 2009 đạt 667,9 triệu USD.
Về cơ cấu ngành nói chung, lĩnh vực khai khoáng (đặc biệt là khảo sát, thăm dò, khai thác dầu khí) có số vốn ĐTRNN lớn nhất, với 87 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 4,05 tỉ USD, chiếm 15% số dự án và 48% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Tiếp đó là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, đặc biệt là trồng cây công nghiệp, có 58 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,16 tỉ USD, chiếm 10% số dự án và 13% tổng vốn ĐTRNN.
Lĩnh vực nghệ thuật giải trí, chiếm gần 13% số dự án và tổng vốn đầu tư chiếm 12,9%. Ngoài ra còn có lĩnh vực khác như sản xuất, phân phối điện, công nghiệp chế biến, chế tạo, thông tin và truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…
Trong các dự án đã triển khai thực hiện, lĩnh vực khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản (bao gồm dầu khí) cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 57% vốn thực hiện và đạt khoảng 27% tổng vốn đăng ký trong lĩnh vực này.
Kế đến là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (gồm cả trồng cây công nghiệp). Vốn thực hiện đạt 196,9 triệu USD; lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đạt 149,5 triệu USD, công nghiệp chế biến và chế tạo đạt 102,7 triệu USD.
Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra 53 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù có mặt ở tất cả các châu lục trên thế giới, nhưng hầu hết các doanh nghiệp tập trung ở các thị trường quen thuộc như Lào, Campuchia, Nga… vốn là những thị trường truyền thống.
Báo cáo của bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định, ĐTRNN còn giúp các doanh nghiệp tránh các hàng rào bảo hộ thương mại của các nước nhận đầu tư, giải quyết vấn đề việc làm của lao động Việt Nam. Hơn thế nữa, giúp tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá, đẩy nhanh tiến trình tự do hoá thương mại và đầu tư.
Đã chuyển lợi nhuận về nước
Chưa tác động lớn đến thiếu hụt ngoại tệ

Trước những lo ngại liệu ĐTRNN có gây “chảy máu” ngoại tệ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thiếu hụt hiện nay, ông Thắng phân tích, Việt Nam có dự án ĐTRNN đầu tiên vào năm 1989, đến nay đã hơn 20 năm và số dự án gia tăng trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên, số vốn đăng ký thì lớn (khoảng 7,05 tỉ USD), nhưng số vốn thực đưa ra ngoài mới đạt trên 25% (gần 1,8 tỉ USD). Việc này cho thấy, ĐTRNN chưa có tác động tới việc thiếu hụt ngoại tệ của Việt Nam thời gian qua.
Ông nói, trong điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững, các kế hoạch phát triển luôn phải đi kèm với các giải pháp đồng bộ. ĐTRNN cũng không nằm ngoài sự chỉ đạo đó, do vậy trong các năm tới ĐTRNN cũng không thể có các tác động xấu tới các cân đối vĩ mô, gây thâm hụt hoặc thiếu ngoại tệ của Việt Nam.

Cũng theo báo cáo nói trên của bộ Kế hoạch và đầu tư, phần lớn các dự án được cấp phép trong giai đoạn 2006 – 2010 nên đang trong quá trình thực hiện. Một số dự án đã đi vào hoạt động, một số doanh nghiệp đã có lợi nhuận và cũng có một số doanh nghiệp chuyển lợi nhuận về nước.

Báo cáo của 300 dự án ĐTRNN cho thấy, doanh thu luỹ kế của các dự án đã đi vào hoạt động đạt 981 triệu USD, lợi nhuận đã chuyển về nước đạt 39 triệu USD.
Vì sao lợi nhuận quá thấp, ông Phan Hữu Thắng lý giải, đầu tư là một quá trình cần thời gian, và trong thực tế ở tất cả các nước đều có độ trễ, tuỳ thuộc vào quy mô của từng dự án, thời gian thực hiện đầu tư cần dài hay ngắn. Ngoài ra, thời gian thực hiện một dự án đầu tư còn phụ thuộc vào môi trường đầu tư tại nước sở tại.
Cụ thể, nhiều lĩnh vực ĐTRNN có đặc thù riêng, như dầu khí cần có thời gian tìm kiếm thăm dò nên không thể ngay sau khi đầu tư là phải có lợi nhuận đem về. Đối với các dự án như vậy cần có độ trễ nhất định. Hiện tại nhiều dự án trong các lĩnh vực viễn thông, thuỷ điện, kể cả đầu khí, trồng cây công nghiệp,… đã triển khai đúng tiến độ cam kết.
Ông Thắng cho biết, số vốn các doanh nghiệp thực sự đầu tư ra nước ngoài, số lợi nhuận chuyển về nước chưa được báo cáo đầy đủ, mới thống kê được 39 triệu USD. Do đó các số liệu hiện tại chưa phản ánh được đầy đủ hiệu quả của việc ĐTRNN.
Hiện là giám đốc trung tâm nghiên cứu đầu tư nước ngoài, đại học Kinh tế, đại học Quốc gia Hà Nội, ông Thắng dự báo, trong thời gian tới cùng với việc hoàn tất đầu tư các dự án lớn tại nước ngoài, các sản phẩm mới sẽ thâm nhập thị trường nước ngoài hiệu quả đầu tư sẽ tới.

Nguồn SGTT

 

Bình luận (0)