Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Rộn ràng “Nhà giáo với ẩm thực 3 miền”

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, cuối tuần qua tại Đầm Sen đã diễn ra Hội thi nấu ăn của cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục TP.HCM. 

Đây là hoạt động do Công đoàn Giáo dục TP.HC.M phối hợp với Công viên Văn hóa Đầm Sen tổ chức hàng năm cùng với các hội thi như: Karaoke tiếng hát giáo viên, Trang trí hoa, Đua thuyền rồng…

Hội thi nấu ăn năm nay có 84 đội tham gia, gồm đầy đủ các cấp học: Mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GDTX, CĐ – TC nghề… và các phòng ban trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM. Với chủ đề “Nhà giáo với ẩm thực 3 miền”, các thầy cô đã mang đến cho hội thi không khí thôn quê gần gũi với những món ăn truyền thống mang nét đặc trưng của các vùng, miền Bắc – Trung – Nam.
Điều đặc biệt và gây chú ý cho những người đến dự không chỉ ở các loại món ăn mà thầy cô còn mang đến cho hội thi những cách trình bày món ăn, cách đặt tên, giới thiệu món ăn; cách trình bày gian hàng, đặt tên cho gian hàng… Tất cả đều rất thú vị, đặc sắc và rất có chủ ý.
Sự gặp nhau của các ý tưởng
Với mong muốn đem đến hội thi những món ăn ngon nhất, đẹp nhất và có ý nghĩa nhất, các thầy cô đã gặp nhau ở những ý tưởng đầy ý nghĩa. Có thể thấy rõ nhất qua gian hàng “Trường Sa triệu tấm lòng” của Sở GD-ĐT TP.HCM đã gây sự chú ý từ cách trang trí cổng chào (mô phỏng đá), đến trang phục (các chiến sĩ hải quân)… nhằm hưởng ứng phong trào “Góp đá xây dựng Trường Sa” mà cả nước đang đồng lòng thực hiện. Theo ông Hồ Hữu Lễ, chuyên viên Sở GD-ĐT, việc trình bày gian hàng nhằm cho thấy tinh thần hướng về Trường Sa của các thầy cô để học sinh noi theo. Đồng thời mong muốn khơi dậy, khích lệ tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc ở mọi người. Cùng chung tấm lòng hướng về biển đảo xa xôi là gian hàng “Hương đồng nội” của thầy cô trường Tiểu học Nguyễn Văn Hưởng (Q.7), mong muốn chung tay góp những viên đá để xây dựng biển đảo quê hương thêm bền vững, các thầy cô đã mang đến hội thi món ăn “Tình của đá” (một loại cooktail trái cây)…
Những cái tên đầy ý nghĩa
Từ cách trình bày gian hàng, cách đặt tên cho gian hàng đến món ăn, các thầy cô đều gửi gắm tình cảm, tâm huyết và dụng ý của mình. Mong muốn tìm về với cội nguồn dân tộc, hầu hết các tên gian hàng của các đơn vị tham gia đều có những ý nghĩa gợi nhớ về quê hương đất nước. Đó là các gian hàng “Hồn Việt” của trường THPT Marie Curie, “Hương quê” của trường THPT Tạ Quang Bửu hướng về sông nước miền Tây. Cùng lấy tên “Hương đồng nội” là hai gian hàng của trường Tiểu học Nguyễn Văn Hưởng (Q.7) và trường PTTH Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Hay gian hàng “Hương Cau” của trường Mầm non Tân Hiệp (huyện Hoóc Môn).
Có những gian hàng chỉ tập chung cho món ăn một miền nhất định thì các trường cũng đặt tên mang đặc trưng riêng cho miền đó. Đó là các gian hàng “Tây Nguyên Quán” của trường THPT Ngô Gia Tự với món “Bún thịt nướng”; “Miền Nam yêu thương” của trường Mầm non 2, (Q.Tân Bình) với món bánh ít trần, bánh bèo; “Hương Giang quán” của trường THPT Bùi Thị Xuân và “Huế thương” của Trung tâm KTTH – HN Lê Thị Hồng Gấm tập trung gợi lên những hình ảnh của Xứ Huế mộng mơ….
Cũng có những gian hàng đặt tên theo những ý nghĩa riêng. “Quán Tý Sửu” của trường Mầm non Rạng Đông 6  (dựa theo phong tục Nam Bộ ngày xưa là đặt tên theo năm sinh, các thầy cô tham gia đều tuổi Tý và tuổi Sửu nên đặt tên như vậy). Hay gian hàng “Quán Lá” của trường THPT Thủ Thiêm vì đơn giản là món ăn thầy cô mang đến đều là các loại bánh lá của ba miền (bánh ít, bánh giò, bánh trưng…). Với tên gọi “Bản sắc” và các món ăn “Hòn gà chọi”, “Vịnh Bái Tử”, gian hàng của trường THPT Lê Thánh Tôn mong muốn gợi lên những hình ảnh quê hương truyền thống.
Món ăn và thơ
Mong muốn làm sinh động thêm cho các món ăn, các thầy cô còn làm thơ cho các món ăn. “Chè sen một chén cực to/ Ăn vào chắc chắn sẽ no cả ngày” (chè sen) và “Bánh bèo, bột lọc giá bèo/ Nhiều đạm, ít bạc, chẳng nghèo vitamin!” (bánh bèo – bột lọc) là những câu thơ của Trung tâm KTTH – HN Lê Thị Hồng Gấm về các món ăn của mình. Hay, “Sống dưới ao đâu gọi thế/ Hành tôm tô điểm nên mâm tròn/ Bánh do bột hấp chín thật trong/ Nhìn thấy tất cả những tôm hành” là những câu thơ mô tả món bánh bèo của trường Mầm non 2 (Q.Tân Bình). Còn với trường THPT Thủ Đức, các thầy cô đã gợi lên những hình ảnh về miền Tây sông nước với hai món ăn “bún mắm” và “chè thưng”: “Ai về sông nước miền Tây/ Mời ăn bún mắm đượm nồng rau quê” (bún mắm); “Bún với mắm thêm hẹn thề/ Chè ngon rau ngọt nhớ hoài quê hương”. Trong khi đó, THCS Lương Đình Của (Q.2) với gian hàng “Miền Nam quán”, các thầy cô đã giới thiệu về món ăn của mình như sau: “Miền Nam bánh đúc, bánh bèo/ Lại thêm ngon ngọt nước dừa đậu xanh/ Đười ươi, hột é mát lành/ Nào mời anh chị ghé vào quán em”.
Không để miêu tả món ăn, nhưng những câu thơ của gian hàng “Ẩm thực về nguồn” của Trường Mầm non Họa Mi 3 (Q.5) lại thật ý nghĩa “Con đò nhỏ, mái đầu xưa/ Con đi tới khắp muôn phương sau này/ Khúc sông ấy vẫn ngày nay/ Thầy xưa những chuyến đò đầy qua sông”.
“Bỗng dưng thèm món bánh tằm/ Nhưng mà loại ngọt làm bằng sắn cơ/ Nhớ hồi xưa, thuở còn thơ/ Ăn hoài mà có bao giờ ngán đâu/ Thơm tho hấp dẫn muôn màu/ Rắc mè y hệt món xưa chứ gì/ Bà con cô bác chờ chi/ Nhanh còn, chậm chạp hết thì tiếc nghen!” – Đó là bài thơ về món Bánh Khoai mì của gian hàng “Miền Nam yêu thương” của trường Mầm non 2 (Q. Tân Bình).
Mỗi gian hàng mà các trường mang đến đều cố gắng tạo khác biệt và hấp dẫn cho riêng mình. Việc làm thơ cho các món ăn cũng là một cách để tạo khác biệt bên cạnh cách trình bày, cách đặt tên. Có thể thơ không hay, không trôi chảy, nhưng nó cho thấy tấm lòng và nhiệt huyết của các thầy cô.
Hội thi đã thu hút không chỉ các thầy cô tham gia mà còn thu hút rất nhiều du khách tham quan trong Công viên Đầm Sen. Các thầy cô đã đem đến nhiều sự bất ngờ cho những người tham dự. Sau khi được ban giám khảo chấm điểm, các gian hàng được phép bán cho những người tham dự. Được biết số tiền thu được qua bán hàng giao lưu sẽ được dùng để ủng hộ giáo viên nghỉ hưu có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau.
Với các thầy cô, có giải hay không không quan trọng, mà quan trọng là mình đã làm được gì, được thể hiện sản phẩm do chính mình làm ra, được vui chơi. Nhưng hơn hết là được bày tỏ tâm tư, tình cảm, quan điểm của bản thân qua các món ăn mang tới tham dự; và được đóng góp phần nào cho những người đồng nghiệp đi trước có hoàn cảnh khó khăn.
Đây thật sự là một sân chơi rất bổ ích cho các thầy cô giáo trên địa bàn thành phố. Nó không chỉ mang đến niềm vui mà còn góp phần cùng xã hội tôn vinh những công lao của “những người đưa đò thầm lặng”.
 

Phùng Duyên

 

 

 

Bình luận (0)