Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nghệ thuật “kinh điển” của Việt Nam: Bài cuối: Sân khấu cải lương một thời rực rỡ

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong vở Theo chồng về Mỹ của Đoàn cải lương Sài Gòn 1.Ảnh: T.Điền

Sau bước ngoặt lịch sử 30-4-1975, sân khấu cải lương Việt Nam mà cụ thể là cải lương Sài Gòn phát triển ngoài sức tưởng tượng. Ngay những ngày đầu mới giải phóng, các nghệ sĩ đã hợp lại với nhau diễn các vở Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Sân khấu về khuya… mang nội dung hiện thực phê phán đến bây giờ đã trở thành “kinh điển”.
Tuy nhiên, đông đảo nghệ sĩ nổi tiếng vẫn chờ đợi nhiều kịch bản cải lương mới, mang hơi thở của một dân tộc, một đất nước vừa giành được độc lập, tự do, thống nhất. Và họ đã không thất vọng…
Nghệ sĩ trở thành “chiến sĩ”
Hàng loạt các vở diễn mới ra mắt chỉ sau một thời gian rất ngắn. Các vở diễn và đoàn hát đã tạo nên một khí thế hừng hực, mang hơi thở dân tộc, đi theo đúng tinh thần: Mỗi nghệ sĩ trở thành “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Đoàn Sài Gòn 3 có vở Trăng lên đỉnh núi với Thanh Thanh Hoa – Nam Hùng diễn lại giai đoạn lịch sử miền Bắc nước ta bị Nhật đô hộ trước năm 1945, đỉnh cao là Người ven đô với Ba Vân, Út Trà Ôn, Thành Được, Phượng Liên… Đoàn Sài Gòn 2 cũng là một tâm điểm thời bấy giờ qua Ánh lửa rừng khuya mà Mỹ Châu đóng chính đã làm “dậy sóng” khán giả. Hay Tiếng hò sông Hậu cũng của Đoàn Sài Gòn 2, Ngọc Bích đóng vai Lài, Tuấn Thanh vai Chơn, Giang Châu ghi điểm son trong vai Thừa; rồi đến Tìm lại cuộc đời, Khách sạn Hào Hoa đưa Thanh Tuấn lên hàng ngôi sao; vở Cây sầu riêng trổ bông với những câu hát của Lệ Thủy: “Khi chưa xanh lá sầu riêng ta trồng, bão tố phong ba đã chia ly tình yêu chúng ta, trao nhau khúc hát thủy chung trong lòng, hãy đợi anh về, vững lòng em đợi chờ anh…” cho tới giờ khán giả không thể nào quên. Đoàn Sài Gòn 3 với Thanh Kim Huệ – Thanh Điền sáng đèn suốt một năm trời chỉ với Ngao Sò Ốc Hến, Theo chồng về Mỹ… Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga là đoàn liên tục có nhiều vở mới công diễn: Ánh sáng và bóng tối, Tấm lòng của biển, Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga… giúp cho tài năng của cố nghệ sĩ Thanh Nga bước vào đỉnh cao nghệ thuật ca diễn… Giai đoạn này cũng đã cho ra đời rất nhiều vở diễn lịch sử Việt Nam có nội dung “chiến đấu” như: Bình Tây Đại Nguyên Soái, Bình minh trên non cao, Tiếng sóng Rạch Gầm, Chuyện cổ Bát Tràng, Bão táp Nguyên Phong, Câu thơ yên ngựa, Tình sử A Nàng… Đoàn Hương Mùa Thu thành công nhất là với Gánh cỏ sông Hàn với Trần Dinh (Hoài Thanh) và cô gái giả điên (Ngọc Hương) đến bây giờ vẫn không có “đối thủ”. Đoàn Văn công thành phố tiếp tục tạo nên thương hiệu Mỹ Châu qua Tâm sự Ngọc Hân, Nàng Hai Bến Nghé, Muôn dặm vì chồng. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang giai đoạn đầu đã thành công ngay với Lục Vân Tiên (Bạch Tuyết – Thanh Sang), Rạng ngọc Côn Sơn (Minh Vương – Ngọc Giàu)…
Thời hoàng kim nhất của cải lương
Quả thật nghệ thuật cải lương chưa bao giờ rực rỡ và thành công hơn thế. Ở giai đoạn sau năm 1975, các vở diễn và vai diễn để lại ấn tượng rất mạnh mẽ và sâu sắc trong lòng khán giả. Những buổi diễn đông nghẹt, khán giả chen chúc nhau đi xem, sân khấu sáng đèn hằng đêm, một vở diễn sống lâu trên sân khấu, có những vở diễn liên tục hết năm này qua năm khác. Tối thứ bảy là mọi người náo nức, nóng lòng ngồi trước màn ảnh trắng đen để chờ xem các vở cải lương được phát sóng.
Năm 1977, Xí nghiệp Phim tổng hợp cho ra đời bộ phim truyện cải lương Ngày tàn bạo chúa (đạo diễn Mai Lộc, do Mỹ Châu đóng chính). Năm 1978, Xí nghiệp Phim Nguyễn Đình Chiểu cũng mở đầu với bộ phim truyện cải lương Làm lại cuộc đời rồi Tiếng trống Mê Linh, Ngao Sò Ốc Hến… đều là phim nhựa, màn ảnh rộng.
Đông đảo khán giả trong nước và kiều bào hải ngoại hiện đều rất muốn tìm lại để xem và lưu trữ những vở diễn “kinh điển” một thời này. Điện ảnh với ưu thế là các rạp hát, những đội chiếu bóng lưu động đã góp phần cùng với cải lương đưa đi phục vụ cho đồng bào khắp cả nước từ vùng duyên hải cho đến miền đèo cao, hoặc hải đảo xa xôi.
Tâm Lê

 

Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm qua, ai cũng đều tự hào về giai đoạn vàng son của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Tự hào về một thế hệ làm nghệ thuật liên tục vượt qua khó khăn, biết tận dụng thời cơ thuận lợi để trưởng thành, xứng đáng với tình cảm của khán giả. “Ôn cố tri tân” mà nhìn vào nền nghệ thuật cải lương hiện nay cảm thấy buồn biết bao!

 

Bình luận (0)