Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhạc phòng trà lên ngôi

Tạp Chí Giáo Dục

Ca sĩ Giao Linh – Thế Anh đang song ca tại phòng trà Tiếng xưa. Ảnh: K.N

Bỏ qua sự nhốn nháo của hiphop, sự lai căng của nhạc pop và ca từ dễ dãi của nhạc teen thì hiện nay, khán giả đang nghe nhiều dòng nhạc trữ tình. Nhiều người gọi đó là nhạc sang, nhạc cao cấp, nhạc salon nhưng tôi gọi đó là nhạc phòng trà. Sở dĩ gọi như thế vì thể loại âm nhạc này được khán giả phòng trà yêu thích, mặc dù nó không ồn ào, ầm ĩ nhưng hiện đang có chỗ đứng rất tốt trên thị trường âm nhạc.

Thời gian qua, trong khi dòng nhạc trẻ đang “đóng băng” thì rất nhiều ca sĩ theo dòng nhạc phòng trà lại liên tục tung ra thị trường album của mình. Không chỉ khán giả trung niên mà nhiều bạn trẻ cũng rất thích. Điều này chứng tỏ rằng khán giả đang dần chuyển gu nghe nhạc…
Ưu điểm của dòng nhạc phòng trà
Có hai dòng nhạc phòng trà, một là các ca khúc nhạc tiền chiến, nhạc vàng; hai là các ca khúc nhạc trữ tình với giai điệu trầm buồn, ca từ đẹp. Các ca sĩ có đẳng cấp hiện nay ra album thuộc dạng hai nhiều hơn. Không phải ca sĩ không yêu thích nhạc tiền chiến mà chẳng qua là sợ những rắc rối của khâu xin giấy phép phát hành. Nhạc trữ tình dễ đi vào lòng người trong một không gian trầm lắng, với những giai điệu du dương, giọng hát ngọt ngào. Chính vì lẽ đó mà nhiều người gọi đó là nhạc phòng trà. Yêu cầu đòi hỏi duy nhất đối với ca sĩ thuộc dòng nhạc này là chất giọng phải tốt, có độ sâu lắng và đặc biệt là khả năng truyền cảm khi hát. Ca sĩ hát phòng trà thường khác với các ca sĩ thị trường, họ không bon chen, ganh đua. Đến giờ là đến hát, không kèo nèo tranh giành trước sau như sân khấu tạp kỹ, càng không có chuyện hát nhép hay nhảy nhót lung tung. Ca sĩ phòng trà rất thả hồn vào ca khúc cùng với ban nhạc. Với tính chất trầm buồn, dễ đi vào lòng người nên album nhạc phòng trà thường không sợ “chết yểu”. Có thể nó không tiêu thụ ồ ạt như nhạc thị trường nhưng sức “chiến đấu” và tuổi thọ của ca khúc rất cao. Khán giả thường không ngại khi bỏ tiền ra mua đĩa gốc của dòng nhạc này về nghe và giữ gìn rất kỹ. Hình thức album của các ngôi sao phòng trà không cần to lớn hay nặng đến nửa ký như quyển lịch, mà cứ đúng theo như tiêu chuẩn quốc tế và chủ yếu là phải sang trọng đúng như tính chất của dòng nhạc này. Khán giả nghe dòng nhạc này thường không quan tâm đến cuộc sống riêng tư của ca sĩ. Cái chính là họ yêu giọng hát ca sĩ và âm nhạc của họ.
Ai là “sao” phòng trà?
Dẫn đầu hiện nay là Mỹ Linh, Hồng Nhung với mật độ khán giả đêm nào cũng đông nghẹt. Nếu Mỹ Linh là chất nhạc sang, hơi lạnh lùng thì Hồng Nhung có vẻ bình dân, biết giới hạn giọng hát của mình đúng chỗ và chiều được khán giả hơn. Thanh Lam thì quá tự tin vào mình nên ít khi chị chiều khán giả hát ca khúc theo yêu cầu mà bản thân chị không thích. Chị thường hát những ca khúc có độ phiêu cao, các đoạn xử lý kỹ thuật của chị rất “phê”, nhưng nghe nhiều thì cũng rất căng thẳng. Một giọng ca được xem là sao của phòng trà nữa là Thu Minh, hát nhiều và hát rất khỏe. Chất giọng cao vút và cực kỳ sang trọng, phong cách rất quyến rũ và tây nên thỏa mãn được dân nghe nhạc phòng trà. Thu Minh là ca sĩ có thâm niên hát nhạc phòng trà, nhưng trước đây chỉ toàn hát nhạc nước ngoài, từ khi chuyển hướng sang nhạc Việt, Thu Minh đã bật sáng. Lớp ca sĩ nam thì Quang Dũng dẫn đầu top, kế đến là Đàm Vĩnh Hưng, Quang Linh, Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn, Lê Hiếu… Nhiều người cho rằng phong cách của Đàm Vĩnh Hưng làm sao thích hợp với phòng trà, nhưng anh đã khiến những “định kiến” đó phải thay đổi. Anh chỉ “xù lông” với các sân khấu lớn, sân khấu ca nhạc thị trường, còn đối với phòng trà anh rất biết tiết chế mình. Không chỉ được thưởng thức giọng hát nồng nàn của anh trong những ca khúc trữ tình, khán giả còn bị anh mê hoặc bởi cái tài dẫn dắt người nghe vào cùng cung bậc cảm thụ với anh. Đi đúng hướng, hàng loạt các album nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình của anh thời gian qua được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Các ca sĩ hải ngoại như Giao Linh, Hương Lan, Đức Huy, Thế Anh, Jimmy Nguyễn, Elvis Phương… cũng tấn công vào “lĩnh địa” này. Dĩ nhiên, những giọng ca vàng này thì lúc nào cũng được khán giả yêu mến. Nhiều người cho rằng, đây là lúc “thiên thời địa lợi nhân hòa” cho dòng nhạc sang phát triển. Điều này quả thật không sai.
NGUYỄN NHẤT HUY

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng cho biết: “Khi dòng nhạc thị trường đang bão hòa thì nhạc phòng trà lên ngôi là điều tất yếu. Nhưng có một điều cũng làm cho người hâm mộ hơi lo là liệu chất thị trường có trở lại “xâm lấn” khi dòng nhạc này trở thành điểm thu hút?!?”

 

Bình luận (0)