Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tác hại của bia rượu đối với trẻ vị thành niên

Tạp Chí Giáo Dục

Bia rượu không chỉ tổn hại sức khỏe cho người lớn mà còn là tác nhân gây ra nhiều căn bệnh đối với trẻ vị thành niên. Vì thế người lớn tuyệt đối không tập cho trẻ uống bia rượu và ngăn cản trẻ vị thành niên sớm làm quen với bia rượu.

Nhiều trẻ vị thành niên uống bia tại một điểm ăn uống ở TP.HCM. Ảnh: I.T

Bác sĩ. Lê Thị Hồng Minh – Trưởng khoa Nhi (BV Quân đội 175) cho biết, bia rượu có tác hại khôn lường đối với sức khỏe trẻ vị thành niên, nhất là khi đã trở thành thói quen hàng ngày do thiếu sự kiểm soát của người lớn. 

Hậu quả khôn lường cho cơ thể

BS. Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra những con số giật mình về tỉ lệ uống rượu bia ở trẻ vị thành niên hiện nay. Theo điều tra trên 50 trường của 13 tỉnh/thành phố trên toàn quốc cho thấy, có tới 43,8% học sinh nam trong độ tuổi từ 12 đến 17 uống rượu bia và có tới 37,7% học sinh nữ uống rượu bia. Từ con số này, ông Bảo cảnh báo, hành vi uống rượu đang ngày càng phổ biến ở tuổi vị thành niên và tuổi uống rượu bia đang ngày càng trẻ hóa.

Luật Trẻ em 2016 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua gồm 7 chương với 106 điều trong đó có quy định cụ thể nghiêm cấm hành vi bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.

Theo BS. Minh, một ngụm nhỏ bia hoặc rượu chưa có tác hại ngay lập tức đối với trẻ vị thành niên, nhưng mỗi tuần uống vài ngụm sẽ gây hậu quả khó lường tới các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể con người như hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp và nhất là tới não bộ. Dù không nhiều nhưng trong các loại bia vẫn tồn tại một lượng cồn công nghiệp nhất định. Các loại rượu không rõ nguồn gốc còn có nhiều độc tố hơn các loại bia. Theo BS. Minh, cồn công nghiệp (Methanol) là chất có thể kích thích thần kinh gây hại não của trẻ nhỏ. Đối với người lớn cơ quan não bộ phát triển hoàn thiện thì sự ảnh hưởng chưa đáng kể nhưng đối với trẻ thì cơ quan não bộ chưa phát triển hoàn thiện vì thế não không thể chịu đựng được những tác động xấu khi dung nạp rượu bia. Trẻ ở độ tuổi mới lớn cần được cân bằng về chất dinh dưỡng, nếu uống bia rượu trẻ bị rối loạn tuổi dậy thì và quá trình phát dục không bình thường ảnh hưởng đến chức năng sinh sản trong độ tuổi trưởng thành. “Thường trong bia có chứa 3 đến 5% chất cồn. Điều đó có nghĩa là 100gr bia có chứa 1,5 đến 2,5gr cồn. Vì thế không chỉ ảnh hưởng đến thể xác, uống rượu bia còn ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ vị thành niên. Ngoài giảm trí nhớ bia rượu làm cho trẻ giảm sút trí tuệ, ảnh hưởng tới học tập”. BS. Minh trao đổi.

Không chỉ ảnh hưởng tới não, trẻ em dùng rượu bia sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới các bộ phận khác như cơ quan tiêu hóa, chức năng của gan và thận. Các độc tính của cồn công nghiệp khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành formaldehyde. Sau đó chất này sẽ tiếp tục được oxy hóa thành axitfomic tấn công nhãn cầu, dây thần kinh thị giác và các bộ phận bằng mô mềm như thận và gan.

Suy giảm hệ miễn dịch trẻ

Ai cũng biết các cơ quan của trẻ vị thành niên đều còn non nớt, chưa hoàn thiện không chịu được những chất kích thích mạnh trong đó có bia rượu. Khi trẻ dùng bia, gan phải làm việc nhiều hơn để giải trừ độc tố khiến cho tế bào gan nhanh chóng bị tổn thương. Đối với hệ tiêu hóa, cồn còn kích thích dạ dày tiết ra một lượng lớn dịch toan lâu ngày tiêu hóa kém thậm chí dẫn đến viêm hoặc loét dạ dày. Nguy hại hơn bia còn làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ, phá vỡ rào chắn an toàn cho cơ thể vi trùng, vi khuẩn dễ xâm nhập vào. Các mao mạch sẽ giãn nở sau khi uống bia rượu. Sức tản nhiệt tăng lên khiến trẻ dễ bị cảm và viêm phổi.

“Thường trong bia có chứa 3 đến 5% chất cồn. Điều đó có nghĩa là 100gr bia có chứa 1,5 đến 2,5gr cồn. Vì thế không chỉ ảnh hưởng đến thể xác, uống rượu bia còn ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ vị thành niên . Ngoài giảm trí nhớ bia rượu làm cho trẻ giảm sút trí tuệ, ảnh hưởng tới học tập” (BS. Lê Thị Hồng Minh)

Theo điều tra xã hội học, chứng nghiện rượu của trẻ vị thành niên ngoài thói quen bắt chước người lớn còn có nguyên nhân do cha mẹ người thân “vẽ đường cho hươu chạy”. Có nhiều thiếu niên không thích nếu không nói là sợ rượu bia nhưng đôi khi lại do người lớn tập tành. Lúc đầu chỉ cho uống thử một vài ngụm sau đó quen dần thành nghiện không có lại thấy thèm. Đây là chuyện đã từng xảy ra trong thực tế và rất đáng lo ngại. Khi đã nghiện rượu bia, trẻ sẽ có biểu hiện như người lớn không có không chịu được, thường cảm thấy bứt rứt khó chịu. Vì thế trẻ có thể từ bỏ những thú vui khác để chìm vào bia rượu.

Rõ ràng, rượu bia không phải là đồ uống thông thường, đối với người lớn và trẻ em khi sử dụng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Khi rượu ngấm vào máu sẽ dẫn đến rối loạn hành vi có thể dẫn đến ngộ độc. Nhiều người quan niệm việc cho trẻ nhấm nháp chút rượu là vô hại, đây là một sai lầm. Việc khuyến khích hay bỏ mặc cho con trẻ sớm làm quen với bia rượu sẽ làm tăng nguy cơ nghiện về sau. “Trẻ nhỏ đầy đủ dinh dưỡng để phát triển thể chất và tinh thần. Vì thế, không nên tập cho trẻ uống rượu dù chỉ một lần” – BS. Lâm Văn Cường – BV Nhân dân Gia Định khuyên.

Hương Thủy

Bình luận (0)