Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

Tạp Chí Giáo Dục

Khả năng tự đi lại của con rất mong manh nhưng gia đình vẫn luôn nuôi hy vọng
Ở tuổi biết chạy nhảy nhưng không ít trẻ kém may mắn phải bắt đầu với ngày tháng tập đi gian nan nơi bệnh viện.
Nụ cười sau mỗi bước đi
Dù đã lên 10 tuổi nhưng bé Huỳnh Văn Tịnh chưa bao giờ bước được nửa bước. Ngày lọt lòng mẹ, cơ thể Tịnh bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng chỉ 6 tháng sau, đôi chân của em có biểu hiện teo tóp. Tuổi tập đi cũng là thời gian Tịnh bắt đầu làm bạn với chiếc xe lăn và đôi nạng gỗ. Bà Nguyễn Thị Lai, ngoại của Tịnh nói: “Bạn bè trong xóm trêu ghẹo Tịnh với những câu từ khinh miệt. Tịnh không buồn mà cố tập đi nhưng chỉ vừa nhấc chân này lên thì chân kia sụm xuống khiến mặt mũi, tay chân đầy vết thâm tím”. Nỗ lực tập đi của Tịnh là niềm hạnh phúc của gia đình nhưng mỗi lần thấy con té đau lại không cầm lòng được. Bà Lai quyết định bán hai công đất cà phê đang mùa thu hoạch ở huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) để lấy tiền vào Sài Gòn “tập đi” cho cháu. Mắt bà Lai ngấn lệ vì hạnh phúc: “Hai năm điều trị vật lý trị liệu nội trú, cháu đã bước được 3 bước. Bấy nhiêu thôi, cộng với nỗ lực của cháu cũng đủ để gia đình gác lại mọi công việc mà lo cho cháu”.
Ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng (1A Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM) có hàng trăm đứa trẻ đến từ nhiều tỉnh, thành cùng mang bệnh tật như Tịnh. Đứa mang hình hài dị dạng từ bụng mẹ. Đứa không may bị tai nạn hoặc bệnh tật quái ác hoành hành. Tại hành lang góc trái của khu tập vật lý trị liệu nội trú, hình ảnh một người cha còn khá trẻ đang dìu con bước dưới cái nóng hầm hập đã quá quen thuộc với mọi người ở đây gần ba tháng qua. Con trai anh, cháu Nguyễn Minh Quân (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) bị sốt bại liệt từ năm 2 tuổi khiến đôi chân co rút lại. Bác sĩ bảo, thể trạng của Quân có thể phục hồi được 80% nếu có phương pháp tập luyện khoa học. “Không cần biết cháu có thể tự đi lại được hay không nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng. Mình có cố gắng thì con mới cố gắng được”, anh Nguyễn Minh Quang, cha Quân bày tỏ.
Tình thương lan tỏa
Quân cười tít mắt gọi ba mỗi khi đã hoàn tất bài tập đi hơn 3m. Anh Quang vỗ tay động viên con: “Ba đây, con tới bên ba đi”. Thằng nhỏ khoái chí vì vừa được khen, rồi sẽ được ba vỗ về khi mình sà vào lòng. Con đi được nửa bước thì người thân của chúng đã học được bài học kiên nhẫn, đức hy sinh cao cả và nhiều thứ khác. Đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều hoàn cảnh đáng thương. Như chị Phụng quê ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Chỉ sau hai ngày đưa con lên bệnh viện là chị Phụng đi bán vé số. Chị chia sẻ: “Con gái tôi đi chăn bò bị bò giẫm lên chân. Không biết y tá tiêm thuốc gì mà chân trái nó ngày càng co rút rồi teo tóp lại, không đi được. Nghe người ta nói, tôi đưa cháu lên đây tập vật lý trị liệu. Điều trị nội trú tốn kém quá nên tôi thuê phòng gần bệnh viện, sáng đưa cháu đến bệnh viện tập rồi đi bán vé số, trưa về cho cháu ăn uống, nghỉ ngơi rồi tập tiếp”. Thấy hoàn cảnh của mẹ con chị Phụng, ai nấy cũng thương, chia sẻ từ vật chất đến tinh thần dù điều kiện chẳng khá hơn. Không ruột rà máu mủ nhưng bà Trần Thị Sáng (ngụ đường Vườn Lài, Q.Tân Bình) đã sống gần 5 tháng ở bệnh viện để chăm sóc và tập đi cho cháu Trương Hoài Bảo. Bà Sáng tâm sự: “Tôi giúp việc cho gia đình cháu từ hai năm nay. Thời gian gắn bó, khi gia đình cháu gặp tai ương, tôi không nỡ đi làm chỗ khác”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bà Sáng trải lòng: “Thật tình, trông nom một đứa trẻ bình thường đã khó, trẻ có bệnh càng khó hơn. Mình cũng có con cháu, nếu không may cháu mang bệnh tật tương tự thì thế nào? Gieo tình thương thì gặt hái không chỉ tình thương mà còn được nhiều thứ khác”.
 

Bình luận (0)