Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lương Nguyệt Anh: ‘Không quen đá trên sân người’

Tạp Chí Giáo Dục

Chất giọng nữ cao linh hoạt, mượt mà, kết hợp với vốn kỹ thuật thanh nhạc cơ bản được trau dồi tại Học viện Âm nhạc Quốc gia cùng cách chọn bài thông minh đã đem đến cho cô gái Bắc Giang ngôi vị cao nhất tại chung kết Sao Mai dòng nhạc dân gian.

2011 là một năm bận rộn và quan trọng đối với Lương Nguyệt Anh. Cô tốt nghiệp thủ khoa hệ Trung cấp và vừa vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào hệ đại học Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia. Dù vậy, cô vẫn dành thời gian đầu tư cho cuộc thi Sao Mai.

Năm nay, dòng nhạc dân gian được đánh giá là có chất lượng thí sinh tốt nhất trong ba dòng tại Sao Mai. Để vượt qua những ứng cử viên sáng giá khác như Phương Thanh, Bích Hồng, chị đã phải cố gắng thế nào?

– Ngay từ những ngày đầu tiên, tôi đã thấy hạnh phúc vì được ủng hộ rất nhiều. Sau mỗi đêm thi, tôi lên mạng đọc những bài báo đánh giá về mình – điều đó giúp tôi tự tin hơn. Đêm chung kết xếp hạng cuối cùng với tôi không còn là một đêm thi nữa. Nó giống như một buổi biểu diễn, tất cả chúng tôi cống hiến đến khán giả để họ nhìn nhận mình đích thực là một ca sĩ trên sân khấu lớn. Tôi cứ thênh thang mà đi, không chịu bất cứ áp lực tâm lý nào. Vào đến chung kết, ai cũng có giải rồi, không cần phải đặt quá nặng suy nghĩ vào đó. Tất nhiên, việc giành chiến thắng cũng mang đến cho tôi những cảm xúc rất ngọt ngào.

Đây là cuộc thi có khá nhiều sự cố, từ thí sinh "tố" ban nhạc đến trục trặc về âm thanh trong đêm diễn, từ tin đồn mua giải, mua tin nhắn đến việc Ban giám khảo hủy điểm cộng dành cho thí sinh được yêu thích nhất vào phút chót. Vì sao chị có thể bình tĩnh như vậy?

– Những chuyện ngoài lề, tôi không quan tâm. Chúng tôi không có quá nhiều thời gian để có thể băn khoăn, tính toán chuyện này chuyện khác. Việc tôi thực hiện khi đó chỉ nhằm sao cho mình có phần thể hiện tốt nhất. Tôi không biết những dòng nhạc khác thế nào nhưng ở dòng nhạc của tôi, chúng tôi như anh em trong một gia đình, rất yêu thương và đoàn kết, không nghĩ tới việc phải cạnh tranh, “ra đòn” với nhau.

Ca sĩ Tùng Dương – thành viên Ban giám khảo – nhận xét: “Giọng hát của Lương Nguyệt Anh rất văn minh, đầy khát khao và thực nhập tâm vào ca khúc”.

Những cô gái hát dòng dân gian thường để lại ấn tượng nền nã, mềm mại, còn chị rất hiện đại, năng động, có phần mạnh mẽ kiểu dân thể thao. Khi lên sân khấu, chị làm thế nào để phù hợp với bài hát mình thể hiện?

– Đừng gọi tôi là ca sĩ thể hình nhé (cười lớn). Cái gì đã là bản chất thì khó thay đổi, nhưng tôi cũng cố để mình đẹp hơn trong mắt công chúng cả về giọng hát và hình thức bên ngoài. Nghề này là nghề làm đẹp. Tôi hát theo kiểu cống hiến, đặt hết mình vào bài hát. Dòng nhạc dân gian không đòi hỏi sự cầu kỳ, trang phục hình thức rất giản đơn nhưng cũng yêu cầu sự bổ trợ lớn của kỹ thuật để hát một cách ngọt ngào, những phần quãng treo không bị mất sức và đi sâu vào lòng người.

Tôi sinh ra ở Bắc Giang, cả gia đình theo nghệ thuật. Từ nhỏ đã được mẹ hát ru rất nhiều. Những làn điệu dân ca dần ăn sâu vào tâm hồn, thế nên tôi hát tự nhiên như từ chính tâm hồn của mình.

Nhưng dòng dân gian cũng có rất nhiều “cây cao bóng cả”. Chị sẽ tìm chỗ đứng cho mình ra sao?

– Khi còn ở trường phổ thông, nhìn các anh chị biểu diễn trên sân khấu tôi rất ngưỡng mộ. Vì thế, khi học xong cấp ba, tôi thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia và may mắn đỗ với kết quả tốt. Những bước chân chập chững vào con đường chuyên nghiệp, tôi đã được các thầy cô định hướng theo dòng dân gian. Dân gian là mảng tôi rất yêu và rất trăn trở.

Khán giả của dòng dân gian đã quá quen với những cái tên như Thanh Hoa, Anh Thơ, Tân Nhàn, Bùi Lê Mận… Nhưng tôi nghĩ, trăm hoa đua nở, mỗi người có một phong cách riêng. Hầu như mọi người khai thác những ca khúc miền Trung, nhưng tôi khai thác hoàn toàn những ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Bắc. Đây sẽ là hướng đi lâu dài cho tôi. Những ca khúc dân gian miền Trung rất mộc mạc, giản dị, nghe rất thương nhưng tôi cho rằng, mình nên phát huy những gì thuộc về sở trường. Tôi không quen đá trên sân người.

Nhiều người e ngại tôi sẽ bị giới hạn nhưng tôi cho rằng, mảng dân ca miền Bắc rất phong phú với những sáng tác hơi hướm ca trù, chèo, quan họ… Năm nay, tôi là thí sinh được Ban giám khảo và giới chuyên môn đánh giá là có cách chọn bài gần như không đụng hàng với bất cứ ca sĩ nào và đó cũng là điều khiến tôi được chú ý.

Từng tham gia Sao Mai 2009 và không giành được thứ hạng cao. Điều gì khiến chị quyết tâm thi tiếp Sao Mai 2011?

– Sao Mai 2009 với tôi là thành công chứ không phải thất bại. Ban đầu, tôi không định thi nhưng được sự động viên của gia đình, thầy cô, bạn bè nên cũng mạnh dạn tham gia. Việc vào đến top 9 và chỉ dừng chân trước đêm chung kết xếp hạng với tôi đã là may mắn. 2010, tôi tiếp tục ghi tên ở Tiếng hát mùa thu và giành giải Nhì. Hai cuộc thi đó giúp tôi có kinh nghiệm để bứt phá tại mùa Sao Mai năm nay. Các cuộc thi này đều là của Đài truyền hình. Việc tham gia sân chơi này giúp chúng tôi quảng bá mình đến khán giả nhiều hơn.

Sôi nổi nói về âm nhạc nhưng khi nghe ai hỏi về tình yêu, Nguyệt Anh lại ngượng ngùng cho biết, cô còn quá trẻ để nghĩ đến.

Nhưng các cuộc thi cũng chỉ giống như bệ phóng, còn việc bay xa, bay cao đến đâu phụ thuộc ở năng lực và sự rèn luyện của từng người. Chị đã có những kế hoạch nào để phát triển bản thân?

– Sao Mai giống như cánh cửa lớn mở ra cho tôi nhiều cơ hội, nhưng để phát triển còn cần rất nhiều cố gắng. Hậu Sao Mai có khi còn quan trọng hơn cuộc thi. Tôi không ngông cuồng, nhưng tôi cho rằng, không có những điều mình không làm được – chỉ là chưa làm được mà thôi. Như thế thì cần nỗ lực rất nhiều. Tôi không cho phép mình có thời gian rảnh. Tôi học tập, đi diễn, ấp ủ CD đầu tay. Mới đây thôi, tôi nhận được điện thoại của NSND Thanh Hoa mời tôi và Thúy Trang, Tố Loan cùng tham gia trong một CD. Đây là sự kết hợp thú vị vì nhất ba dòng năm nay đều là các cô gái.

Những bài hát chị thể hiện thường mang nặng tâm trạng. Một cô gái hai mươi tuổi còn quá trẻ để gặp khó khăn gì khi đặt mình vào nhân vật?

– Tôi có vẻ hợp với những bài hát về tình yêu dang dở, hay bi lụy. Khi hát những bài như Lời cỏ may, có vẻ tôi thành công hơn, nhưng tôi không cho rằng, cứ phải trải qua thăng trầm dâu bể mới có đủ cảm xúc. Trước khi hát, tôi rất trăn trở về việc, hát thế nào cho hay, nên hát thế này hay thế kia. Vì thế đứng trên sân khấu, tôi nhập tâm rất nhanh vào ca khúc và kết thúc, tôi thoát ra khỏi nó để trở lại cuộc sống bình thường. Việc có thể thoát nhanh ra khỏi ca khúc cũng là lợi thế của những người trẻ. Người làm nghệ thuật phải có sự rung động mới có thể hát, nhưng nói thật, tôi vẫn còn quá trẻ để yêu.

Ngọc Trần Theo VNE

Ảnh: N.A

Bình luận (0)