Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Got Talent đến Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Sau nhiều thời gian thương thuyết, chương trình tìm kiếm tài năng có format được sản xuất nhiều nhất trên thế giới là Got Talent đã đến Việt Nam.

Với tên gọi Tìm kiếm tài năng – Vietnam’s Got Talent, chương trình là một sân chơi dành cho mọi công dân Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay nơi cư trú… Không hề chuyên biệt ở một lĩnh vực nào, cuộc thi này là cơ hội cho mọi đối tượng, có thể là cá nhân hoặc có thể là một tập thể vài chục người, có tài năng trong bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào, từ âm nhạc, múa, khiêu vũ, biểu diễn xiếc đến ảo thuật, hài, nghệ thuật truyền thống…

Susan Boyle – bài học về hiện thực hóa giấc mơ cho thế giới tại Britain’s Got Talent 2009.

Đây là một cuộc thi mà tài năng thật sự, không hề có sự tham gia của một bộ máy nào, ê kíp nào, công nghệ nào sẽ được tôn vinh. Nói một cách khác, đây là cơ hội để bất kỳ người nào, từ nông dân cho đến anh thợ rèn, cậu học sinh… cũng có thể hiện thực hóa giấc mơ nếu có tài năng. Trên thế giới, phiên bản cuộc thi này từng viết nên những câu chuyện cổ tích làm lay động trái tim khán giả toàn cầu. Ở câu chuyện cổ tích đó, nhiều nhân vật chính là những người vô danh như Susan Boyle của Britain’s Got Talent 2009 hay một người bán điện thoại di động cũng tại Anh cách đây vài năm… đã trở thành hiện tượng và mang lại bài học sâu sắc về tài năng và ước mơ cho tất cả mọi người.

Thực tế, đây là cuộc thi mà sự thú vị thuộc về yếu tố lạ, bất ngờ và thậm chí gây sốc. Tuy nhiên, đó cũng là một điểm khó bởi đảm bảo yếu tố bất ngờ hay gây sốc phải nằm trong giới hạn cho phép của thuần phong mỹ tục của Việt Nam. “Chúng tôi sẽ cố gắng cân bằng những yếu tố này, cũng như kiểm soát những tiết mục được phát sóng để yếu tố thuần phong mỹ tục được đảm bảo tuyệt đối”, ông Lại Văn Sâm – thành viên BTC cho biết.

Một yếu tố khác, vốn góp phần thu hút sự theo dõi cũng như bình chọn của khán giả tại nhiều nước trên thế giới, là những câu chuyện “hoàn cảnh” đi kèm tài năng. Có không ít câu chuyện được “vẽ” nên bởi chính thí sinh, gây phẫn nộ trong khán giả tại chương trình ở các nước khác. Về điều này, bà Bích Hạnh – giám đốc BHD, đơn vị phối hợp sản xuất chương trình – cho biết ngay khi đăng ký dự thi, thí sinh phải cam kết những thông tin mình đưa ra là sự thật. Bên cạnh đó, tại vòng bán kết, BTC sẽ phối hợp để kiểm chứng thông tin này.

Got Talent là cuộc thi do nhà sản xuất âm nhạc Simon Cowel sáng tạo nên, tuy được sản xuất đầu tiên tại Anh nhưng phát sóng trên truyền hình đầu tiên tại Mỹ vào năm 2006. Chương trình hiện được sản xuất tại 50 trên thế giới.

Thí sinh có thể đăng ký dự thi Vietnam’s Got Talent qua địa chỉ www.vietnamgottalent.vn hoặc tổng đài 8138. Cuộc thi sẽ được sơ tuyển tại các tỉnh, thành là Long An, Cần thơ, TP HCM, Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và Lạng Sơn. 350 tiết mục sẽ được chọn ra từ vòng sơ loại này để bước vào vòng sơ loại sân khấu và sau đó là vòng bán kết. 14 tiết mục xuất sắc nhất, được chia làm hai nhóm sẽ được chọn vào vòng chung kết.

Ở mỗi nhóm, hai tiết mục được chọn ra bởi khán giả và ban giám khảo sẽ bước vào đêm Gala chung kết – trao giải. tất cả các thí sinh lọt vào vòng bán kết sẽ được BTC đài thọ chi phí đi lại, ăn, ở. Giải nhất của cuộc thi sẽ nhận được phần thưởng là 400 triệu đồng và được BTC hỗ trợ hợp đồng biểu diễn phù hợp với khả năng, cũng như tìm kiếm một nhà quản lý phù hợp. Chương trình sẽ được phát sóng trên VTV3 và MTV Việt hóa vào 21h chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ 18/12 tới.

Võ Hà (Theo DVO)

Bình luận (0)