Y tế - Văn hóaThư giãn

Cúc ơi!

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Cúc ơi! Em ở đâu?

Về với bọn anh

Tắm nước trong Ngàn Phố

Ăn quýt đỏ Sơn Bằng

Chăn trâu cắt cỏ

Bài toán lớp 5 em còn chưa nhớ

Gối còn thêu dở

Cơm chiều chưa ăn

Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang

Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp

Chín bạn quây quần đủ mặt

Nhỏ, Xuân, Hà

Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh

A trưởng Võ Thị Tần điểm danh

Chỉ thiếu mình em

Chín bỏ làm mười răng được!

 

 

Ơ đâu hỡi Cúc?

Đồng đội tìm em

Đũa găm cơm úp

Gọi em

Gào em

Khản cổ cả rồi

Cúc ơi…ời…ơi!

 

 

 

 

 

 

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc

Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần

Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng

Cúc ơi! Em ở đâu?

Đất nâu lạnh lắm

Da em thì xanh

Áo em thì mỏng

 

 

 

 

 

 

 

 

Yến Thanh

Đồng Lộc, 25-7-1968

(Thơ Hà Tĩnh thế kỷ XX)

Lời bình:

Với những “vần thơ lửa cháy” (Tố Hữu) như bài thơ này, ta cần phải từ hơi thở cuộc sống mà hiểu tình cảm thơ chứ không thể đơn thuần tìm trong chữ nghĩa.

 Tư liệu của các chứng nhân lịch sử đã kể rõ về sự hi sinh anh dũng của Tiểu đội TNXP 10 cô gái Đồng Lộc.

4 giờ chiều 24-7-1968, cả tiểu đội vừa ra hiện trường triển khai công việc san lấp hố bom để kịp đêm đến đường thông xe thì một tốp máy bay Mỹ đã ùa đến ném bom. Một quả bom tấn rơi trúng vào đội hình. Tiếng nổ vang trời chát chúa, một quầng lửa khói mịt mù trùm lên tất cả.

Sau 2 tiếng đồng hồ đào bới, đã tìm được thi thể nguyên vẹn của 9 cô trong căn hầm sập. Còn tiểu đội phó Hồ Thị Cúc vẫn chưa tìm thấy. Đưa về làng, xa trận địa, 9 cô được đặt lên 9 cái cáng xếp hàng ngang. Suốt đêm hôm đó và cả ngày hôm sau, vẫn chưa tìm thấy Cúc. Tác giả Yến Thanh (Nguyễn Thanh Bình) lúc bấy giờ là một cán bộ kĩ thuật cầu đường, là bạn chiến đấu, thương xót Cúc hi sinh mà vẫn còn thiệt phận, đã viết bài thơ này. Nghẹn ngào xúc động đọc trước anh linh các cô, anh chỉ coi đây như một bài văn tế gọi hồn, thỉnh cầu Cúc “sống khôn thác thiêng” sớm cho tìm thấy.

Tuy trình độ còn hạn chế nhưng nhờ có năng khiếu thơ mà tác giả vừa đạt được dụng ý tâm linh vừa sáng tạo nên bài thơ độc đáo. Với tâm thành, đối tượng bài viết hướng tới là linh hồn người liệt sĩ. Cái hay là tác giả đã tìm được cách nói phù hợp nhất: những câu dài ngắn không câu nệ, một hệ thống ngôn từ và hình ảnh bình dị, trong sáng, gần gũi và dễ hiểu. Toàn bài không có từ ngữ Hán – Việt hay điển tích khó hiểu thường thấy trong những bài văn khấn, văn cúng dành cho vong linh người đã khuất. Bao trùm, thấm đượm lên tất cả là nghĩa tình đồng đội, là tình bạn chiến đấu cao cả, thiêng liêng: tìm được em về là em vẫn cùng bọn anh chiến đấu. Lời xưng “bọn anh”, lời gọi “Cúc ơi”, “Em” cùng điệp ngữ “ở đâu?”cứ xoáy vào như nỗi đau đớn của những người anh trai đối với em gái, như tình thân máu mủ ruột rà, thương yêu, trân trọng: “Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng”. Lời thơ lại ấm áp như lời ru êm ngọt ngào của mẹ, của quê hương an ủi, vỗ về: “Về với bọn anh. Tắm nước trong Ngàn Phố. Ăn quýt đỏ Sơn Bằng. Chăn trâu cắt cỏ…”.

Khổ thơ cuối là thực tại tuôn trào nước mắt. Những dòng thơ ngắn, rút gọn tối đa, đọc lên như lời nói gấp, như tiếng gọi, tiếng gào khản cổ cuống cuồng, thảng thốt:

“Ơ đâu hỡi Cúc?

Đồng đội tìm em…

Gọi em

Gào em

Khản cổ cả rồi

Cúc ơi…ời…ơi!

Bài thơ đã ra đời trong  máu lửa chiến tranh. Thời ấy quả là “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”. Trong những giờ phút đau thương vì đồng đội ngã xuống, tác giả như xuất thần đã tạo nên một thông điệp tâm linh giàu ý nghĩa. Chỉ biết sáng ngày hôm sau, 26-7-1968, đã tìm thấy Cúc trong một hầm tròn, cách hố bom 20 m, ở tư thế ngồi, đầu đội nón, cái cuốc kề bên, 10 đầu ngón tay bầm ứa máu, chừng như đã bới đất rất lâu để tìm đường thoát.

Có thể xem bài thơ là một câu hát trầm trong khúc ca bi tráng, là một trang huyền thoại trong thiên huyền thoại về ngã ba Đồng Lộc. Nó vẫn luôn phát huy hiệu ứng nghệ thuật: các đoàn khách đến viếng thăm ai cũng lặng đi xúc động mỗi khi nghe các anh chị hướng dẫn viên nghẹn ngào đọc bài thơ. Không phải ngẫu nhiên mà vừa qua có đến 5 nhạc sĩ trong Hội Nhạc sĩ TP.HCM đã xúc động, lấy cảm hứng phổ nhạc bài thơ này.

Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đồng Lộc.

Phạm Văn Chữ (Hà Tĩnh)

 

Bình luận (0)