Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Di tích Bác Hồ tại ATK Việt Bắc – Thái Nguyên: Kết nối không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Tạp Chí Giáo Dục

Là “Thủ đô gió ngàn” của dân tộc ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 47 điểm di tích gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để phát huy giá trị di sản to lớn này, Thái Nguyên đang chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của ATK Định Hóa. Đó là “Kết nối không gian văn hóa Hồ Chí Minh” để nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Toàn cảnh Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De.
 
Nơi in đậm dấu ấn lịch sử và hình ảnh Bác Hồ
Sau khi ra lời kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến, quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp tái xâm lược (19-12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ rời Hà Nội chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc, bao gồm các huyện: Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn (Tuyên Quang); các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) và Chợ Đồn (Bắc Kạn).
Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Thái Nguyên có tới 61 địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có những di tích đặc biệt quan trọng – nơi ghi lại những dấu ấn lịch sử của dân tộc ta như: Di tích đồi Khau Tý, nơi Bác Hồ từng ở, làm việc từ 20-5 đến 10-11-1947 và tại đây, Người đã chủ trì hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phá tan cuộc tấn công mùa đông năm 1947 của giặc Pháp đánh lên căn cứ địa Việt Bắc; di tích Trại thiếu nhi ở xóm Nà Lọm, xã Phú Đình, nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi Thi đua ái quốc và cũng là nơi Người chủ trì lễ phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội ta, trong đó có cấp hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp…; di tích đồi Tỉn Keo, xóm Nà Lọm, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc nhiều lần, trong đó có sự kiện, ngày 6-12-1953, Người đã chủ trì hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Những địa điểm mà Bác Hồ đã chọn để ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại Thái Nguyên là những nơi “gần dân mà không gần đường”, “trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta chơi” như lời Người khẳng định.
Theo TS. Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thái Nguyên là một trong số ít tỉnh ở nước ta có số lượng lớn di sản văn hóa về Bác Hồ. Đây là nguồn “tài nguyên di sản văn hóa” vô giá mà nếu được khai thác tốt sẽ trở thành một trong những động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho vùng căn cứ kháng chiến xưa.
Mỗi di tích là một câu chuyện về Người
Trở lại ATK Định Hóa vào đúng dịp kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi đã đến tham quan một số di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vùng căn cứ cách mạng này.
Men theo con đường rừng uốn lượn quanh co, chúng tôi đến chỗ cây đa ngót trăm tuổi ngay dưới chân núi Hồng thuộc địa phận xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình. Với vòng thân 6-7 người ôm, cao gần 30m và tán lá xòe rộng khoảng 35m, cây đa Khuôn Tát mà người dân bản địa vẫn thường gọi là “Cây đa Bác Hồ” sừng sững đứng đó như một chứng nhân lịch sử còn ghi lại bao dấu ấn của Bác Hồ từng ở nơi đây. Vào những năm 1947-1948, trên bãi đất khá bằng phẳng dưới tán đa rợp bóng, những giờ nghỉ buổi chiều, Bác Hồ cùng mấy anh em chiến sĩ bảo vệ, giúp việc thường chơi bóng chuyền hay tập võ Thái cực quyền để rèn luyện sức khỏe.
Tiếp tục bám theo con đường nhỏ quanh co đã được “xi măng hóa”, chúng tôi lên thăm khu di tích Bác Hồ tại đồi Khau Tý. Nằm giữa rừng đại ngàn rợp bóng, lán ở và làm việc của Bác là ngôi nhà sàn nhỏ nhắn, đơn sơ với mái lợp cọ, cột gỗ, vách bằng nứa, có sàn và cửa sổ thông thoáng. Tại nơi đây, Người đã sáng tác bài thơ “Cảnh khuya” nổi tiếng và khởi thảo hai tác phẩm chính luận “Sửa đổi lối làm việc”“Đời sống mới”– những cẩm nang bổ ích của người cách mạng.
Rời đồi Khau Tý, theo con đường độc đạo xuyên qua rừng, chúng tôi đến tham quan di tích lán Bác Hồ tại đồi Tỉn Keo. Tại đây, ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngôi nhà lán đơn sơ vẫn còn đó một bộ bàn ghế mộc mạc. Chị Ma Thị Bắc trong bộ áo truyền thống của dân tộc Tày, nhân viên hướng dẫn du lịch của Ban quản lý di tích lịch sử – sinh thái ATK Định Hóa, vui vẻ giới thiệu:
– Trên tường lán treo tấm hình Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị thông qua phương án tác chiến của Tổng quân ủy – Bộ tổng tư lệnh trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Trước ngôi nhà còn một cây dâm bụt Bác Hồ trồng năm xưa. Qua hơn nửa thế kỷ, nhờ cháu con giữ gìn, chăm chút, cây dâm bụt của Bác đến nay vẫn phát triển tươi tốt. Đây là một trong những điểm di tích Bác Hồ thu hút khách đến tham quan nhiều nhất.
Du khách đến tham quan di tích Bác Hồ làm việc tại lán Khuôn Tát trong quần thể di tích lịch sử-sinh thái ATK Định Hóa.
 
Kết nối không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Được xác định là một trong những quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, những năm gần đây, ATK Định Hóa đã được Chính phủ, UBND tỉnh Thái Nguyên quan tâm đầu tư phục hồi, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có các điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau 10 năm triển khai xây dựng, đến nay, nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng du lịch trong ATK Định Hóa được đưa vào sử dụng như: Nhà trưng bày ATK; trung tâm dịch vụ du lịch; sân lễ hội ATK; hệ thống giao thông nội bộ khu di tích; hệ thống điện, nước phục vụ sinh hoạt…
Đối với các di tích Bác Hồ, tỉnh Thái Nguyên tập trung vào 4 điểm di tích đã được xếp hạng quốc gia (gồm các điểm Khau Tý, Tỉn Keo, Khuôn Tát, đồi Phong Tướng) để hoàn thành một số hạng mục quan trọng như: Phục hồi các lán ở và làm việc, lán hội họp, lán bảo vệ, bếp ăn, sân thể thao, nhà đón tiếp, khuôn viên, đường bộ hành vào di tích, nhà bia ghi dấu sự kiện… Cách đây hơn 4 năm, được sự giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành và đưa vào sử dụng công trình “Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” trên đỉnh đèo De lịch sử.
Chúng tôi được biết, đến nay phần lớn các di tích Bác Hồ ở ATK Định Hóa đã và đang được phục hồi, tôn tạo. Nhưng điều quan trọng nhất là làm thế nào để các điểm di tích này ngày càng hấp dẫn du khách?
Giải đáp băn khoăn này, Trưởng ban Quản lý khu di tích lịch sử – sinh thái ATK Định Hóa, Thạc sĩ Đồng Khắc Thọ cho biết:
– Cùng với việc quảng bá, tuyên truyền, tạo dựng hình ảnh điểm đến, Ban quản lý đang tập trung, nghiên cứu xây dựng các tua du lịch theo tuyến gắn kết các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên với “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Các tua đó là: Tuyến Đại Từ thăm các di tích Bác Hồ tại các xã Hà Thượng, Phú Xuyên, Kỳ Khôi, Bản Ngoại, Tiên Hội, Phục Linh, La Bằng, Hùng Sơn kết nối với khu du lịch sinh thái hồ Núi Cốc; tuyến Phú Lương – Định Hóa thăm các di tích Bác Hồ ở các địa danh lịch sử như Khau Tý, Khuôn Tát, Nà Lọm, Tỉn Keo; tuyến Võ Nhai thăm khu di tích Làng Vang – khu di tích khảo cổ Thần Sa – khu rừng Khuôn Mánh – thắng cảnh Phượng Hoàng – thác Mưa Rơi – suối Tiên Linh Sơn…
Theo chúng tôi, việc kết nối các tua du lịch như vậy là cần thiết. Nhưng để khơi dậy và phát huy những giá trị lịch sử – văn hóa từ các điểm di tích Hồ Chí Minh ở vùng ATK Định Hóa, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư, hoàn thiện tôn tạo, tu bổ các di tích, địa phương cần chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn liền với cuộc sống, lao động sản xuất và truyền thống văn hóa của người dân bản địa. Các sản phẩm như: Rượu ngọt, chè tươi, trám bùi, măng mai, hoa chuối đỏ tươi… từng đi vào thơ ca của Bác Hồ, của Tố Hữu là những “đặc sản” mà địa phương có thể tận dụng khai thác để phục vụ du khách
Theo Nguyễn Văn Hải
(QĐND)

Bình luận (0)