Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phập phồng với quy định áp trần giá sữa

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu quy định áp trần giá sữa của Bộ Tài chính được thực hiện, kiểm soát tốt sẽ mang lại lợi ích lớn cho đa số người dân Việt Nam
Theo quy định của Bộ Tài chính, từ ngày 1-6-2014 thực hiện áp giá trần đối với 25 mặt hàng sữa thuộc diện bình ổn giá. 20 ngày sau khi quy định này có hiệu lực, tức từ ngày 21-6, giá sữa bán lẻ buộc phải áp giá trần và không được cao quá giá bán 15%. Quy định này là tin vui với đa số người dân Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại, nghi ngờ tính khả thi, hiệu quả của quy định áp giá trần này.
Thị trường sữa “chuyển mình”
Theo đó, ngay từ đầu tháng 6-2014 các hãng sữa đã rục rịch “khuyến khích” các đại lý bán theo giá mới của Bộ Tài chính quy định. Đơn cử như Công ty 3A (đơn vị nhập khẩu, phân phối sữa Abbott tại Việt Nam) từ ngày 28-5-2014 áp dụng giá bán tối đa cho 5 mặt hàng thuộc danh mục 25 mặt hàng bình ổn giá theo quy định Bộ Tài chính. Đồng thời Công ty 3A cũng khuyến nghị giá bán lẻ tối đa cho người tiêu dùng và “cam kết hỗ trợ 100% khoản chênh lệch giá cũ và giá mới của số sữa tồn kho”. Theo thông tin từ các đại lý kinh doanh sữa, hiện nay vẫn chưa đến thời gian áp giá trần theo quy định của Bộ Tài chính (từ ngày 21-6 tới các đại lý bán lẻ buộc phải bán theo giá mới đối với 25 mặt hàng sữa thuộc diện bình ổn giá). Vì thế mà thị trường sữa bán lẻ loạn giá. Một cửa hàng sữa tại quận 9 (TP.HCM) cho biết một số công ty sữa đến làm việc, chốt lượng sữa còn tồn để hỗ trợ giá. Vì thế cửa hàng vẫn bán theo giá công ty đề nghị. Nhưng cũng có đại lý còn nhiều hàng nên lo sợ đã xả hàng trước. Vì thế mới có chuyện cùng một loại sữa mà mỗi nơi một giá.
Ngược lại, tình hình sữa nhập lậu, sữa trôi nổi vẫn diễn biến phức tạp trên thị trường. Mới đây, đầu tháng 6-2014, Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, cho biết đang mở rộng điều tra vụ chi nhánh Công ty TNHH MTV Hà Thành có hành vi tẩy, sửa, làm giả giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm để nhập khẩu sữa Ensure trị giá 2,5 tỷ đồng. Theo đó Đội 3 qua điều tra, phát hiện 6 tờ khai hải quan nhập khẩu thực phẩm bổ sung sữa Ensure của chi nhánh Công ty Hà Thành làm giả giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong tháng 5-2014 đã phát hiện, thu giữ hơn 2.600 chai sữa ngoại nhập lậu. Tháng trước đó, đơn vị này cũng đã phát hiện 1.800 chai sữa nước Ensure nhập lậu.
Hồi hộp chờ kết quả
Với những động thái nhất quán, quyết liệt của Bộ Tài chính cho đến các cơ quan liên quan các địa phương, các nhà sản xuất, phân phối sữa đã có những hành động cụ thể giảm giá sữa. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn còn ngại, bởi thị trường sữa luôn rất phức tạp và nhiều… chiêu trò. Không loại trừ khả năng một số đơn vị sản xuất, kinh doanh sữa lách luật bán sữa giá cao hơn tinh thần bình ổn giá Bộ Tài chính đưa ra. Một người tiêu dùng tại TP.HCM đặt vấn đề: “Tôi chẳng biết Bộ Tài chính áp giá trần như thế nào nhưng khi tôi hỏi giá sữa Enfagrow A+ loại 1,8kg tại một cửa hàng lớn, họ trả lời sữa này cửa hàng không bán nữa. Cửa hàng chỉ bán loại mới giá lên đến 840.000 một hộp, cao hơn hộp sữa cũ tôi mua 60.000 đồng. Tính ra loại sữa mới này còn đắt hơn sữa cũ. Vậy sữa đâu có giảm giá mà lại tăng”. Một số người tiêu dùng phản ánh về việc hãng Mead Johnson Nutrition Việt Nam ngưng sản phẩm cũ, tung ra sản phẩm mới bán giá cao thực chất là “bình mới rượu cũ”, móc túi người tiêu dùng. Cụ thể, theo phản ánh, từ cuối tháng này các đại lý sữa thông báo các sản phẩm “Enfa A+ với 360 Brain Plus” của hãng Mead Johnson Nutrition Việt Nam thay thế sản phẩm cũ giá cao hơn khoảng 50.000 đồng/ hộp 900g. Đây thực chất chỉ là chiêu lách luật tăng giá.
Theo bà Gift Samabhandhu, Tổng giám đốc Mead Johnson Nutrition Việt Nam, dòng sản phẩm Enfa A+ với 360 Brain Plus là “thành tựu nghiên cứu mới” của hãng này. Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển, Mead Johnson Nutrition giới thiệu dòng sản phẩm hoàn toàn mới “Enfa A+ với 360 Brain Plus” cho người tiêu dùng Việt Nam, bao gồm “hàm lượng đúng DHA” cộng với sự kết hợp cân bằng các dưỡng chất. “Vì vậy dòng sản phẩm mới Enfa A+ 360 Brain Plus không phải là những sản phẩm được tăng giá từ các sản phẩm hiện đang được bán trên thị trường”, bà Gift Samabhandhu khẳng định. Về phía đơn vị phân phối sữa Abbott thì trả lời những thắc mắc người tiêu dùng một cách chung chung: “Tuân thủ thông báo của Bộ Tài chính liên quan đến 5 sản phẩm của Abbott”. Như vậy, người tiêu dùng vẫn không tránh khỏi lo lắng khi các hàng sữa vẫn thường xuyên đưa ra sản phẩm mới với lý do thay đổi mẫu mã, bổ sung chất này chất kia mà người “thường” không thể biết được.
Bài, ảnh: Công Việt
Theo đại diện của Sở Tài chính TP.HCM thì những lo ngại của người tiêu dùng rằng các doanh nghiệp nâng khống giá sữa từ nước ngoài trước khi nhập về rồi phân phối tại thị trường Việt Nam hay lách luật tăng giá là không thừa. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã thảo luận, bàn tính và sẽ kiểm soát được giá sữa.
 

Bình luận (0)