Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Sắc thu bên vườn Luxembourg

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em ôi buốt giá từ tâm

(Trích từ bài thơ Mùa thu Paris của Cung Trầm Tưởng)

Vườn Luxembourg trở nên quen thuộc với người Việt kể từ khi bài Mùa thu Paris của nhà thơ Cung Trầm Tưởng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc giữa những năm 1960. Ai mang trong mình một chút "hồn nghệ sĩ " thì vườn Luxembourg là nơi lý tưởng cho cảm xúc thăng hoa, nhất là mỗi độ thu về.

Lâu đài Luxembourg

 

Lâu đài, hàng hoa và thảm cỏ xanh mướt

Mang tên vị chủ nhân đầu tiên, hầu tước Piney Luxembourg, nơi đây được xem là công viên đẹp và lãng mạn bậc nhất thành Paris hoa lệ. Trong khuôn viên rộng lớn 23 hecta là những con đường rợp bóng lá vàng, là thảm cỏ xanh mướt, là những vệ hoa đầy màu sắc và cả một lâu đài nguy nga tráng lệ.

Tòa lâu đài xây dựng hồi đầu thế kỷ 17, theo yêu cầu của hoàng hậu Marie de Medecis, mô phỏng kiến trúc của lâu đài Pitti ở Florence quê hương bà. Thăng trầm cùng lịch sử nước Pháp, khu vườn qua nhiều lần thay tên đổi chủ và hiện giờ thuộc quyền quản lý của thượng nghị viện, còn lâu đài ngày xưa của hoàng hậu gốc Ý trở thành nơi hội họp của họ.

Đẹp như công viên Versailles

Một góc vườn đầy màu sắc

Giống như thành phố Paris, khu vườn được quy hoạch thật hoàn hảo và đẹp đến từng chi tiết. Mỗi con đường, mỗi hàng cây, mỗi bức tượng đều mang đến cho ta sự ngạc nhiên thú vị khi khám phá. Chính nét đẹp mê hồn và khung cảnh lãng mạn dẫn lối giới văn nghệ sĩ đến đây, và rồi đến lượt họ lại đưa nét đẹp ấy vào văn thơ nhạc họa.

Ngoài hơn 100 bức tượng vinh danh văn nghệ sĩ được đặt rải rác khắp nơi, chúng ta còn bắt gặp loạt tượng của hoàng hậu Medecis, người xây dựng lâu đài Luxembourg, được vua Louis Philippe dựng lên từ thế kỷ 19. Một tuyệt tác khác, nguyên mẫu của Nữ thần Tự do, tạc bởi nhà điêu khắc Bartholdi, được đặt ở phía đường Guynemer.

Tượng Nữ thần Tự do

Ngày trước, một phiên bản khác của bức tượng này được người Pháp tặng cho Hà Nội sau phiên chợ đấu xảo năm 1887. Thật đáng tiếc khi chính phủ Trần Trọng Kim, do không ý thức được nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa văn hóa, đã giật đổ tượng Bà Đầm Xòe (tên gọi bức tượng Nữ thần Tự do của người Hà Nội lúc bấy giờ) vì cho rằng đó là tàn tích của chế độ thực dân.

Tượng Nữ thần Tự do biểu trưng cho ước vọng dân chủ của người Pháp và tình đoàn kết giữa hai dân tộc Pháp – Mỹ. Sau khi Napoleon đệ tam làm đảo chính, đạp đổ nền Cộng hòa đệ nhị và dựng lại chế độ quân chủ, Laboulaye và những người cộng sự của mình đã lên kế hoạch tạc bức tượng Nữ thần Tự do để tặng nhân dân Mỹ, qua đó bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với nền Cộng hòa và hi vọng tái lập chế độ dân chủ trên đất Pháp.

Không dừng lại ở đó, sau sự kiện 11-9, hai chính phủ Pháp-Mỹ cùng xây dựng dãy xích sắt phía trước bức tượng nhằm bày tỏ sự đoàn kết chống khủng bố của hai dân tộc.

Tượng Édouard Branly, cha đẻ của truyền thông không dây

Ở vườn Luxembourg, người ta không quên vinh danh các nhà khoa học, một vị trí trang trọng được dành cho Édouard Branly, nhà vật lý học người Pháp đi tiên phong trong việc tạo ra radio và đặt nền tảng cho truyền thông không dây.

Sắc vàng mùa lá rụng

Mùa thu ở vườn Luxembourg đẹp hơn trong khí trời se lạnh. Tán lá xanh ngả sang vàng, cam và đỏ tía rồi rụng dần xuống tạo nên lớp đệm êm đềm. Ghé thăm vào một chiều thu, ta sẽ hiểu tại sao khu vườn trở thành điểm đến ưa thích của giới văn nghệ sĩ, sinh viên và cả các đôi tình nhân.

Thật không quá lời khi nói rằng khu vườn đẹp đẽ này là nhân chứng của nhiều câu chuyện trong lịch sử cũng như đời sống văn học Pháp. Đó là chuyến đi dạo của Rousseau và Diderot, là sự xuất hiện của các nhân vật trong Những người khốn khổ, là thời trai trẻ miệt mài sáng tác trong vườn của họa sĩ Watteau. Ôi, nhiều lắm, những Baudelaire, Chopin, Banzac… cho đến Lamartine, Sartre, Simon de Beauvoir…, tất cả đều yêu mến nơi này.

Ngày nay, người ta đến đây để đọc sách, để chạy bộ, để phơi mình trong mấy ngày nắng vàng hiếm hoi của Paris, để tán tỉnh nhau và đôi khi là để thả hồn theo gió và thơ thẩn cùng mây. Có gì thi vị hơn khi dõi theo đôi bạn trẻ nắm tay nhau đi dạo dưới tán lá vàng. Có gì quý hơn một cõi riêng yên bình giữa lòng Paris ồn ào náo nhiệt.

Một số hình ảnh khác về vườn Luxembourg:

Hàng cờ của các quốc gia trong Liên minh châu Âu (Pháp đang là chủ tịch luân phiên)

Lâu đài trong nắng vàng một chiều cuối thu

Bên nhau chiều thu

Sành điệu

Những vệ hoa đầy màu sắc ngay giữa mùa thu

HUỲNH QUỐC VŨ (TTO)

 

Bình luận (0)