Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ảo thuật gia sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Tuấn Anh đang biểu diễn võ thuật. Ảnh: L.Đ.L

Trong nháy mắt, chàng sinh viên 9X phẩy tay biến tờ giấy trắng thành tờ tiền mười nghìn đồng. Ngay sau đó, chàng ta móc ra một xâu bong bóng xẹp lép thổi cho thật căng rồi dùng một vật nhọn đâm bong bóng nổ. Mỗi chiếc bong bóng nổ đều có một chú chim bồ câu từ trong đó bay ra cùng với những tràng vỗ tay tán thưởng thật to của các bạn sinh viên, học sinh. Đó mới chỉ là hai trong rất nhiều trò ảo thuật của Lê Tuấn Anh (sinh viên năm II Khoa Anh văn thương mại, Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM).
“Con nhà tông…”
 20 tuổi đời, Lê Tuấn Anh đã có “thâm niên” 15 năm tuổi nghề ảo thuật. Sinh ra trong một gia đình có ba là diễn viên xiếc – ảo thuật Minh Ngọc, nổi tiếng hơn 30 năm qua, được khán giả rất yêu mến, hiện vẫn còn hoạt động nghệ thuật. Từ năm lên 5 tuổi, Tuấn Anh đã theo ba ra sân khấu biểu diễn ảo thuật. Lúc ấy còn quá nhỏ nên Tuấn Anh chỉ biết làm theo những gì ba chỉ dẫn nhưng cũng được khán giả ủng hộ nồng nhiệt và đặt cho cái tên rất hoành tráng là “thần đồng Bi” (Bi là tên gọi ở nhà của Tuấn Anh). Khi vào tiểu học, ba không cho Tuấn Anh đi diễn nữa mà muốn cậu tập trung vào việc học hơn. Tuy nhiên, niềm đam mê đã ăn sâu vào máu nên những ngày cuối tuần được nghỉ học, Tuấn Anh nằng nặc đòi ba cho đi diễn chung. “Thương con, ba đồng ý nhưng với điều kiện là phải học giỏi. Vì quá đam mê nghệ thuật, muốn đem lại niềm vui cho mọi người đồng thời cũng không muốn bị tụt hạng nên mình phải cố gắng chu toàn cả hai” – Tuấn Anh cho biết. Thời gian đầu, Tuấn Anh được ba chỉ dẫn chi tiết những trò ảo thuật đơn giản, sau đó cậu tự mình tìm hiểu qua sách báo. Thấy bất kỳ diễn viên ảo thuật người nước ngoài nào biểu diễn trên truyền hình, Tuấn Anh cũng đều tập theo. Vì là “con nhà tông” nên cậu học hỏi, tập luyện và thực hiện lại những trò ấy rất nhanh. Suốt thời gian học ở Trường THCS Ngô Quyền rồi THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), Tuấn Anh không chỉ học giỏi mà còn luôn đi đầu trong các phong trào văn thể mỹ. Bình thường Tuấn Anh rất ít nói, hay cười, nhưng khi bước lên sân khấu thì bỗng chốc “biến” thành một con người hoàn toàn khác, hoạt bát, nhanh nhẹn, bạn bè và thầy cô ai cũng đều thán phục những trò ảo thuật điêu luyện, dễ thương của cậu học trò tài hoa này. Thời gian qua, song song với việc học tại Trường ĐH Hoa Sen, Tuấn Anh vẫn thường xuyên nhận lời đi biểu diễn vào các ngày cuối tuần tại Đầm Sen, Suối Tiên, Đại Nam, hội chợ thương mại. Nhưng nhiều nhất vẫn là các chương trình từ thiện phục vụ miễn phí cho các bạn sinh viên – học sinh, trường khuyết tật, nhà mở, mái ấm, trại mồ côi. Bất kỳ chương trình từ thiện nào, dù xa xôi đến đâu Tuấn Anh cũng không bao giờ từ chối. Các màn ảo thuật của Tuấn Anh như: Khăn nở hoa, biến giấy thành tiền, Đĩa CD đổi màu, gậy Tề Thiên; Làm cho đĩa, dù, bàn bay; Khăn, bong bóng nở bồ câu, xé báo hóa lành… Đặc biệt là tiết mục múa bài không chỉ “hút hồn” các em nhỏ mà khán giả người lớn cũng rất say mê. Từng quân bài như bị cậu làm phép, lúc tách làm đôi biến hình thành hai chiếc quạt, lúc co dãn như chiếc lò xo, lúc bò như một con rắn… Tuấn Anh cho biết: “Đây cũng là một trong những tiết mục mình tập lâu nhất vì nó đòi hỏi phải khéo tay, diễn cận cảnh nhưng khán giả vẫn không thể nhìn thấy được bí mật của nó. Đối với giới ảo thuật, bài Tây cũng giống như là đàn guitar của người học âm nhạc. Các thao tác với bộ bài là một trong những kỹ thuật căn bản, xem như nhập môn khi tập ảo thuật, giúp đôi tay linh hoạt, mềm dẻo, nhạy cảm hơn…”.
Việc học vẫn ưu tiên hàng đầu
Theo Tuấn Anh, để biểu diễn được ảo thuật cần một quá trình dài khổ luyện lâu dài, đòi hỏi sự nhanh tay, khéo léo, sáng tạo, kiên trì. Mặt khác, để biểu diễn thành công các màn ảo thuật như biến giấy thành tiền, thành hoa tươi… phải có kiến thức về hóa học, vật lý, toán học. Thuận lợi lớn nhất của nghề này hiện nay là các nhà ảo thuật tại Việt Nam chưa nhiều, cũng chưa được phổ biến như các bộ môn nghệ thuật khác nên các sân khấu rất cần có những gương mặt ảo thuật trẻ để làm tươi mới các tiết mục nhằm kế tục các nhà ảo thuật lão thành hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chuyện “tai nạn nghề nghiệp” cũng không tránh khỏi với Tuấn Anh, một vài lần bị bệnh, sức khỏe không tốt, cậu cũng để rơi một vài vật dụng trong quá trình biểu diễn, hay chuyện bị trầy tay, chảy máu được xem là chuyện bình thường.
Tất cả các đạo cụ biểu diễn, Tuấn Anh đều tự tay mua và làm lấy, cả những chú bồ câu cậu cũng chăm sóc rất kỹ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đạo cụ bị hư hay bị sự cố, cậu vẫn phải cầu cứu đến bàn tay khéo léo của ba. Một số đạo cụ ba “chế” riêng cho Tuấn Anh để khi diễn không bị “đụng hàng”. Sắp tới, Tuấn Anh sẽ cho ra mắt nhiều tiết mục mới, nhưng cậu muốn bí mật vì ảo thuật mà nói trước sẽ mất hay. Tập trung cho việc học vẫn là tiêu chí hàng đầu của Tuấn Anh. Cậu mong ước ra trường tìm được việc làm đúng chuyên ngành mình đang được đào tạo nuôi sống bản thân và báo hiếu cho ba mẹ còn ảo thuật chỉ là đam mê để tiếp nối truyền thống của gia đình.
Minh Tuyền

Tuấn Anh bật mí: “Để biểu diễn ảo thuật thành công thì 50% là của diễn xuất, 25% là của kỹ năng, và 25% còn lại nhờ đạo cụ diễn. Các ảo thuật gia không chỉ cần giỏi về kỹ xảo mà cần phải biết cách thu hút và nắm bắt được tâm lý khán giả”.

 

Bình luận (0)