Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Báu vật giữa cao nguyên

Tạp Chí Giáo Dục

Thác Bản Vặt (thuộc xã Mường Sang, Mộc Châu, Sơn La) được biết đến như một địa danh gắn liền với lịch sử cư trú từ xa xưa của tộc người Thái. Nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét nguyên sơ do thiên nhiên ban tặng.

Từ Hà Nội, vượt qua cung đường 6 đèo dốc với đầy sương mù và gió, chúng tôi đặt chân đến thác nước Bản Vặt, nằm bên đường đi thành phố Sơn La. Hành trình tìm đường đến thác khó hơn tôi tưởng bởi sau nửa ngày dò hỏi về cái tên thác Dải Yếm (như dân phượt vẫn gọi) mà không ai biết. Thì ra, cái tên thác Dải Yếm hay thác Nàng là do người Kinh ví von vẻ đẹp của thác nước như xuân sắc của người con gái tuổi trăng tròn, còn người dân địa phương vẫn quen gọi là thác Thái Hưng hay thác Bản Vặt – được hiểu theo ý nghĩa là nơi định cư, lập nghiệp của người Thái.

 
Một góc thơ mộng của thác nước Bản Vặt
Ấn tượng về nơi này là một khung cảnh hoang sơ, u tịch và huyền bí đến mê mẩn lòng người. Giữa rừng cây xanh thẳm, cao lênh khênh như đùa giỡn với đất trời là một thác nước hai tầng ngày đêm đổ nước trắng xóa. Mới đặt chân xuống bậc thang dẫn tới thác đã nghe thấy bản giao hưởng của miền sơn cước với những tiếng ầm ầm, xì xèo của dòng nước đổ hòa lẫn với tiếng chim hót, vượn kêu, gợi về quá khứ của thuở khai thiên lập địa.
Chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá bằng điểm khởi nguồn của dòng suối Vặt là hai khe nước Bó Co Lắm và Bo Tá Cháu, chảy từ hang đá ở địa đầu bản Vặt, một bản của dân tộc Thái có lịch sử lâu đời nhất ở vùng đất này. Lạ lẫm là nước từ trong núi đá vôi đùn lên, tạo thành suối Vặt, chảy về đến thác và hòa vào dòng chảy của suối Bó Sập – bắt nguồn từ Bản Bó Sập giáp biên giới Việt Lào. Dưới lòng suối Bó Sập là hàng ngàn viên đá, tảng đá có hình dáng lạ mắt. Vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 9 thì toàn bộ 70m chiều rộng thác nước này là một màn nước trắng xóa chẳng kém thác Pongour ở Đà Lạt. Thác nước thứ hai, cách thác nước thứ nhất 150m về phía dưới tuy nhỏ hơn và chỉ có một dòng chảy từ độ cao 50m xuống triền đá phía dưới, nhưng đỉnh thác lại sở hữu những thảm thực vật vô cùng phong phú. Từ đây có thể đứng ngắm những cây hoa ban đang lấm tấm bung nở trên những quả đồi trọc  hay những đồi mận thay lá xanh rờn.
Chỉ tiếc, thời gian không có nhiều để chúng tôi khám phá hết những câu chuyện huyền bí về thác nước và truyền thuyết về Bản Vặt. Chiều về, mây trắng và gió lạnh lại phủ ngút ngàn thị trấn Mộc Châu. Xe chúng tôi nhè nhẹ lướt trên con đường nhỏ của xã Mường Sang, bỏ lại sau lưng một “báu vật giữa vùng cao” với biết bao bí ẩn và nuối tiếc…
Bài & ảnh: Thanh Nhàn / TNO

 

Bình luận (0)