Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hàn gắn vết thương, hóa giải hận thù

Tạp Chí Giáo Dục

Các nhà văn Mỹ và Việt Nam tại cuộc tọa đàm – Ảnh: Ngọc Thắng

Ngày 27.5, trong chương trình Hội thảo Văn học Việt Nam – Mỹ sau chiến tranh tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc tọa đàm giữa 6 nhà văn Mỹ và Việt Nam: Kevin Bowen, Bruce Weigl, Fred Marchant, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bá Chung.

Những hồi ức về cuộc chiến

Các nhà văn cựu chiến binh Mỹ kể lại những kỷ niệm buồn bã của họ trong thời gian tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam, khi họ còn là những thanh niên rất trẻ. Nhà văn Kevin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner cho biết: “Tôi trở thành sinh viên của trường Umass Boston vào tháng 1.1969, 4 tháng sau khi trở về từ Việt Nam. Tôi thấy trong lớp học có nhiều cựu chiến binh khác. Tôi cố gắng tìm hiểu ý nghĩa trong những trải nghiệm của họ và chia sẻ những câu chuyện về việc cuộc chiến đã làm gì đối với lính Mỹ và người dân Việt Nam. Trong học kỳ đầu tiên ở trường đại học này, cũng giống như nhiều trường đại học khác trên khắp nước Mỹ, chúng tôi đã biểu tình phản đối chiến tranh”.

Là một chiến binh Mỹ phản đối cuộc chiến tranh ở VN, nhà thơ Fred Marchant kể lại: “Phải mất 2 năm trong quân ngũ tôi mới nhận ra rằng để có thể viết về chiến tranh từ trong cuộc chiến, tôi sẽ phải tham gia vào những mục tiêu đầy chết chóc của quân đội. Vì vậy vào năm 1970, trong khi đóng quân ở Okinawa và trước khi tôi phải sang Việt Nam, tôi đã tự tuyên bố mình đào ngũ vì phản đối cuộc chiến, và tôi trở thành một trong những sĩ quan thủy quân lục chiến đầu tiên giải ngũ trên tư cách một người phản đối cuộc chiến. Phải đến gần 20 năm sau tôi mới bắt đầu viết những bài thơ về sự chuyển đổi từ một sĩ quan thủy quân lục chiến thành một người theo chủ nghĩa hòa bình”.

Nhà thơ Bruce Weigl tâm sự: “Thời gian làm người lính ở VN đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Trước hết, nó buộc tôi phải làm quen với những nền văn hóa khác, kiểu người khác, tất cả những điều đó khiến một người trở nên mạnh mẽ hơn và có lòng trắc ẩn hơn. Nếu không có những trải nghiệm đó, tôi sẽ không bao giờ nhận con nuôi VN, người đã khiến cho cuộc đời tôi trở nên có ý nghĩa hơn. Tôi được ban cho một đứa con gái nuôi người VN, vậy nên tôi có cơ hội hiểu và sống với một nền văn hóa rất VN, trải nghiệm này giúp tôi cầm bút viết về VN và dân tộc Việt trong tác phẩm của tôi”.

Sứ mệnh của sự hàn gắn

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, cuộc tọa đàm này nhằm khẳng định một sứ mệnh của văn học – nghệ thuật trong sự hàn gắn những vết thương chiến tranh và hóa giải hận thù sau cuộc chiến, để cất lên một thông điệp hòa bình.

Các nhà văn hai nước đánh giá cao sự hoạt động hiệu quả của Trung tâm William Joiner (Trung tâm Nghiên cứu hậu quả xã hội và chiến tranh – ĐH Massachusetts, Mỹ). Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: “Trung tâm William Joiner là nơi tiên phong trong xã hội Mỹ và không ngưng nghỉ thực thi sứ mệnh cao cả của các nhà thơ, nhà văn nói riêng và của bộ phận những tri thức tiến bộ Mỹ nói chung trong việc mang đến cho công chúng Mỹ một hình ảnh chính xác nhất về đất nước và con người Việt Nam. Và hình ảnh này đã thay đổi một cách cơ bản cái nhìn của nước Mỹ đối với Việt Nam. Con đường của các nhà văn, nhà thơ hai nước đã và đang đi là con đường đến với cái đẹp. Nhưng con đường đi đến cái đẹp không phải là con đường của hoa và những lời tung hô. Con đường đó phải đi qua những ngờ vực, những thù hận và đầy thách thức”.

Nguyễn Việt Chiến (Theo TNO)

Bình luận (0)