Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cầu vồng ở cuối chân trời

Tạp Chí Giáo Dục

Xu hướng làm phim ngắn ở VN đang phát triển đến mức cảm giác như chỉ cần có một chiếc máy quay thì ai cũng có thể làm phim ngắn. Nhưng với điện ảnh chuyên nghiệp, sự thật có dễ thế không?

Diễn viên Quách Ngọc Ngoan (trái) và diễn viên Hồng Tân trong phim Chuyện tào lao (tác giả, đạo diễn: Nguyễn Khắc Huy) – bộ phim đầu tiên được hoàn thành trong dự án phim ngắn về giao thông 89.600 km+… – Ảnh: Blue Productions

Nhìn rộng ra, không khí phim ngắn sôi động hiện tại có thể đang có những tác động đáng kể đến điện ảnh chuyên nghiệp ở chỗ: tạo ra một cộng đồng các bạn trẻ bắt đầu có khái niệm về làm phim. Tuy nhiên, các bạn trẻ ấy có thật sự muốn trở thành những nhà làm phim chuyên nghiệp hay làm phim chỉ để cho vui?

Manh mún, nỗ lực tự thân

Dự án Chúng ta làm phim của TPD (Trung tâm hỗ trợ tài năng điện ảnh trẻ – Hội Ðiện ảnh) vừa kỷ niệm tròn 2 tuổi, YxineFF khởi động lần 2, 48 giờ làm phim, cuộc thi phim ngắn 89.600km +… về giao thông… là một số trong rất nhiều cuộc thi, sự kiện liên quan đến phim ngắn đang khuấy động đáng kể đời sống điện ảnh Việt hiện tại.

Ðúng là điều kiện để làm phim ngắn bây giờ rất đơn giản nhờ vào sự hiện đại của các loại máy quay với khả năng bắt sáng tốt, các phần mềm dựng phim, làm nhạc đầy rẫy trên mạng.

Nhắc lại để thấy với dự án Chúng ta làm phim của TPD vừa rồi, các em thiếu nhi tham gia dự án không có bất kỳ sự hỗ trợ đáng kể nào ngoài việc được mượn máy quay và hỗ trợ khâu dựng.

Theo đánh giá của một số đạo diễn chuyên nghiệp tham gia chấm giải Búp sen vàng, các phim tài liệu do các em làm thật sự đáng nể. Cái hay là hầu như các em đều bằng cách nào đó tự kể những câu chuyện về chính mình hoặc những gì rất gần gũi xung quanh. Tinh ý có thể thấy đó là cuộc sống khá tẻ nhạt, rất ít ước mơ nên không khó để hiểu rằng đúng là việc làm phim với các em có ý nghĩa như một cuộc cách mạng, nếu so với đời sống ít biến cố ấy.

Và suy cho cùng, đối với trẻ con đó lại là điều hay nhất mà cuộc chơi "chúng ta làm phim" này mang lại.

Nhưng ngay trên thế giới, phim ngắn cũng thường là hoạt động bên lề, mang tính phát hiện tìm kiếm của các LHP lớn chứ hiếm có rạp chiếu hay kênh truyền hình chuyên biệt cho phim ngắn. Ở VN, VTV6 từng dành thời lượng phát sóng các phim ngắn đoạt giải Cánh diều, các LHP phim ngắn cũng nhiều lên, và để đến với khán giả phim ngắn giờ đây có thêm một công cụ đắc lực: mạng Internet. Dù thế, tất cả vẫn chỉ là những nỗ lực tự thân, manh mún…

Từ những cuộc dạo chơi…

Cuốc xe đêm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau khi giành giải ba hạng mục Cinefondation ở LHP Cannes 2000 đã là tấm danh thiếp đẹp để năm 2001 với kịch bản Tay đào đất, Bùi Thạc Chuyên nhận được 5 triệu yen tiền giải thưởng cho đề tài phim tài liệu châu Á do Quỹ Hosobunka (Ðài truyền hình NHK, Nhật Bản) hỗ trợ.

Tay đào đất cũng là cảm hứng để Bùi Thạc Chuyên ghi tên mình là một đạo diễn điện ảnh thành danh với phim dài Sống trong sợ hãi…

Vũ Ngọc Ðãng năm 1999 bất ngờ làm khán giả yêu điện ảnh choáng với phim ngắn tốt nghiệp có tên Vợ chồng chuột, rồi sau đó là Chuột cũng rất xôn xao (Vợ chồng chuột từng được mời tham dự LHP sinh viên quốc tế Israel 2001). Ðến bây giờ dù đã rẽ ngang sang làm phim thương mại thay vì phim nghệ thuật, Vũ Ngọc Ðãng vẫn giữ "thương hiệu" đạo diễn VN thành công nhất với diễn viên là động vật…

Hay Phan Ðăng Di, cái tên được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua với Bi, đừng sợ!, cũng là một tác giả phim ngắn thành công bởi Khi tôi 20 của anh từng được LHP Venice lần 65 chọn tham dự hạng mục phim ngắn…

Ðạo diễn Trần Anh Hùng trước khi thành danh với Mùi đu đủ xanh cũng từng làm phim ngắn Thiếu phụ Nam Xương và có thể một số phim ngắn khác mà anh đã "giấu biến đi", vì trong nhiều cuộc trao đổi, tự anh cũng thấy phim ngắn của mình… dở! Gọi là dở nhưng Thiếu phụ Nam Xương đã được chọn vào Tuần lễ phê bình dành cho phim ngắn ở LHP Cannes 1989.

Đám rước cáo và chiếc cầu vồng của Kurosawa

Nhưng từ cuộc dạo chơi đến việc trở thành nhà làm phim là khoảng cách không hề nhỏ. Một phim ngắn thành công giống như phim đầu tay, cũng mới chỉ là một tín hiệu tốt. Trên con đường dài, những gì tồn tại của sáng tạo nghệ thuật thường được quyết định bằng kinh nghiệm và năng lực sáng tạo đích thực.

Trên thế giới chắc phải có cả triệu người làm phim ngắn khi các LHP ngày càng bội thực lượng phim gửi về. Vậy VN có câu chuyện nào hay, thật sự khác biệt để kể hay không? Nếu bạn không là người kể hay nhất trong một ngàn người thì bạn sẽ không có cơ hội. Dù làm phim ngắn, những ai sau này đi xa được đều là những người đã xác định rõ ràng mục đích của việc này.

Nghĩa là phim ngắn của họ sẽ bằng mọi cách phải có tên ở các LHP danh tiếng và uy tín. Ðiều này dường như các bạn trẻ đang làm phim ngắn ở VN chưa nghĩ đến hay các bạn không tham vọng với điện ảnh chuyên nghiệp?

Phim ngắn thường là bước khởi đầu cho một sự nghiệp điện ảnh sau này. Nhưng cũng có trường hợp ngược lại, như đạo diễn Nhật lừng danh Kurosawa Akira. Ông bắt đầu vào nghề bằng chức danh phó đạo diễn rồi làm luôn phim dài, cho đến khi cuối đời bỗng khao khát làm phim ngắn. Chùm phim Dreams như một sự hồi tưởng cuộc đời của chính ông và nước Nhật. Với phim đầu tiên trong chùm phim này, Kurosawa muốn nói đến nghề điện ảnh.

Cũng như đứa bé trong phim, những người làm phim phải có sự tò mò, háo hức với thế giới và vì thế đôi lúc cũng phải biết bỏ qua lời mẹ dặn để được đi vào rừng, để được xem đám rước cáo rất lạ kỳ, và ngay khi bị ép phải tự sát bằng dao thì cũng vẫn có thể gặp một khung cảnh đẹp hơn sau mưa với cầu vồng ở cuối chân trời.

Bắt đầu với phim ngắn, nếu không chấp nhận bằng mọi giá, vượt mọi khó khăn để theo đuổi cái mình thích đến tận cùng như cậu bé kia, làm sao có thể thấy được cầu vồng?

CÁT KHUÊ (Theo TTO)

Bình luận (0)