Y tế - Văn hóaThư giãn

Tiền tỉ có tìm được tài năng?

Tạp Chí Giáo Dục

Giải thưởng cho quán quân các cuộc thi tìm tài năng trên truyền hình ngày càng tăng, trong đó Ngôi sao Việt đang giữ kỷ lục với tổng giá trị giải thưởng cho ngôi vị cao nhất lên đến 7,5 tỉ đồng.

Quán quân Thần tượng âm nhạc 2012 Ya Suy và quán quân Giọng hát Việt 2012 Hương Tràm được cho là chỉ đăng quang rồi… thôi – Ảnh: Độc Lập 
Một trong những hấp lực khó cưỡng mà cuộc thi Ngôi sao Việt – Lotte VK Pop Super Star (đang tuyển sinh, do VTV3 cùng nhiều đối tác Việt Nam, Hàn Quốc phối hợp sản xuất), chính là giải thưởng với tổng trị giá cho ngôi vị quán quân lên tới 7,5 tỉ đồng, bao gồm chi phí đào tạo tại Hàn Quốc, sản xuất album, MV, ra mắt chính thức với tư cách ca sĩ chuyên nghiệp, tiền mặt (660 triệu đồng). Không chỉ thí sinh đoạt giải nhất, mà cả giải nhì, giải ba đều được ký hợp đồng với công ty đào tạo nghệ sĩ và được tạo điều kiện tham gia những buổi tập huấn với các chuyên gia Hàn Quốc…
Vậy là, sau khi Giọng hát Việt có giải thưởng lên đến 500 triệu, Thần tượng âm nhạc cũng nhỉnh hơn các mùa, là 600 triệu, nay nếu tính riêng tiền mặt của giải thưởng thì Ngôi sao Việt đang dẫn đầu.
Hấp dẫn là vậy, song Ngôi sao Việt liệu có tìm được tài năng thật sự khi chỉ tính riêng trong năm 2013 đã có hàng loạt cuộc săn lùng giọng hát trên toàn quốc: Sao Mai, Tiếng hát truyền hình, Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc… Hơn nữa, mỗi năm diễn ra 4 – 5 cuộc, và với sự “càn quét” như thế thì liệu có đủ tài năng để cung ứng kịp?
Vì thế, cuộc thi nào cũng lại thấy những gương mặt cũ (nhảy qua nhảy về giữa các sân chơi, hoặc thất bại ở những mùa  trước đăng ký thi tiếp mùa sau); thậm chí có giọng hát quen mặt ở các sân khấu ca nhạc cả chục năm rồi, như Trần Vũ Hà My, top 4 Giọng hát Việt 2013. Trong khi thực tế điều mà ai cũng có thể nhận thấy, chẳng bao giờ cuộc thi sau lại tôn vinh gương mặt bị đánh rớt ở chương trình trước. Và cuối cùng, giữa người cũ – có chất và nhân tố mới – thường non nớt hơn, quán quân luôn thuộc về người chưa thật sự có giọng hát tốt nhất.
“Chỉ là cuộc chơi”
“Đâu ai hạn chế sản xuất các chương trình tìm tài năng, cũng không ai cấm các thí sinh không đoạt giải cao cuộc thi trước thi tiếp những cuộc sau, bởi tất

Vấn đề là các bạn tham gia các cuộc thi hát, cần ý thức đây chỉ là sân chơi trên truyền hình. Mà đã là chơi thì giá trị của nó đôi khi cũng là ảo, nên cũng còn tùy thuộc vào sự học hỏi tiếp theo của các bạn

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện

cả các bên đều được lợi. Vấn đề là các bạn tham gia các cuộc thi hát cần ý thức đây chỉ là sân chơi trên truyền hình. Mà đã là chơi thì giá trị của nó đôi khi cũng là ảo, nên cũng còn tùy thuộc vào sự học hỏi tiếp theo của các bạn”, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhìn nhận.
Quả thật, sau nhiều mùa thi, các bầu sô thường than trời khi cát sê của những giọng hát được tâng bốc quá mức trên truyền hình (dù trước đó thù lao của họ chỉ vài trăm ngàn đến một triệu đồng) bỗng nhảy vọt ngất ngưởng. Hét giá, ảo tưởng về khả năng của mình dường như trở thành căn bệnh của không ít thí sinh sau cuộc thi. Nhưng, điều đó sẽ không tồn tại lâu, nếu họ chỉ dựa vào những gì thu gặt được từ sân chơi trên truyền hình để bước tiếp, trong khi những gương mặt mới của những mùa sau, cuộc thi khác không ngừng xuất hiện.
Cũng từng đi thi, và cũng mất thời gian dài “mài sắt” để có được như hôm nay, ca sĩ Đức Tuấn chia sẻ: “Thi hát cũng là cách để tiến thân vào showbiz, nhưng đam mê, máu nghề thôi chưa đủ, mà còn phải chuyên tâm. Vì vài tháng xuất hiện trên truyền hình sẽ mau nhạt nhòa nếu sau đó các bạn không làm gì để duy trì và phát huy lợi thế từ cuộc thi”.
Theo TNO

Bình luận (0)