Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giải pháp cho việc khan hiếm kịch bản

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, việc khan hiếm các kịch bản hay đang làm đau đầu các nhà quản lý sân khấu. Một giải pháp được đưa ra là dàn dựng lại các vở một thời vang bóng khiến khán giả rất hào hứng. Bởi tuy kịch bản cũ nhưng qua bàn tay sáng tạo của các đạo diễn có nghề, cùng dàn diễn viên trẻ đẹp đã làm cho nó mới lạ hơn.

Từ kịch đến cải lương

Cảnh trong vở Nhân danh công lý
Thật vậy, cách làm này vừa bảo đảm uy tín về chất lượng nghệ thuật, vừa bảo đảm doanh thu. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đang dẫn đầu với giải pháp này, hầu hết các vở đều thu hút đông đảo khán giả. Đầu tiên là vở Mùa đông cuối cùng (dựa theo tiểu thuyết Vô Ảnh Đăng của nhà văn Watanabé Dzunichi; đạo diễn Ái Như), vở đã từng được đạo diễn Minh Hải dàn dựng trên Sân khấu 5B hơn 10 năm trước đây với tên gọi Đèn không hắt bóng tạo được tiếng vang rất lớn. Nay được dàn dựng lại theo một phong cách mới, lãng mạn và cảm động hơn cùng một dàn diễn viên trẻ đầy tâm huyết, khán giả thật sự “say” khi thưởng thức. Tương tự, “phiên bản mới” của hai vở bi kịch gia đình Ngôi nhà thiếu đàn bàNgười điên trong ngôi nhà cổ cũng lôi cuốn khán giả bởi cách dàn dựng nhẹ nhàng, hợp ý, thấm đẫm chất văn học đồng thời đưa ra thông điệp giáo dục sâu sắc. Sân khấu kịch Superbowl cũng quyết định dàn dựng lại các vở Chị Dậu, Bỉ vỏ… hứa hẹn nhiều bất ngờ. NSƯT Hồng Vân cho biết: “Tôi mạnh dạn giao vai Tám Bính cho diễn viên Thanh Thúy. Nếu so với bề dày kinh nghiệm trong diễn xuất của Cát Phượng thì Thanh Thúy còn thiếu, nhưng Thanh Thúy sẽ tạo cho nhân vật Tám Bính sức hấp dẫn mới bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết. Vai chị Dậu sẽ được giao cho diễn viên Thanh Vân, Minh Nhí sẽ đảm nhiệm vai ông huyện trong vở Chị Dậu, thay NSND Diệp Lang”. Cách đây 15 năm, vở kịch Nhân danh công lý (đạo diễn Doãn Hoàng Giang) đã làm xôn xao dư luận trên Sân khấu kịch Kim Cương. Nay, câu chuyện này được tái hiện trên Sân khấu kịch Phú Nhuận do Đức Thịnh đạo diễn còn nóng bỏng hơn… Đức Thịnh đã đảo lộn trình tự các lớp lang, và cập nhật vào rất nhiều chuyện thời sự khiến khán giả rất hài lòng. Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM đã chọn kịch bản Lôi vũ (tác giả Tào Ngu, đạo diễn NSƯT Việt Anh, Thanh Hoàng) mở đầu trong đợt tái dựng nhiều tác phẩm đã từng đưa thương hiệu Sân khấu nhỏ 5B nổi danh trên toàn quốc. Ở lĩnh vực cải lương, Nhà hát Trần Hữu Trang cũng vừa dàn dựng lại vở Bên cầu dệt lụa; Sân khấu Vàng với Đêm lạnh chùa hoang, Tô Ánh Nguyệt, Sông dài, Lan và Điệp; Nhóm Thắp sáng niềm tin với Hòn vọng phu, Bích Vân Cung kỳ án… thật sự trẻ trung, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần kịch bản gốc. Chương trình phim truyện cải lương trên HTV mỗi tháng cũng giới thiệu đến khán giả một vở cải lương kinh điển được làm mới lại như Tiếng hạc trong trăng, Nửa đời hương phấn, Tình cô gái Huế, Hàn Mặc Tử… Các vở được quay theo hình thức phim truyện nên nội dung cũng được chỉnh lý lại cho phù hợp.
Một cách làm hay!
Theo đạo diễn Trần Ngọc Giàu thì: “Phương pháp dàn dựng lại vở cũ vẫn phải học cách của các ông bà bầu gánh hát xưa. Vì sau một thời gian xem quá nhiều vở mới, sự xuất hiện vở diễn cũ, đã có thương hiệu, bao giờ cũng thu hút khán giả quen thuộc mà nói như ông bà ta thì “rượu ngon nhờ có tri kỷ”.
Khi chọn một kịch bản cũ để dàn dựng lại, điều Ái Như luôn giữ được nội dung cốt lõi của câu chuyện, không làm mất đi điều tác giả tâm đắc. Sự ra quân của đội ngũ diễn viên trẻ trong việc làm mới các vở diễn cũ trên các sân khấu kịch đã cho thấy chất trẻ trung trong diễn xuất, đặc biệt là họ đã tạo được ấn tượng với khán giả khi làm thay đổi dấu ấn của những thế hệ diễn viên đàn anh, đàn chị trước đây. NSƯT Hồng Vân cho biết điều này hoàn toàn hợp lý vì ngoài chức năng tạo đất diễn và cơ hội để các diễn viên trẻ phấn đấu, còn là công tác chuẩn bị để cho các bạn trẻ đọ sức với các vai diễn khó trong nhiều kịch bản mới. Soạn giả Hoàng Song Việt rất hài lòng với cách làm này bởi nó cho thấy sự nghiêm túc của một đội ngũ có tâm huyết với nghề.
Bài, ảnh: Đặng Tiền Giang

 

Bình luận (0)