Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được các trường học tại TP.HCM đẩy mạnh triển khai trong năm học này đã tác động mạnh mẽ đến chất lượng giáo dục của nhiều nhà trường, hỗ trợ hiệu quả việc đổi mới giáo dục.
Một tiết học về Bác tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nuôi
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bao trùm suốt không gian trường
“Hôm nay, cô khen bạn Minh Anh, bạn Tấn Đạt, bạn Yến Như…, các bạn đã biết giúp đỡ bạn khi chơi, biết giúp cô khi học ngoan” – cô Nguyễn Đỗ Yên Hà (giáo viên lớp Lá 4, Trường Mầm non Thành phố) nói với trẻ khi các con vừa kết thúc một hoạt động vui chơi. Đặc biệt, trẻ được khen sẽ được giáo viên tổ chức ngay dưới góc bé ngoan, dưới khung ảnh Bác Hồ.
Việc khen thưởng trẻ trong ngày gắn với góc bé ngoan là nội dung được Trường Mầm non Thành phố triển khai trong năm học này, gắn với việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học.
“Khi trẻ có các biểu hiện như ăn ngoan, ngủ ngon, đi học đúng giờ, biết giúp đỡ cô, giúp đỡ bạn, sáng tạo trong các góc vui chơi…, bất cứ khi nào trẻ cũng có thể được khen. Làm sao, cuối buổi học trẻ nào cũng đều được khen về những tiến bộ, cố gắng của con trong buổi học, trẻ rất thích, luôn cố gắng ngoan để được cô khen. Đặc biệt, việc thưởng trẻ được phụ huynh rất đồng tình, ủng hộ, phụ huynh tự mình xâu các chuỗi dây khen thưởng để hỗ trợ hoạt động của cô…” – cô Yên Hà chia sẻ.
Khi thực hiện xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở bậc mầm non, ngoài việc tổ chức khen thưởng trẻ dưới góc bé ngoan có ảnh Bác Hồ để trẻ cảm nhận rõ rệt hơn về ý nghĩa của sự khen thưởng, cô Yên Hà còn thường xuyên đưa nội dung kể chuyện Bác Hồ với trẻ trong các giờ đọc sách, sinh hoạt. Bằng các câu chuyện nhẹ nhàng, gần gũi Bác Hồ với thiếu nhi giúp trẻ dần hình thành các thói quen, tình cảm tốt đẹp…
Tại Trường Mầm non Thành phố, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo hình thức trải dài trong không gian trường học, đi vào các lớp học, phòng họp, hội trường cho đến không gian sân trường. Ở mỗi không gian, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh lại có những cách thức tổ chức riêng, phù hợp với từng đối tượng, mang lại hiệu quả cao.
“Trong lớp học thì không gian Bác gắn với hoạt động giáo dục trẻ một cách nhẹ nhàng, gần gũi. Lớp nào cũng được treo ảnh Bác Hồ. Còn tại phòng họp, hội trường thì Không gian văn hóa Hồ Chí Minh lại được thiết kế với các tủ sách, đầu sách, các hoạt động sinh hoạt chính trị sâu rộng với đội ngũ. Tại sân trường, với bức tượng điêu khắc Bác Hồ và các cháu thiếu nhi miền Nam do nhà điêu khắc Diệp Minh Châu tặng trường ngày đầu trường mới thành lập đã tạo ra Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sống động cho trường. Tại đây, vào mỗi giờ học hoặc giờ vui chơi, trẻ và cô cùng nhau chăm sóc vườn cây xung quanh tượng Bác, tỉa lá úa, lau bụi, tưới nước…” – cô Mai Yến Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành phố cho hay.
Trẻ thích thú khi được khen thưởng ở góc bé ngoan trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường Mầm non Thành phố
Từ việc triển khai sâu rộng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong nhà trường với nhiều hình thức, cô Yến Hằng đánh giá, chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ tại trường đã ngày càng nâng cao, phụ huynh ngày càng thêm tin yêu, đồng hành cùng với cô, với trường trong các hoạt động chăm sóc trẻ.
“Khi được đắm mình trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh hàng ngày, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, mỗi giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý nhà trường đều ý thức được vai trò, nhiệm vụ của mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, chăm sóc, dạy dỗ trẻ bằng tình cảm thương yêu nhất. Trẻ thêm hình thành tình cảm kính yêu với Bác, hình thành nhân cách cho trẻ. Những yếu tố này tác động đến tình cảm của phụ huynh đối với nhà trường, phụ huynh ngày càng thêm tin yêu, đồng hành…” – cô Yến Hằng phấn khởi.
Không gian Bác giúp đổi mới giáo dục trở nên nhẹ nhàng
Vào mỗi sáng thứ hai đầu tuần, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nuôi (huyện Hóc Môn) luôn chờ đợi để được lắng nghe các câu chuyện kể về Bác do học sinh mỗi lớp luân phiên nhau thực hiện. Mỗi câu chuyện được kể dưới hình thức sân khấu hóa, trực quan sinh động, học sinh sắm vai, làm không khí các buổi sinh hoạt đầu tuần thêm sinh động, nhiều ý nghĩa…
Từng được sắm vai Bác Hồ, Mai Tuấn Khang (học sinh lớp 5/2, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nuôi) nhớ mãi cảm giác đầy tự hào, vui sướng khi đứng trước sân trường, kể lại câu chuyện “Chiếc vòng bạc” cho bạn bè cùng nghe.
“Câu chuyện không chỉ thể hiện được tình cảm yêu mến, thương yêu của Bác Hồ với các em thiếu nhi mà còn dạy chúng em phải luôn biết giữ lời hứa với mọi người, xem trọng lời hứa của bản thân khi nói ra…” – Khang nói.
Tuấn Khang cho biết, học ở Bác Hồ em luôn giữ tình cảm tốt đẹp với bạn bè, chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ bạn bè trong khả năng có thể. Mọi phong trào của nhà trường phát động như quyên góp cho trẻ em nghèo, phong trào kế hoạch nhỏ em đều tham gia.
Theo thầy Cao Minh Hải Bằng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nuôi, nội dung kể chuyện Bác Hồ trong giờ sinh hoạt đầu tuần là một trong những hoạt động nằm trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được trường triển khai từ năm học này, nhằm giáo dục học sinh học tập và làm theo Bác một cách thiết thực, hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, trường còn xây dựng một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh mở với các đầu sách, mô hình, tranh ảnh, thiết kế đối diện với thư viện để học sinh, giáo viên cùng tham quan, học tập. Hàng tuần, giáo viên các lớp đều sẽ thiết kế đưa học sinh lên học tập tại thư viện kết hợp học về Bác. Ngoài ra, không gian về Bác còn được trường xây dựng trực tuyến qua mạng xã hội…
“Sau một năm đẩy mạnh nội dung này, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả dạy học, đổi mới giáo dục của trường. Thầy cô tích cực, say mê thi đua đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá với nhiều tiết học, hoạt động trải nghiệm, mang đến sự ham thích cho học sinh khi học tập. Những bài học về Bác tác động đến giáo viên một cách xuyên suốt, bền bỉ, thầy cô thấy rằng đổi mới không còn là áp lực mà là trách nhiệm, nhiệm vụ sống còn. Các em học sinh thì ý thức hơn trong học tập, chan hòa trong mối quan hệ bạn bè, thầy trò” – thầy Hải Bằng bày tỏ.
Giang Quân
Bình luận (0)