Lý giải nguyên nhân lạm phát cao
Sau nhiều năm CPI năm 2010 đã vọt lên hai con số. Tại cuộc họp tổng kết hoạt động Tổ điều hành thị trường trong nước năm 2010, ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê- phân tích: 3 quý đầu năm diễn biến giá cả đúng theo quy luật hàng năm. Giá tiêu dùng cao trong dịp Tết và sau Tết, giảm trong quý 2 và tăng nhẹ trong quý 3. Tuy nhiên, kể từ tháng 9 đến hết năm 2010 giá tiêu dùng bật tăng mạnh không theo quy luật mỗi tháng tăng trên 1%, thậm chí có tháng xấp xỉ 2%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng cuối năm vẫn ở mức cao: xấp xỉ 2%, nâng CPI cả năm 2010 lên 11,75%, vượt xa mức kiềm chế lạm phát Quốc hội đặt ra.
Theo ông Thắng, có nhiều nguyên nhân tác động tăng CPI ngoài dự kiến. Đó là do chính sách điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho khối doanh nghiệp; mưa bão, lũ lụt liên tục và kéo dài tại các tỉnh miền Trung; các DN xuất khẩu gạo tại các tỉnh phía Nam tăng cường thu mua thóc gạo để chế biến hàng xuất khẩu nên đã đẩy giá lương thực những tháng cuối năm tăng khá cao, bình quân từ tháng 8 đến tháng 12, giá gạo tăng trên 3,5%.
Đặc biệt là tác động từ việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ từ cuối quý III/2010; kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội nên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ vui chơi giải trí tăng đã tác động vào giá thực phẩm, giá dịch vụ tăng theo. Giá nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa nông sản trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao, đặc biệt từ quý III cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến giá nhập khẩu nhiều hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, sắt thép, gas, thức ăn chăn nuôi, phân bón…
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Nguyễn Danh Trọng cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây lạm phát cao trong năm 2010, nhưng chủ yếu do cơ cấu kinh tế chưa phù hợp, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao do trình độ công nghệ, năng suất lao động thấp và chi phí trung gian cao. Các sản phẩm chủ lực và xuất khẩu lớn là khoáng sản (dầu mỏ, than) và gia công (dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng điện tử), giá trị gia tăng trong công nghiệp đạt thấp, hàm lượng khoa khọc trong sản phẩm nhỏ. Đặc biệt, hiệu quả sử dụng vốn rất thấp. Mặc dù tỷ lệ đầu tư cho nền kinh tế cao (khoảng 40%GDP) song do năng suất lao động thấp, chi phí trung gian cao, năng lực quản lý kém nên kết quả là hiệu quả đầu tư ngày càng giảm, thể hiện ở chỉ số ICOR tăng nhanh.
Nhưng ông Nguyễn Tiến Thỏa- Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính- khẳng định: Một trong những nguyên nhân nội tại đẩy lạm phát tăng cao có tác động của chính sách tiền tệ. Điều đó thể hiện qua tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng tăng rất chậm trong những tháng đầu năm: 7 tháng đầu năm tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng chỉ tăng xấp xỉ 13%, nhưng 4 tháng sau (tính đến hết tháng 11) đã tăng tương ứng là 22,54% và 26,31%.
Hơn nữa, việc dừng hỗ trợ lãi suất 4% đối với khoản vay ngắn hạn của “gói kích cầu” năm 2009 từ 1/1/2010 thay bằng chính sách cho vay với lãi suất thị trường, cộng với việc các ngân hàng thương mại thu phí của khách hàng vay vốn làm lãi suất vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh cao tới 15- 16%/năm trong nhiều tháng đã đẩy chi phí vốn của doanh nghiệp tăng…
Cung – cầu luôn bảo đảm
Tổ điều hành thị trường trong nước nhận định, năm 2010 được đánh giá là một năm thị trường thế giới và trong nước diễn biến khá phức tạp. Cùng với sự hồi phục khả quan của nền kinh tế (tăng trưởng GDP năm 2010 dự kiến đạt 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra), sức mua trên thị trường cũng gia tăng đáng kể. Thị trường hàng hóa thực sự sôi động, 8 tháng đầu năm thị trường trong nước diễn biến tương đối ổn định, giá cả hàng hóa vận động theo quy luật (tăng cao vào các tháng Tết và thấp ở những tháng sau Tết), cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu luôn được đảm bảo.
Nhưng từ tháng 9, giá nhiều loại hàng hóa bắt đầu có xu hướng tăng mạnh, cung cầu một số loại hàng hóa thiết yếu đã có những lo ngại mất cân đối tại một số thời điểm. Tính đến hết tháng 12/2010, giá lương thực tăng khoảng 10-15%; thực phẩm tăng 15%; giá đường đã tăng 22-23%, phân ure tăng 31-31%; thép xây dựng tăng 25-30%; gas tăng 17-20%.
Trước những hiện tượng này, các bộ, ngành, địa phương cùng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước đã có biện pháp xử lý kịp thời để nhanh chóng ổn định thị trường (như đối với các mặt hàng đường kính, phân bón, xăng dầu…).
Để hạn chế những biến động cảu giá cả hàng hóa thị trường, đảm bảo cho an sinh xã hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực có biện pháp bình ổn thị trường như: đề ra 8 nhóm giải pháp ổn định thị trường trong Nghị quyết 03/NQ-CP ngày 15/1/2010; Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 với nhiều giải pháp cụ thể nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao và đạt tốc độ tăng trưởng 6,5%… Do những nỗ lực đó, xét trên góc độ cả năm, cung cầu hàng hóa vẫn luôn được bảo đảm nhưng mặt bằng hàng hóa đã tăng khá cao.
Năm 2010 được đánh giá là một năm thị trường trong nước tăng trưởng ấn tượng, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 1.561.613 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2009, đây là mức tăng khá cao (cao hơn dự kiến đầu năm). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì vẫn tăng khoảng 14%, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng và tiềm năng của thị trường nội địa.
2011: Khó khống chế CPI ở mức 7%
Ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê- phân tích: Nếu tính CPI bình quân năm 2010 thì chỉ ở mức 9,19% (dưới 2 con số), tuy nhiên CPI sản xuất rất cao, khoảng 12-14%; CPI công nghiệp: 12,6%; CPI xuất khẩu: 10,6%; CPI vận tải: 11,7%. Thông thường CPI sản xuất sẽ tác động đến tăng giá hàng hóa tiêu dùng trong thời gian tới. Vì thế, xu hướng tăng giá nhiều mặt hàng chưa dừng lại, do đó mục tiêu khống chế CPI năm 2011 ở mức 7% như Quốc hội đặt ra là rất khó.
Theo ông Thắng, để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát quý I/2011 và cả năm 2011, các bộ, ngành cần phối hợp với UBND cấp tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, vốn, mạng lưới kinh doanh, bảo đảm cung ứng đủ và ổn định giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, gia cầm; rau, củ, quả; sữa, xi măng, sắt thép… Đồng thời tập trung giữ ổn định giá các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng sẽ giữ được CPI chung ổn định vì các nhóm hàng này chiếm quyền số cao trong “rổ” CPI.
Trên giác độ cơ quan quản lý giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, một trong những giải pháp để kiểm soát lạm phát là, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường, tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế giá thị trường vào thời điểm thích hợp trong năm đối với giá một số hàng hóa, dịch vụ như điện, than, xăng dầu, khí, nước sạch…
Để tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm bảo đảm nguồn cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, tăng cường kiểm soát không để lạm phát tăng cao, Tổ điều hành thị trường trong nước đã đề xuất một số giải pháp:
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách giữ ổn định tỉ giá USD và bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ cho DN nhập khẩu nguyên liệu vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng (xăng dầu, phân bón, phôi thép, thuốc chữa bệnh…), đồng thời có biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất vốn vay, qua đó góp phần bảo đảm sản xuất và giảm giá thành sản phẩm.
Bộ Công Thương bảo đảm cung cấp điện ổn định và liên tục cho các đơn vị sản xuất nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu để không ảnh hưởng tới kế hoạch, sản lượng và hiệu quả sản xuất.
Các bộ, ngành chức năng cần nâng cao hơn nữa công tác dự báo thị trường giá cả trong và ngoài nước. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nhất là đối với các mặt hàng quan trọng như dầu thô, xăng dầu, thép xây dựng, lương thực, thực phẩm… cố gắng dự báo sớm những dấu hiệu và xu hướng để chủ động có các giải pháp can thiệp kịp thời.
Triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất và phân phối các mặt hàng thiết yếu đã được phê duyệt (lúa gạo, sắt thép, phân bón, xi măng, thuốc chữa bệnh) nhằm giảm chi phí lưu thông, chi phí bán hàng góp phần ổn định thị trường…
Bình luận (0)