Một góc quyến rũ ở Thiên Đàng – Ảnh: Trà Sơn |
Hẳn là ông chủ của khu du lịch mới toanh này muốn biến vùng đất bên bờ biển cực đẹp Bình Sơn thành một nơi “vui chơi” đúng như tên gọi của nó.
Thiên nhiên đã ưu ái cho vùng đất này một bờ biển cực đẹp, người dân Bình Thạnh lại bồi đắp thêm cho nó những cánh rừng dương ngút ngàn suốt 30 năm qua. Một bên giáp biển, một bên là rừng nên rất phù hợp cho những chuyến du lịch sinh thái, song vùng đất này vẫn được liệt vào dạng hoang hóa. Chỉ đến khi hình thành Khu Kinh tế Dung Quất, cả một vùng đất hoang sơ ấy mới được đánh thức, cùng lúc đó Thiên Đàng cũng chào đời nằm ngay cạnh địa danh Khe Hai.
Tận dụng những ưu thế của vùng đất này, ông chủ Thiên Đàng gần như giữ nguyên những cánh rừng dương bạt ngàn và lâu đời ở Khe Hai, đồng thời xây dựng thêm một số hạng mục cần thiết. Có rừng, có biển và những tiện nghi đầy đủ, Thiên Đàng đang khẳng định tên tuổi của mình với thế mạnh riêng.
Dự án có diện tích 200 ha, tuy chỉ mới hình thành giai đoạn 1 với 32 ha, cũng đã thấy sự bề thế của một khu du lịch sinh thái.
Anh Phạm Văn Hải, giám đốc khu du lịch Thiên Đàng tự tin nói: “Thiên Đàng không có thế mạnh như Hội An hoặc Đà Nẵng, song chúng tôi có cách đi riêng của mình để thu hút du khách”. Cách “đi riêng” ấy là những điều lạ mắt được ông chủ của khu du lịch tạo dựng trên mảnh đất ấy.
Chẳng hạn như du khách nào muốn “hoài cổ” sẽ được nghỉ trong những ngôi nhà gỗ, giống y ngôi nhà ở quê mà người nông dân miền Trung từng sinh sống từ hàng trăm năm trước, dĩ nhiên các tiện nghi trong nhà thì không phải “đèn dầu nước giếng” như xưa.
Du khách nào khoái món đồ cổ thì có sẵn hai dãy nhà với hàng ngàn hiện vật được sưu tầm rất công phu được bày biện khá bắt mắt.
Từ loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc Điền vùng Vân Nam Trung Quốc đến những bức tượng cổ ở Ai Cập hoặc những biểu tượng linga tận đất nước chùa tháp Campuchia cũng được đưa về đây. Đặc biệt, khu bảo tàng này còn trưng bày gốm Chăm và hàng trăm hiện vật liên quan đến Văn hóa Sa Huỳnh.
Hàng hàng lớp lớp gốm cổ, từ thời Chu Đậu của người Việt ngoài Bắc đến gốm Gò Sành của người Chăm phía Nam được sưu tầm và mang về đây.
Thiên Đàng như trong cổ tích thì hẳn là chưa thể có ở khu nghỉ dưỡng này, song những ai một lần đặt chân đến đây chắc chắn là sẽ quay trở lại.
Trà Sơn (TNO)
Bình luận (0)