Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường ngoại tệ: Yên tâm

Tạp Chí Giáo Dục

Trong một tháng trở lại đây, tỷ giá USD và lãi suất huy động USD dù tăng không mạnh nhưng liên tục được điều chỉnh khiến nhiều người lo ngại về viễn cảnh thị trường ngoại tệ cuối năm.
Tuy nhiên, khi tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia về hiện tượng tỷ giá tăng trong vài ngày gần đây, tất cả đều cho rằng, đây là mức tăng nhẹ, không có gì đột biến đến mức lo ngại. Thậm chí, đối với nhiều doanh nghiệp, xu hướng này còn có tác dụng tốt cho xuất khẩu cuối năm.
Tỷ giá USD: Tăng không đáng kể
Trong khi hệ thống ngân hàng (NH) không có điều chỉnh gì về tỷ giá, thì tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do nhích lên khoảng 50 – 70 VND/USD so với cuối tháng trước. Những lần điều chỉnh này dù không nhiều nhưng có tác dụng giúp giao dịch trên thị trường trở nên sôi động hẳn. Người mua bán khá tấp nập tại các đại lý thu đổi trên thị trường tự do.

Giao dịch tại NH Maritime – Ảnh Quý Hòa

Bên cạnh đó, nhiều người có xu hướng mua gom USD và chờ thời cơ kiếm chênh lệch. Tuy nhiên, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, những biến động tỷ giá vừa qua không phải do khan hiếm USD mà do giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới trong những ngày cuối tháng Sáu và đầu tháng Bảy nên khó tránh được vàng lậu vào thị trường Việt Nam. Một khi nhu cầu ngoại tệ để nhập vàng tăng thì tỷ giá từ đó cũng tăng theo.

Trên cơ sở đó, ông Minh khẳng định, khả năng tỷ giá hối đoái sẽ ổn định trong những tháng tới nhờ sự điều hành linh hoạt của NHNN. Bằng chứng trước mắt là thanh khoản ngoại tệ NH (kể cả từ hoạt động mua bán ngoại tệ và thanh khoản của hoạt động huy động và cho vay bằng ngoại tệ) đều đang ở trạng thái tương đối tốt. Trong đó, đối với thanh khoản của hoạt động mua bán ngoại tệ, từ tháng Ba đến nay không còn là mối lo ngại của các ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, thị trường ngoại tệ đang trong trạng thái dư cung và NHTM tăng cường bán ngoại tệ cho NHNN. Đối với thanh khoản của hoạt động huy động và cho vay bằng ngoại tệ, chỉ tính riêng ngoại tệ dư thừa đã được các NHTM thực hiện giao dịch hoán đổi với NHNN là khoảng 600 triệu USD. Điều này cho thấy, nguồn ngoại tệ nhàn rỗi của các NHTM tương đối dồi dào.
Lãi suất huy động USD: Tăng không mạnh
Đồng hành với đà tăng của tỷ giá, từ trung tuần tháng Sáu đến nay, lãi suất huy động USD có sự gia tăng nhanh chóng. Nếu trước đó, lãi suất huy động USD những mức cao chỉ phổ biến quanh mức 4,5%/năm, thì nay nhiều NH đã tiếp cận mốc 5%/năm, một số thành viên đã nâng lên tới 5,25 – 5,5%/năm.
“Dù nhiều NHTM đang điều chỉnh tăng lãi suất huy động USD, nhưng mức tăng sẽ không thể cao quá vì còn phụ thuộc vào nhu cầu xin vay của khách hàng – có thể không cao do kinh tế đang mới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục” – ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối NHNN khẳng định.

Theo các NH, sau một thời gian khá dài mức tăng dư nợ cho vay ngoại tệ của các NHTM hoặc không tăng/hoặc giảm, nhu cầu vay USD đã có xu hướng tăng trở lại. Đó cũng là lý do khiến lãi suất USD được điều chỉnh tăng trở lại dù mức tăng không nhiều. Chẳng hạn, SHB điều chỉnh lãi suất tiết kiệm bậc thang theo số tiền ở các kỳ hạn tăng từ 0,1 – 0,2%; LienVietBank công bố lãi suất của trái phiếu ghi danh ngắn hạn bằng USD, cao nhất là 5,15%/năm…

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang gây nhiều lo ngại. Đó là ước tính trong tháng Sáu đầu năm, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã tăng tới 27,5% so với tháng 12/2009. Trong khi đó, huy động vốn USD chỉ tăng 3,09%. Nếu chênh lệch quá lớn này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định và khả năng cân đối vốn trong hoạt động của các NHTM.
Tuy nhiên, trả lời báo giới mới đây, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối NHNN khẳng định, dù nhiều NHTM đang điều chỉnh tăng lãi suất huy động USD, nhưng mức tăng sẽ không thể cao quá vì còn phụ thuộc vào nhu cầu xin vay của khách hàng (có thể không cao do kinh tế đang mới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục). Ngoài ra, với hạn mức tín dụng của năm 2009 đến nay NHNN vẫn công bố là 25 – 27%, thì tăng dư nợ cho vay ngoại tệ sẽ còn phải phụ thuộc vào chỉ tiêu này. Các NHTM vừa huy động ngoại tệ, vừa nghe ngóng vì rất có thể huy động được mà không thể cho vay tăng tương ứng, do đụng trần mức tăng trưởng tín dụng.
Huy động USD tăng cũng sẽ có lợi cho nền kinh tế vì sẽ khơi thông nguồn vốn USD của dân cư. Tình trạng dùng ngoại tệ thanh toán vẫn còn khá phổ biến, nhất là trong cao giao dịch mua vàng, đá quý hay nhà đất. Trong khi đó, tâm lý người dân vẫn chưa tin tưởng vào việc gửi USD cho NH sẽ lấy ra được dễ dàng trong giai đoạn NHTM thiếu trầm trọng USD bán cho các doanh nghiệp.
Vì vậy, lượng USD tồn trữ dưới dạng tiền mặt là không hề nhỏ, nên nếu lãi suất quá thấp, không kích thích người dân gửi tiền, họ chấp nhận để tiền trong tủ hơn là gửi cho NH.
QUỲNH CHI / DNSG
 


Bình luận (0)