Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Du lịch Tết: Sôi động do nghỉ dài ngày-Bài 1: Du lịch nội địa rậm rịch tăng giá

Tạp Chí Giáo Dục

Tết là mùa du lịch cao điểm thứ hai trong năm (hè là cao điểm nhất), nhưng năm nay do Tết Dương lịch và âm lịch gần nhau nên sự sôi động tập trung vào Tết Âm lịch do nghỉ dài ngày.
Từ Noel (24/12/2011 đến hết tháng 2/2012), doanh nghiệp lữ hành sẽ tất bật với các chương trình du lịch vui chơi kết hợp mua sắm, tâm linh. Dự kiến lượt khách có sự tăng trưởng từ 20- 30% so với cùng kỳ năm trước.
Bài 1: Du lịch nội địa rậm rịch tăng giá
Cùng với du lịch nước ngoài, du lịch nội địa cũng đang tăng nhiệt nhưng đi kèm với đó là tình trạng tăng giá. Điệp khúc này diễn ra thành quy luật từ nhiều năm nay do nhu cầu tăng dồn mạnh vào một thời điểm. Bên cạnh đó, giá tour còn bị áp lực do giá vé và lệ phí tại nhiều điểm danh lam thắng cảnh như vịnh Hạ Long, Sa Pa, Văn Miếu, Chùa Hương… đã có thông báo tăng giá.
Các điểm du lịch truyền thống hút khách
Đi du lịch dịp Tết đã trở thành thói quen của nhiều gia đình có thu nhập khá. Ngoài dịp hè, đây là dịp mọi người trong gia đình đoàn tụ, có thời gian đi cùng nhau và muốn nghỉ ngơi sau một năm làm việc. Sẽ có 2 luồng dịch chuyển chính của du lịch nội địa có mua tour các đơn vị lữ hành gồm đi từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. 
Múa Chăm tại Tháp bà Ponaga (Nha Trang – Khánh Hòa) hấp dẫn du khách.
Chị Thu Hoài (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Dịp Tết Âm lịch, thời tiết có thể lạnh, tôi muốn đến nơi ấm áp và sôi động để cả nhà vui chơi. Tôi sẽ xem giá cả, điều kiện dịch vụ để chọn tour. Nếu đi du lịch, đương nhiên các điểm đến sẽ chọn từ Đà Nẵng trở vào”. Đó cũng là tâm lý chung của du khách khi chọn tour của người dân miền Bắc. Tuy nhiên với nhiều người miền Bắc, thường họ sẽ khởi hành từ ngày mùng 2 Tết, còn mùng 1 vẫn phải ở nhà cúng lễ gia tiên. Với mong muốn đón Tết để ngắm ánh nắng phương Nam, các điểm Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu… vẫn được nhiều gia đình phía Bắc lựa chọn.
Trong khi đó, với người miền Nam, họ có thể khởi hành luôn từ trước Tết và điểm đến chính là Hà Nội với cái Tết se lạnh. Điểm đến trên các hành trình tour ngoài Bắc dịp Tết sẽ là Hà Nội – Yên Tử – Hạ Long – Chùa Hương – Đền Hùng – Sa Pa.
Theo các doanh nghiệp lữ hành, lượng khách đăng ký tour đang tăng khoảng 7-10% so với năm ngoái, khả năng sẽ tăng mạnh vào giáp Tết vì nhiều du khách Việt thường có tâm lý đặt tour muộn. “Tăng đáng kể nhất là giá vé máy bay do tuyến nội địa cũng bị áp lực vận chuyển khách dịp Tết. Giá vé tăng khoảng 20 – 30% do không thể đặt được vé hạng thấp”, ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Hanoi Redtour cho biết, “giá tour đơn vị này bán ra tăng khoảng 15% so với ngày thường”.
Bên cạnh tour sử dụng đường hàng không, với những tour cự ly trung bình, các hãng lữ hành tung ra nhiều gói tour đường bộ, như khám phá Đông Bắc, Tây Bắc, Quảng Bình… Ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, tour đường bộ có mức giá không tăng so với ngày thường do dịch vụ những nơi này không căng thẳng vào dịp cao điểm và không chịu cảnh quá tải như máy bay. Tuy nhiên, sau Tết, khi nhu cầu du lịch tâm linh tăng mạnh thì giá thuê xe sẽ tăng cao.
Mua tour dịp này, để tránh mua “bực mình”, du khách nên xem kỹ các điều kiện dịch vụ bởi trên mạng đã xuất hiện nhiều chiêu quảng cáo, đi tour giảm giá 20-30% so với các đơn vị khác. Nhưng thời điểm nhu cầu cao hơn cung, giá giảm đồng nghĩa với việc cắt giảm dịch vụ và chất lượng phục vụ.
Du lịch “phượt”
Bên cạnh sự sôi động việc mua tour qua công ty du lịch, trên các diễn đàn du lịch cũng nhộn nhịp rủ nhau đi "phượt" đến các vùng hoang sơ, hùng vĩ để trải nghiệm không khí xuân về trên mọi miền. Đó là vùng Tây Bắc khi chinh phục “tứ đại đèo”, Tây Nguyên bạt ngàn lộng gió hoặc đi xuyên Việt để khám phá sự khác biệt đón Tết ở 3 miền… Thành viên Hùng lala chia sẻ: “Dịp Tết âm lịch là thời điểm lý tưởng khám phá vùng cao bởi thời tiết đẹp, dọc đường đi là hình ảnh trắng rừng hoa mận, hoa mơ, rực rỡ hoa đào. Ngắm núi đá hùng vĩ thì lên cao nguyên đá Hà Giang. Chinh phục đỉnh đèo cao nhất Việt Nam thì lên Ô Quy Hồ. Ngắm biển xanh cát trắng và ra đảo thì vào miền Trung”… Không chỉ du lịch trong nước, nhiều nhóm “phượt” còn rủ nhau đi tham quan tại các nước láng giềng trong khu vực như tại Lào, đông bắc Thái Lan, Campuchia. Một lịch trình đưa ra, ngay sau đó được rất nhiều thành viên hưởng ứng, chia sẻ kinh nghiệm.
“Phượt là một nhu cầu du lịch theo nhóm những người bạn cùng sở thích đến những địa điểm trong và ngoài nước nhằm thỏa mãn một mục tiêu giải trí, khám phá… “Phượt” mùa xuân cũng là ý tưởng hay khi các bạn khám phá những điểm đến mới tại miền Bắc, miền Trung và Nam bộ. Quan trọng nhất là phải có kế hoạch chuẩn bị chu đáo về sức khỏe, hiểu về lộ trình đi và xem xét trước các dịch vụ tránh tình trạng “ngủ bụi” thường xuyên do thiếu dịch vụ”, anh Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Vietravel cho hay.
Còn anh Lại Văn Quân, một thành viên của nhóm “phượt” H+ nói: Dịp Tết thường đông vui, nhộn nhịp nhất và có nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội. Phượt dịp này không chỉ để thử thách với những vùng đất hoang sơ mà còn là dịp để trải nghiệm những sắc màu văn hóa, hoà mình với cuộc sống đồng bào, chia sẻ với những khó khăn và chung vui với những sự no ấm khi xuân về. Đó là sự khác biệt của “phượt” mùa xuân so với những thời gian “phượt” khác trong năm.

Theo Xuân Cường
(baotintuc)

Bình luận (0)