Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phận đời lặng lẽ sau lò hỏa táng

Tạp Chí Giáo Dục

Một công nhân đang vận hành lò đốt gas chuẩn bị hỏa táng áo quan
Hiện nay, tỷ lệ người dân TP.HCM sử dụng hình thức hỏa táng cho người đã khuất ngày càng tăng. Điều đó cũng đồng nghĩa với công việc của những người làm nghề hỏa táng ở Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa sẽ vất vả hơn, có ngày họ phải tiếp nhận đến hơn 20 ca.
Tận tâm vì công việc
6 giờ 30 sáng. Trong khuôn viên của Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa (đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân, TP.HCM), những chiếc xe tang bắt đầu ra vào. Theo chân anh Phạm Ngọc Ân – người đã gắn bó với công việc này gần 15 năm để vào phòng hỏa táng, chúng tôi mới phần nào hiểu thêm những vất vả, tâm tư về công việc mà các anh đang làm.
Phòng hỏa táng với hơn 10 lò hỏa táng được đánh số thứ tự. Anh Ân kể: “Ngày đầu tiên đi làm ở đây tôi cũng sợ lắm. Tôi vẫn nhớ cảm giác thoáng rùng mình khi đi hết căn phòng rộng lớn, thấy sợ cái khen khét của mùi tro cốt. Riết rồi cũng quen, thấy mình gắn bó với công việc này lúc nào không biết”.
Thực hiện xong phần hành lễ ở đài hỏa táng, những chiếc áo quan được từ từ hạ xuống dưới tầng trệt nhờ vào thiết bị hạ huyệt. Áo quan vừa hạ huyệt sẽ được chuyển vào phòng hỏa táng. Đến đây, công việc của những người hỏa táng mới bắt đầu. Khi họ nhấn nút lò hỏa táng, ngọn lửa hơn 1.0000C bùng lên dữ dội, gia quyến của người quá cố đang ngồi bên ngoài lò hỏa táng có thể quan sát quá trình hỏa táng thông qua lớp kính. Thời gian hỏa táng sẽ kéo dài trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, tùy thuộc vào áo quan. Hiện nay, các trung tâm hỏa táng không còn sử dụng hình thức hỏa táng bằng củi mà thay vào đó là hình thức hỏa táng bằng lò đốt gas. Thông thường, mỗi lò hỏa táng sẽ do hai công nhân đảm nhận. Quan sát cách họ cẩn trọng từng khâu trong công việc, đặc biệt là hình ảnh họ lặng lẽ cho phần cốt vào hũ và đánh số lên từng hũ, chúng tôi cảm nhận các anh phải có tâm huyết với nghề lắm mới có thể chăm chú làm từng động tác như thế. Anh Trần Lâm (45 tuổi), nhà ở Tân Bình chia sẻ: “17 năm gắn bó với nghề hỏa táng, tôi chứng kiến bao phận đời, bao câu chuyện thương tâm. Có lần phải tiếp nhận ca hỏa táng một em bé mới 3 tuổi, vừa nhấn nút lò hỏa táng mà mắt tôi cay xè, bàn tay cứng đờ. Một lúc sau tôi mới bình tĩnh lại được. Tôi cứ tự nhủ với mình rằng ngày nào còn làm việc ở đây thì ngày đó tôi còn hết lòng với công việc”.
Trong đội công nhân hỏa táng ở đây, có người tuổi đời còn rất trẻ như anh Lê Văn Hoàng (21 tuổi). Hoàng kể: “Vào đây làm mới thấy xung quanh mình còn nhiều người tốt quá. Những con người xa lạ nhưng đối đãi với nhau thật ấm nồng”. Rồi Hoàng kể chúng tôi nghe về câu chuyện của những người phụ nữ trong một chi hội từ thiện. Cuối tuần, họ thường đến các bệnh viện trong TP để tìm các hài nhi bị bỏ rơi rồi đưa về trung tâm hỏa táng. Trong đôi mắt của chàng thanh niên ấy, chúng tôi thấy ánh lên niềm tin vào cuộc sống.
Trót mang lấy “nghiệp” vào thân
Ông Đoàn Quốc Hùng – Đội phó Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa cho biết: “Các anh em ở đây rất tâm huyết với công việc, có những ngày phải trực đến khuya nhưng không ai than phiền điều gì. Trung tâm chúng tôi luôn cố gắng trong khả năng của mình về chế độ bồi dưỡng, khám bệnh nghề nghiệp định kỳ cho anh em công nhân để mọi người yên tâm làm việc”.
Hiện tại, đội công nhân hỏa táng của Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa có 28 thành viên. Có những ngày họ phải ở lại đến tận khuya, thậm chí ngủ lại trong lò hỏa táng vì số ca tăng nhiều. “Nghề hỏa táng không chỉ giúp tôi có thu nhập lo cho gia đình, cho giấc mơ được đến trường của các con không phải dang dở mà còn giúp tôi nối nghiệp cha mình để làm chút gì đó cho xã hội. Tất cả cũng là duyên số khi tôi nối nghiệp này của cha” – anh Ân chia sẻ. Ở Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa còn rất nhiều những con người đã lặng lẽ dành thời gian, tâm huyết cho nghề. Anh Nguyễn Văn Sáu đã có 20 năm làm công việc này. Anh tâm sự: “Cũng nhiều lần tôi tính chuyển một công việc khác để làm, nhưng rồi sao chân đi không đành, chắc có lẽ tôi có duyên với nơi đây khi đã trót mang nghiệp vào thân”.
Sức khỏe, an toàn lao động là vấn đề luôn được Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa quan tâm để hạn chế đến mức thấp nhất những độc hại cho người công nhân đứng sau lò hỏa táng. Theo kế hoạch, TP.HCM đang tiến hành quy hoạch xây dựng một trung tâm hỏa táng thay thế cho Trung tâm Bình Hưng Hòa (sẽ đóng cửa vào năm 2015); đầu tư nâng cấp Trung tâm Hỏa táng Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) phục vụ khu vực dân cư các quận 6, 7, 8 và các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè. Giai đoạn 2016-2020, TP sẽ đầu tư xây dựng mới 2 trung tâm hỏa táng tại quận 9 và huyện Củ Chi. Trong thời gian chờ đợi ngày đóng cửa, những người công nhân làm nghề hỏa táng ở Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa vẫn ngày đêm lặng lẽ tiếp tục làm công việc mang đậm nghĩa tình đối với những người đã khuất.
Bài, ảnh: Yên Hà
Hỏa táng góp phần vào việc hạn chế ô nhiễm môi trường
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, người dân TP.HCM đã sử dụng hình thức hỏa táng khá lâu và với tỷ lệ khá cao, cụ thể: Năm 2011 khoảng 61%, năm 2012 khoảng 66% và năm 2013 khoảng gần 70%. UBND TP.HCM cũng đã chính thức ra quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng theo quyết định 2282/QĐ-TTg ngày 26-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn TP. Người dân cũng dần nhận ra hỏa táng là một hình thức hiện đại, văn minh, góp phần đáng kể vào việc hạn chế ô nhiễm môi trường. Hỏa táng còn góp phần tiết kiệm đất đai chôn cất, tiết kiệm chi phí cho gia đình người đã khuất, tiết kiệm quỹ đất…
 
 

Bình luận (0)